Bánh Tẻ Hà Thạch – Quà quê thương nhớ
Làng nghề sản xuất bánh, bún Hà Thạch, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ nằm bên bờ sông Thao hình thành từ rất lâu đời. Nơi đây nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản quê hương, đặc biệt là các món bánh đã có lịch sử từ hàng trăm năm. Trải qua nhiều khó khăn, nhưng người dân trong làng vẫn duy trì được nghề truyền thống. Tiêu biểu trong đó có bánh Tẻ Hà Thạch với hương vị đặc trưng. Món quà đậm vị quê khiến người ta nhớ thương không nguôi.
Bánh Tẻ là loại bánh truyền thống, là món ăn dân dã, quen thuộc của người dân vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Bánh Tẻ nhiều địa phương còn gọi là bánh Lá hoặc bánh Răng bừa. Vì bánh được gói có hình như cái răng bừa của bà con nông dân.
Những chiếc bánh Tẻ mộc mạc, thơm ngon
Tham khảo thêm >>> Tằm lá Sắn – Món ngon dân dã của đất Trung du
Đặc sản bánh tẻ Hà Thạch chứa đựng bao tâm tình
Bánh Tẻ như tên gọi của nó, được làm từ gạo tẻ, với nhân thịt lợn, hành, mộc nhĩ. Những loại nguyên liệu đơn giản, bình dị nhất của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung cũng như người dân Phú Thọ nói riêng.
Lựa chọn nguyên liệu làm bánh
Bánh này làm không khó, nhưng đòi hỏi ở người làm sự cẩn thận, kiên trì. Làm bánh Tẻ Hà Thạch yêu cầu sự cẩn thận và trải qua nhiều giai đoạn. Từ việc ngâm gạo, xay gạo, làm nhân, vỏ bánh, luộc bánh thì cũng cần sự kiên trì, dẻo dai. Để làm nên được một chiếc bánh Tẻ Hà Thạch ngon thì điều cơ bản là nguyên liệu phải ngon. Nghĩa là khâu lựa chọn gạo, thịt và các thứ gia vị nêm lẫn luôn là hàng loại 1. Gạo làm bánh nhất thiết phải là loại gạo ngon nhất, thơm nhất mới đủ tiêu chuẩn làm bánh. Các thứ làm nên nhân bánh như: thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu, hành cũng luôn phải lựa chọn loại chất lượng ngon. Đặc biệt là thịt lợn là phải còn tươi mới khi vừa xẻ thịt xong. Không bao giờ được phép lựa thịt ôi, bởi nếu làm thịt ôi thì bánh sẽ giảm ngon và nhanh thiu.
Để gói bánh tẻ Hà Thạch ngon
Để làm ra một sản phẩm bánh Tẻ Hà Thạch hoàn chỉnh cần trải qua 2 khâu: làm vỏ bánh và làm nhân bánh. Cầu kỳ nhất ở khâu làm bột bánh. Gạo tẻ ngon đem ngâm vài tiếng rồi xay nhuyễn thành bột nước. Khi bột xay xong, đổ tất cả vào chiếc xoong to bắc bếp đun nhỏ lửa liu riu. Khuấy đều tay cho bột sánh mịn đạt độ chớm chín, mà nhiều người gọi là chín dở rồi bắc ra. Khuấy đều cho bột không bị vón. Việc khuấy bột đòi hỏi tay người khuấy phải khỏe, vì đó là công đoạn quyết định sự thành công của mẻ bánh. Bột phải chín đều, không vón, không sượng.
Tham khảo thêm >>> Mục hoa Chuối – Món ngon độc đáo xứ Mường
Khuấy bột cho tới khi cô đặc
Về phần nhân bánh, thịt ba chỉ trộn lẫn với mộc nhĩ và hành làm sạch rồi băm nhỏ. Nêm thêm hạt tiêu xay nhỏ, nước mắm loại ngon rồi bắc chảo xào cho chín. Cách nêm nếm nhân bánh sao cho vừa độ, không quá nhạt và cũng không quá mặn mới quan trọng. Phần chuẩn bị lá gói cũng cầu kỳ không kém phần nhân. Cụ thể, trước khi đem gói, lá dong được rửa nhiều lần với nước sạch, để ráo và lau khô bằng khăn sạch.
Nguyên liệu chính làm nhân bánh Tẻ
Khi bột bánh đã đạt yêu cầu, xúc từng phần lên lá dong, dàn bột dọc theo lá dong hình lòng thuyền. Cho nhân vào giữa lớp bột, rồi gói lại theo chiều dài xương lá dong. Gấp lá dong theo hình sống trâu. Vuốt đều vận lá và gập 2 đầu lá lại, cuộn chặt và tạo hình như chiếc răng bừa. Chiếc bánh thuôn dài, không vuông vắn như bánh Chưng, cũng không quá to như bánh Giò, lại không hề tròn trịa như bánh Giày mà bánh thon dài ở đầu và hơi phình ở giữa, dùng lạt hoặc dây cuốn theo thân bánh.
Công đoạn dàn bột, cho nhân và gói bánh
Luộc bánh tẻ không hề đơn giản
Công việc gói bánh tẻ Hà Thạch đòi hỏi sự tỉ mẩn, khá lâu công. Nhưng khi đã quen tay thì một người có thể gói tới cả trăm chiếc. Bánh gói xong sẽ được mang đi luộc trong khoảng 60 – 70 phút rồi vớt ra để ráo nước. Theo các thợ làm bánh, khâu luộc bánh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu để lửa to, luộc bánh kỹ, bánh sẽ bị nhừ, nhão hoặc không đủ lửa, bánh sẽ không chín đều.
Bánh được cho lên luộc chín
Sản phẩm sau hoàn thiện, bánh tẻ hà Thạc có màu trong pha chút xanh của lá dong. Bánh tẻ mịn căng, thơm lừng mùi gạo xen lẫn mùi lá dong, bóng đẹp, vị giòn ngon, nhân dậy mùi thơm. Bóc những chiếc bánh Tẻ Hà Thạch khi vẫn còn nóng hôi hổi, ăn ngay tức thì. Gia vị ăn kèm với tương ớt hay chấm cùng nước chấm được pha từ nước mắm ngon cùng bột ớt xẻn, rắc hạt tiêu, chanh, tỏi, ớt. Khi ăn sẽ thấy được hương vị thơm ngon, hấp dẫn đặc trưng mà chỉ bánh Tẻ Hà Thạch mới có.
Chiếc bánh nóng hôi hổi thơm ngon khó cưỡng
Bánh tẻ Hà Thạch lan tỏa muôn nơi
Khi thưởng thức, mỗi người đều cảm nhận được sự giản dị, mộc mạc. Dư vị đậm đà, dân dã được pha trộn, quyến rũ ngon, giòn, mềm đến thú vị. Ăn một lần mà muốn ăn mãi. Loại bánh này có thể thay cho bữa sáng, bữa xế. Những chiếc bánh ngon lành, trắng ngần, chứa đựng tâm tình của người làm bánh. Cái hay, cái khéo trong chiếc bánh là ăn nguội mà bánh không bị cứng, vẫn mềm giòn, đậm đà, ăn mãi không ngấy, không chán.
Tham khảo thêm >>> Xuyên rừng Xuân Sơn ăn vịt nhồi lam
Vào những ngày lễ, Tết, đám cưới, hỏi trong năm ở thị xã Phú Thọ, bánh Tẻ Hà Thạch vẫn thường xuyên xuất hiện và được ưa chuộng. Đây là món dễ ăn, không ngán mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng.
Hiện nay, làng nghề bánh bún và dịch vụ Hà Thạch có hơn 20 hộ làm bánh Tẻ, tiêu thụ hàng nghìn chiếc mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh. Tùy loại và kích cỡ có giá từ 7.000 – 15.000 đồng/chiếc. Người dân Hà Thạch đặt trọn tâm huyết với nghề vào từng chiếc bánh Tẻ. Không chỉ để mưu sinh mà còn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của quê hương qua hàng trăm năm nay.
Ngày nay, bánh Tẻ Hà Thạch được phổ biến rộng rãi từ các xã, các huyện trên địa bàn tỉnh, thậm chí ở Hà Nội cũng có thể mua được bánh này. Là một thứ quà quê chân chất mộc mạc, là thứ bánh mà ai cũng có thể thưởng thức. Khi đưa miếng bánh lên miệng ta sẽ cảm nhận thấy sự kết tinh của trời đất.
Món quà ăn vặt bình dị mang đậm chất hồn quê này luôn có sức hút đến lạ kỳ. Không chỉ với con trẻ, người già, mà còn với hết thảy bất kỳ du khách thập phương nào lỡ trót một lần thưởng thức. Nếu có cơ hội về với Đất Tổ, về với thị xã Phú Thọ hãy nhớ mua chiếc bánh này dành tặng cho những người thân yêu nhé.
Phương pháp trị liệu kết hợp tắm nước khoáng nóng với xoa bóp bấm huyệt theo y học cổ truyền Việt Nam được xem là một trong những phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Tắm nước khoáng nóng giúp mở rộng các giác quan, giảm căng thẳng và tăng cường sức đề kháng. Trong khi xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên cơ xương khớp, giúp giảm đau và tăng sức mạnh cho các khớp, từ đó giảm bớt các triệu chứng bệnh xương khớp. Hãy đến Tre Nguồn Resort để trải nghiệm phương pháp trị liệu này và cải thiện sức khỏe của mình!
Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ
Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ
- Tre Nguồn Resort, Khu 1, Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ
- Văn phòng: Số 11F ngõ 107, P. Vĩnh Hưng, Q. Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam
- Email: trenguonresortandspa@gmail.com
- Hotline: +84 96 2249 338