Tục thờ Tổ Mẫu Âu Cơ ở Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

     T7-Vinh-Ha-01-1555053886

Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn

       PTĐT – Trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của cộng đồng người Việt. Theo truyền thuyết: Mẹ Âu Cơ vốn là con gái của Đế Lai ở động Lăng Xương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy ngày nay). Khi Âu Cơ cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm tỏa ngát, trên trời có mây lành che chở, điềm báo “Tiên nữ giáng trần”. Âu Cơ được Lạc Long Quân kén làm vợ và đưa về núi Nghĩa Lĩnh, sau đó sinh ra bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai tại khu vực Đền Hạ (Đền Hùng ngày nay).

       Khi các con lớn khôn, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên duyên phận đến đây đã hết”. Rồi Lạc Long Quân đưa 50 người con về miền biển làm nghề chài lưới, Âu Cơ đưa 49 người con lên núi khai phá rừng hoang, để lại người con trưởng làm vua, 18 chi đời đều gọi là Hùng Vương. Từ huyền thoại ấy, bao đời nay, hình tượng Cha Rồng, Mẹ Tiên đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng thiêng liêng về giống nòi của dân tộc mình. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ gắn liền với sự tri ân công đức người Mẹ của muôn dân – Mẹ Âu Cơ, người đã đưa đàn con đi khai thiên phá thạch, mở mang sơn trang, bờ cõi. 

        Trong huyền tích, hình ảnh Mẹ Âu Cơ như bao người mẹ Việt khác, bình dị, đảm đang, chịu thương chịu khó và rất mực yêu thương các con. Sau khi đưa các con lên núi, Mẹ Âu Cơ dạy muôn dân trồng lúa nước, nuôi tằm, dệt vải, đánh bắt cá, hái lượm… Bởi vậy, hình tượng Mẫu Âu Cơ luôn gắn với nền văn minh nông nghiệp, là người Mẹ xứ sở, Mẹ núi rừng, người Mẹ thiêng liêng huyền thoại.

T7-Vinh-Ha-02-1555053907-1

Du khách dâng hương tại Đền Mẫu Âu Cơ. Ảnh Khánh Nguyên

        Tưởng nhớ công lao của Mẹ Âu Cơ, đồng thời để bảo tồn, phát huy Tín ngưỡng thờ Mẫu đặc biệt là tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tháng 9-2001, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được khởi công xây dựng trong khuôn viên Khu di tích và khánh thành vào tháng 1-2005. Kiến trúc đền theo kiểu chữ Đinh, quay theo hướng Đông Nam. Tuy được xây dựng trong thế kỷ XXI nhưng đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ vẫn mang đậm nét truyền thống, mái cong hình thuyền, các cột cái, khung, sườn, mái, vách ngăn, đều được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, tường xây gạch Bát Tràng. Các họa tiết trang trí được mô phỏng theo các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn như hình ảnh người giã gạo, hình ảnh chim Lạc, nhà sàn, con thuyền…

        Khi đến đền Tổ Mẫu Âu Cơ tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đồng bào và du khách sẽ leo 553 bậc đá qua Tam quan, trụ biểu, nhà bia, lên tới đền chính, 2 bên có nhà tả vu, hữu vu. Trong hậu cung, là nơi đặt khám thờ có tượng mẹ Âu Cơ được đúc bằng chất liệu đồng, dát vàng bên ngoài. Tượng là sự kết tinh và hội tụ những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: Hiền dịu, phúc hậu, đoan trang, cùng với tâm thế bình dị, ung dung.

        Hàng năm, vào các ngày lễ chính: Ngày Mẫu thăng (ngày 25 tháng Chạp); Mẫu giáng (mùng 7 tháng Giêng); ngày giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân (6/3 âm lịch) tại Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đều tổ chức lễ tiệc long trọng. Theo nghi thức truyền thống, lễ vật thường có: Bánh chưng, bánh giằng, thủ lợn, ván xôi, trầu têm cánh phượng, hoa ngũ sắc… Không chỉ những ngày lễ trọng, vào các ngày trong năm, đặc biệt là vào 3 tháng mùa xuân, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ đón rất đông đồng bào, du khách về thăm viếng, thắp hương thể hiện tấm lòng thành kính tri ân công đức của Mẫu Âu Cơ. 

        Bà Phạm Thị Hoàng Oanh – Phó Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Về với Đền Hùng được thắp nén hương trên ban thờ Tổ Mẫu Âu Cơ và Quốc Tổ Lạc Long Quân – những bậc tiền nhân sinh ra cộng đồng dân tộc Việt và tưởng nhớ các Vua Hùng – những người có công dựng nước là phong tục có từ lâu đời, đã trở thành nét đẹp văn hoá tiêu biểu, thể hiện “chữ Hiếu”, lòng biết ơn và triết lý “con người có Tổ, có tông”. Đền Hùng là điểm hội tụ tâm linh vẹn tròn, là trung tâm thực hành tín ngưỡng đạo hiếu của mỗi người con mang trong mình dòng máu Lạc hồng. Hàng năm, vào mỗi dịp tháng 3 về, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng lại được đón hàng triệu người con đất Việt về thăm viếng, thắp hương, cầu mong Cha Rồng, Mẹ Tiên, các Vua Hùng ban phúc, để nước Việt mãi trường tồn, nhà nhà ấm no, hạnh phúc…    

Vĩnh Hà- Nguồn: baophutho.vn

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.