“Dù ai đi ngược về xuôi
Muốn đội nón đẹp thì về sông Thao”
Đó là câu truyền miệng ngợi ca về nghề làm nón lá của người dân xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những chiếc nón lá luôn được khách hàng gần xa ưa chuộng, trở thành vật dụng che nắng, che mưa và làm duyên cho biết bao chị em phụ nữ gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, từ khi được vinh danh trong cuộc thi thiết kế quà tặng, lưu niệm du lịch tỉnh Phú Thọ, Nón lá đã trở thành sản phẩm du lịch, là món quà độc đáo cho du khách gần xa khi đến với đất Tổ Vua Hùng.
Hình ảnh cổng Đền Hùng được vẽ trên chiếc nón lá (Ảnh: Phạm Anh)
Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, nghề làm nón ở đây đã có từ lâu, bắt nguồn từ làng Chuông theo chân người dân về Sai Nga, Cẩm Khê. Tuy vậy, khác với dùng nguyên liệu là lá thanh như làng Chuông hay các làng nghề làm nón khác, các nghệ nhân làm nón ở Sai Nga đã khéo léo sử dụng lá cọ, một loại cây đặc trưng của vùng đất trung du làm nón lá. Bởi vậy, những chiếc nón lá của Sai Nga luôn có nét đẹp thanh tú, hài hoà mà bình dị, dân giã. Tới đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm, du khách cũng cảm nhận được sức sống mãnh liệt của làng nghề này. Mỗi ngôi nhà trong làng như một công xưởng làm nón, người chẻ vanh, người quay, người khâu,… các công đoạn được phối hợp với nhau hết sức nhịp nhàng, ăn ý.
Để làm ra một chiếc nón người làm nón phải trải qua rất nhiều công đoạn như tìm chọn nguyên vật liệu, làm vanh, là lá, quay khâu, nức, nhôi, sấy… Sau khi người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu. Khâu là một công đoạn rất khó bởi không khéo là rách lá. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Đây cũng là lúc các cô gái tìm cách trang trí cho tác phẩm của mình. Giữa hai lớp lá mỏng, những hình hoa lá, hình bóng đôi nét kiến trúc cổ kính được những bàn tay khéo léo của các cô cài vào nón lá nhưng những lời nói lặng thầm đầy thi tứ gửi gắm trong tác phẩm của mình. Một chiếc nón đẹp phải đảm bảo mái nón phẳng phiu, đường khâu mượt mà, những vết khâu trải trên mỗi vành theo những khoảng cách đều tăm tắp.
Nón lá Sai Nga, món quà du lịch độc đáo khi về Phú Thọ(Ảnh:Bích Ngọc)
Tham gia Cuộc thi thiết kế quà tặng lưu niệm du lịch tỉnh Phú Thọ những nghệ nhân làm nón ở Sai Nga đã dày công suy nghĩ cải tiến mẫu mã cũng như chất lượng của những chiếc nón để đáp ứng yêu cầu của cuộc thi và hơn nữa, lâu dài trở thành sản phẩm quà tặng lưu niệm du lịch phục vụ du khách gần xa khi về đất Tổ. Khác với những chiếc nón lá thường ngày, các nghệ nhân đã thổi hồn vào những chiếc nón lá những hình ảnh đặc trưng cho quê hương Phú Thọ như cổng Đền Hùng, rừng cọ, đồi chè, đặc trưng hình ảnh logo du lịch Phú Thọ…điều đó đã mang đến cho chiếc nón lá Sai Nga một diện mạo đầy màu sắc và cuốn hút. Đó là sự kết hợp mềm dẻo, khéo léo của đôi bàn tay cùng với óc thẩm mỹ để nâng tầm chiếc nón lá giàu giá trị Chân – Thiện – Mỹ, đáp ứng nhu cầu mua về, chất lượng quà tặng thu hút du khách đến Phú Thọ.
Ngày xưa cần nón, ngày nay trong thời hiện đại những tưởng chẳng bao giờ sống lại thời nón lá, mũ lá. Thế nhưng ô, dù cũng chẳng thể thay được nón. Nón lá vẫn là thứ không thể thiếu trong đời sống thường nhật. Nón hàng ngày vẫn theo các bà, các cô ra đồng; nón vẫn làm duyên cho các chị, các em nơi phố thị với tà áo dài thướt tha, “tung bay tà áo tung bay” mà thiếu đi chiếc nón lá thì còn đâu hình ảnh quê hương.
Du lịch Phú Thọ đang trên đà phát triển, hình ảnh chiếc nón lá ngày càng trở nên quen thuộc với du khách xa gần, dần trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc được du khách ưa chuộng. Và các bạn đừng quên đến với làng nghề nón lá Sai Nga tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón để cảm nhận nét bình yên, dung dị của những người thợ lành nghề gửi gắm trong từng chiếc nón. Sản phẩm Nón lá Sai Nga với sự cách điệu mềm mại bởi các hoạ tiết tạo nên một bức tranh quê hương đất Tổ, sẽ là món quà tặng lưu niệm hấp dẫn du khách khi về với Phú Thọ./.
Một số hình ảnh nón lá Sai Nga:
Ảnh: Phạm Anh
Ảnh: Phạm Anh
Ảnh: Bùi Thuận
Phạm Anh –Trung tâm TTXT Du lịch