Đền Thiên Cổ – biểu tượng cho truyền thống tôn sư trọng đạo và tinh thần hiếu học của dân tộc.

Nằm trong địa phận của kinh đô Văn Lang xưa, đền Thiên Cổ uy nghiêm ngự trên một quả đồi nhỏ thuộc thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là ngôi đền thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, người thầy giáo đầu tiên của dân tộc đã có công dạy dỗ hai công chúa Tiên Dung – Ngọc Hoa con vua Hùng Vương thứ 18.

Anh Den Thien Co Mieu-1

Toàn cảnh ngôi đền Thiên cổ (Ảnh: Phạm Anh)

Tương truyền, thầy giáo Vũ Thê Lang quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên kinh đô Văn Lang dạy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai người tạ thế cùng một giờ, một ngày mồng 2 tháng 2 năm Quý Dậu (năm 228 trước Công nguyên). Đến nay phần mộ của hai vợ chồng thầy cô vẫn còn được nhân dân giữ gìn và bảo vệ cẩn thận ở trong ngôi đền. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngôi đền vẫn được người dân thôn Hương Lan, xã Trưng Vương hết lòng bảo vệ.

Ngôi đền nằm uy nghiêm dưới bóng hai cây Táu cổ thụ tỏa bóng mát lành. Không biết hai cây Táu được trồng từ bao giờ và ai đã mang chúng về đây. Chỉ biết rằng cho đến ngày nay, thân cây to 4 đến 5 người ôm không xuể, có người đoán chúng đã hàng nghìn năm tuổi. Kỳ lạ một điều, hai cây Táu cùng một giống, xanh tốt quanh năm nhưng cứ đến lúc xuân về một cây cho hoa màu vàng, một cây cho hoa màu bạc phủ đầy mái miếu trông rất cổ kính và ấm áp. Năm 2012, hai cây Táu đã được công nhận là cây di sản của Việt Nam.

Trong đền Thiên Cổ thờ 6 tượng, bố trí 3 lớp đối xứng theo trục dọc, lớp trong to rồi nhỏ dần ra phía trước. Tượng thầy Vũ Thê Lang cao tầm gần 1 mét, mặt đỏ, mắt to sáng, râu tóc bạc phơ hiền từ bình thản như ông Tiên trong thần thoại. Bà Nguyễn Thị Thục tóc đen, da trắng mịn hiền hậu. Công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa và hai đệ tử của công chúa im lặng như lắng nghe từng lời dạy của thầy.

Hoành phi và câu đối trong ngôi đền có từ thời Tự Đức năm thứ nhất (1848). Phía bên trong, ngoài ba lư hương cổ bằng gốm từ thời nhà Lý, nhà Lê, còn có một số đồ thờ bằng gỗ như ống hương, hai cây nến… Ngoài ra, còn có một bức Hoành phi nhỏ ghi: “Thiên Cổ miếu” và đôi câu đối của người xưa: “Hùng Lĩnh trung chi thắng tích; Nam Thiên chính khí linh từ”. (Là thắng tích của Hùng Lĩnh, là chính khí của trời Nam).

Den Thien Co

Các bạn học sinh trường Tiểu học Tân Dân thành phố Việt Trì tìm hiểu về đền Thiên Cổ (Ảnh: Sưu tầm)

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngôi đền không chỉ là điểm đến ý nghĩa của người dân địa phương mà còn thu hút những người hiếu học trên khắp cả nước. Đây là minh chứng rõ nét cho truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn và tinh thần hiếu học của dân tộc ta. Trong các ngày rằm, mùng một và trước các kỳ thi, các đoàn học sinh từ nhiều tỉnh thành thường về đây thắp hương cầu mong đạt được những thành tích cao trong học tập. Với ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, đền Thiên cổ đã, đang và sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong chương trình trải nghiệm giáo dục cho học sinh các cấp.

Phạm Anh – Trung tâm TTXT Du lịch.

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.