Sản phẩm du lịch là một vấn đề mang tính thời sự của ngành du lịch trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay của nền kinh tế – xã hội toàn cầu. Từ ý kiến của cộng đồng cho tới nhận định của các chuyên gia, những nhà nghiên cứu đều cho thấy vấn đề mấu chốt của sản phẩm du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng, đó là sự đơn điệu, nghèo nàn, đặc biệt là thiếu tính đặc trưng, đặc thù, thiếu hàm lượng văn hóa..
Nói về tiềm năng du lịch, điều kiện kinh tế, xã hội, xét về định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính quyền, Phú Thọ hoàn toàn có đủ những điều kiện và động lực để phát triển du lịch. Nhưng trên thực tế, hiệu quả từ hoạt động này ở địa phương còn quá thấp so với những tiềm lực đó. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch Phú Thọ vẫn chưa có được một lợi thế cạnh tranh mang tính chuyên nghiệp, đó là sự phân biệt hóa sản phẩm hay nói cách khác là tính đặc thù của sản phẩm. Vùng đất Tổ Phú Thọ, khu di tích lịch sử Đền Hùng được coi như cái nôi nguồn cội, đất phát tích của dân tộc Việt Nam; mảnh đất giàu truyền thống văn hóa bản địa trải mấy ngàn năm lịch sử; mảnh đất của tín ngưỡng mang tính đạo lí tốt đẹp của dân tộc – tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã ở tầm di sản quốc tế; và đặc biệt Đền Hùng còn là trung tâm thực hành tín ngưỡng lớn nhất và lâu đời nhất cả nước. Những giá trị này chắc hẳn quá đủ để gửi vào những sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng không thể lẫn với nơi khác, quốc gia khác. Thế nhưng, hiện trạng những sản phẩm này còn là một vấn đề hết sức nhức nhối. Không có mặt hàng nào mang đặc thù những giá trị nêu trên.
Từ những nghiên cứu hiện trạng về sản phẩm lưu niệm du lịch ở Phú Thọ nói chung và đền Hùng nói riêng, có thể tiếp cận và tìm ra những hướng giải pháp mang tính khả thi cho việc phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với đặc thù của địa phương Phú Thọ, nhất là việc đặc trưng hóa sản phẩm lưu niệm nhằm phát triển du lịch tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Từ năm 2015 đến 2017, Trường Đại học Hùng Vương đã tiến hành nghiên cứu đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu, thiết kế sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương phục vụ phát triển du lịch trên quê hương Đất Tổ”. Kết quả đã phân loại và hệ thống được các biểu tượng mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương. Từ đó, thiết kế được 10 biểu tượng tiêu biểu mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương và sản xuất thử nghiệm được 15 sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương.
Biểu tượng trong truyền thống của người dân Việt Nam chính là sự kết tụ lại rất nhiều những tinh hoa từ bàn tay khối óc của tổ tiên, nhân dân Việt được hình thành nên từ một tư duy nông nghiệp. Để có thể thấy rõ hơn những tinh hoa văn hóa của nhân loại, của ông cha ta từ xa xưa chúng ta cần phải bước và một quá trình nghiên cứu về hệ thống các biểu tượng, và để có thể tôn kính và phát huy những biểu tượng đó, hay chính là việc tôn kính những tinh hoa văn hóa của dân tộc, chúng ta còn phải đưa những biểu tượng trong truyền thuyết Hùng Vương vào thực tiễn cuộc sống, vào tâm thức của con dân Việt, bằng cách thiết kế ra những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng từ những biểu tượng đó. Bởi vậy nên việc nghiên cứu hệ thống các biểu tượng trong hệ thống truyền thuyết Hùng Vương để thiết kế tạo nên những sản phẩm du lịch, vừa phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống, vừa góp phần vào sự phát triền kinh tế – xã hội của nước nhà nhưng vẫn giữ gìn phát huy được những nét văn hóa truyền thống của tổ tiên. Đặc biệt, theo nhóm nghiên cứu thì việc thiết kế biểu tượng từ các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những biện pháp giúp học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị văn hóa để từ đó hình thành nên ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Chúng tôi lựa chọn các biểu tượng 10 sau để thực hiện việc thiết kế:
Vua Hùng: Hùng Vương là tên gọi 18 đời vua Hùng. Từ xưa đến nay nhân dân ta vẫn luôn tưởng nhớ công lao to lớn trong việc mở rộng bờ cõi và xây dựng đất nước của các vua Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định sự biết ơn, lòng kính trọng sâu sắc qua lời dạy thấm thía: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Hùng Vương là biểu tượng cho sự đoàn kết gắn bó cộng đồng, truyền thống yêu nước chống ngoại xâm kiên cường bất khuất để giữ gìn và bảo vệ đất nước. Từ ý nghĩa này, nhóm nghiên cứu đã thiết kế biểu tượng Vua Hùng dạy dân trồng lúa và biểu tượng Vua Hùng dạy dân đi săn.
– Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao (Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh): là bộ linh vật được Vua Hùng thứ 18 nhắc đến trong yêu cầu sính lễ đối với Sơn Tinh và Thủy Tinh. Nhờ bộ lễ vật Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao mà Sơn Tinh đã trở thành con rể của Vua Hùng. Như vậy biểu tượng bộ ba linh vật trên chính là biểu tượng cho ước mơ, khát vọng chiến thắng và chế ngự thiên tai. Ngoài ra chữ “chín” trong phần sính lễ “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” còn được hiểu là “chín” trong “chín chắn” hoặc “chín mọng”, hay rõ hơn, những con vật đó phải trong độ tuổi trưởng thành, độ tuổi sung mãn nhất. Thực vậy, voi con thì chưa có ngà, gà tơ thì chưa có cựa, ngựa non thì chưa đủ bờm để ra oai; ngà voi, cựa gà, bờm ngựa chính là dấu hiệu xác định mức độ “chín” hay độ trưởng thành, ngoài ra nó còn thể hiện sự mạnh mẽ, uy nghi, trang trọng của các loài đó và cũng là sự tôn trọng của nhà trai đối với nhà gái.
– Bánh chưng, bánh dày: là vật phẩm sáng tạo của Lang Liêu dâng vua cha và đã được vua cha nhường ngôi. Triết lý âm dương về trời đất “đất như cái mâm vuông, trời như cái bát úp” hòa hợp trong cặp đôi bánh chưng – bánh dầy, có nếp – có tẻ. Cặp bánh đó là sản vật của trí tuệ và mang lại may mắn cho Lang Liêu. Biểu tượng bánh chưng – bánh dầy mang thông điệp về trí tuệ, tài năng, sung túc và thịnh vượng. Bánh chưng, bánh dày được tổ tiên tôn vinh làm tinh hoa và đỉnh cao của nền văn minh lúa nước. Đó là biểu tượng cho những giá trị văn hóa đặc sắc. Bánh chưng vuông tượng trưng cho mẹ đất âm, bánh dày tròn tượng trưng cho cha trời dương. Trong mâm lễ cổ truyền của dân tộc thì bánh chưng bánh dày là hai thành phẩm không thể thiếu, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
– Chim lạc: Biểu tượng Chim Lạc trên trống đồng thường có số lượng tám con có hướng quay ngược chiều kim đồng hồ được thể hiện đẹp nhất đường nét phóng khoáng và rất có “thần” chim Lạc thường mỏ dài, chân cao. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Cổ lại yêu thích hình tượng chim như vậy, chim gần gũi với người Việt cổ trồng lúa nước, chim và người quấn quýt bên nhau trên những cánh đồng “Lạc Điền”.
– Trầu cau: Trầu cau là hình tượng đã đi vào tiềm thức người Việt. Với tục ăn trầu của người Việt cổ, miếng trầu đã trở thành một hình tượng quen thuộc trong văn hóa Việt, trong thi ca và trong đời sống hàng ngày. Từ câu chuyện tình éo le, hình ảnh trầu cau quấn quýt mang hàm ý về tình yêu thủy chung, gắn kết yêu thương. Có thể chuyển mã trầu cau từ hình tượng văn học sang một biểu tượng khát vọng lứa đôi hạnh phúc. Tình yêu và nguyện ước gắn bó yêu thương hàng nghìn năm vẫn dâng trào trên mọi miền đất có con người sinh sống.
– Dưa hấu (Truyền thuyết Mai An Tiêm): Mai An Tiêm là một con người kiên định, bản tính tự lực gánh sinh, tin vào sức lao động của chính mình, bền bỉ vượt qua mọi sự thử thách khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Đồng thời câu chuyện còn khẳng định sức mạnh của con người trong cuộc chiến chinh phục tự nhiên. Nhờ chính sự nghị lực phi thường đó Mai An Tiêm đã tạo ra cho đất nước một loại quả quý là dưa hấu.
– Hát Xoan Phú Thọ (3 biểu tượng Xoan cửa đình, Xoan giao duyên, Xoan trường học). Trong dân gian ta có rất nhiều truyền thuyết và huyền thoại khác nhau nói về nguồn gốc, sự ra đời của Hát Xoan, nhưng có lẽ cách lý giải đúng nhất, hợp lý nhất về nguồn gốc của Hát Xoan chính là truyền thuyết thời Hùng Vương “Sự tích hát xoan”. Hát Xoan cũng giống như rất nhiều các làn điệu hát dân ca cổ khác như ghẹo, hát dô, hát quan họ… đều là những tầng văn hóa cổ, chứa đựng rất nhiều những biểu tượng cổ. Hát Xoan có mối quan hệ chặt chẽ với phong tục Thành hoàng làng, đồng thời hát Xoan còn thể hiện được tiếng nói chung của sự gắn bó, đoàn kết cộng đồng, là tiếng hát của quần chúng nhân dân lao động, bắt nguồn từ những phong tục tập quán của cư dân lao động nông nghiệp. Mặt khác, Hát Xoan còn phản ánh đạo lý vua – tôi, cái nghĩa tình của vợ với chồng, của con đối với cha mẹ,.. Hát Xoan là tiếng nói tình cảm, là nguyện vọng và những ước mơ đạt được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là cầu nối cho sự đoàn kết giữa tình làng nghĩa xóm, giảm đi ranh giới sang hèn, cầu chúc sự an khang thịnh vượng của nhân dân lao động.
2.2. Kết quả sản xuất thử nghiệm các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương.
(1). Nhóm sản phẩm được nhóm nghiên cứu đặt hàng sản xuất từ chất liệu gốm, sứ tại cơ sở sản xuất gốm Hoa Nga, làng nghề Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.
Bộ cốc sứ, đĩa trang trí sứ in hình các biểu tượng truyền thuyết Hùng Vương tiêu biểu: Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao
(2). Nhóm sản phẩm được nhóm nghiên cứu đặt hàng sản xuất từ chất liệu gốm, sứ tại cơ sở sản xuất gốm Hữu Nhật, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ
Biểu tượng Vua Hùng dạy dân cấy lúa, dạy dân đi săn được thiết kế trên bình
(3). Nhóm sản phẩm đồ trang sức được nhóm nghiên cứu đặt hàng sản xuất từ chất liệu vàng, bạc tại cơ sở sản xuất vàng bạc Minh Nghiêm, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
(4). Nhóm sản phẩm truyện tranh do họa sĩ Nguyễn Quang Hưng (thành viên đề tài) vẽ tranh, nhóm đề tài sưu tầm và biên soạn. Truyện tranh đã được xuất bản tại nhà xuất bản Nông nghiệp
(5). Trang phục áo, khăn được họa sĩ Nguyễn Thành Trung thành viên đề tài thiết kế vẽ thủ công trên khăn lụa theo họa tiết trồn đồng Trang phục (áo, khăn..) với
họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ hoa văn trên trống đồng Ðông được vẽ trực tiếp trên chất. liệu lụa truyền thống tạo được sức hấp dẫn lớn đối với du khách thập phương trong các kì lễ hội Ðền Hùng cũng như các dịp trưng bày tại các cuộc triển lãm, giao lưu.
Qua hai năm thực hiện, ở các dịp lễ hội Đền Hùng, nhóm nghiên cứu đã triển khai tổ chức gian hàng trưng bày, bán và thăm dò phản hồi một số sản phẩm bao gồm: Truyện tranh, nón lá, cốc, đĩa lưu niệm, tranh in hình các biểu tượng dưới các chất liệu gốm và sứ. Kết quả thu được hết sức khả quan. Không chỉ sản phẩm được tiêu thụ hết về số lượng mà đề tài còn nhận được nhiều phản hồi tích cực của du khách, các nhà chuyên môn (nhà nghiên cứu, nghệ nhân gốm, nón, lụa, kim hoàn…) quan tâm, đóng góp.
Từ kết quả thu nhận được qua việc sản xuất, bày bán thử nghiệm ở hai mùa lễ hội Đền Hùng, có thể khẳng định tính thực tiễn và ứng dụng cao của đề tài. Bên cạnh đó, kết quả bước đầu cũng tạo được sức hút lớn về cầu từ phía thị trường du khách thập phương với nhiều đối tượng khác nhau (nội địa, quốc tế, trí thức, bình dân, thanh thiếu niên, người cao tuổi v.v.) đặc biệt là cả đối tượng khách có mức chi tiêu bình dân tới có khả năng thanh toán cao)
Có thể khẳng định một trăm phần trăm các biểu tượng do nhóm nghiên cứu thiết kế đều có tính giá trị đặc trưng trong hệ thống văn hóa thời Hùng Vương. Hệ thống biểu tượng đã được nhóm nghiên cứu lựa chọn đảm bảo việc phản ánh các truyền thuyết, các sự kiện của thời kỳ Hùng Vương ở nước ta. Tính giá trị của biểu tượng được lựa chọn còn thể hiện ở chỗ, nó phải là những biểu tượng đặc trưng nhất của thời kỳ Hùng Vương mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng có thể biết đến. Tính đặc trưng này sẽ đảm bảo một phần cho thị hiếu khách hàng và tính khả thi trong quá trình đưa sản phẩm hoàn chỉnh ra thị trường. Tất cả các truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương nói trên, mỗi người dân Việt Nam đều biết đến, nhưng không phải biểu tượng nào trong đó mỗi người dân Việt ở các độ tuổi khác nhau đề biết và hiểu. Hơn thế sản phẩm còn hướng tới khách du lịch nước ngoài. Do đó, chắc chắn sản phẩm lưu niệm được thiết kế từ các biểu tượng văn hóa Hùng Vương sẽ được đông đảo du khách đón nhận.
Truyền thuyết Hùng Vương đã phản ánh sinh động lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha từ thuở xa xưa, có vị trí vô cùng quan trọng trong kho tàng văn hóa Hùng Vương và có dấu ấn sâu đậm trong tâm thức dân tộc. Cho nên nhóm nghiên cứu đã lựa chọn thiết kế một số biểu tượng tiêu biểu của truyền thuyết Hùng Vương để tạo nên những sản phẩm lưu niệm độc đáo, mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương. Những sản phẩm này đã được du khách trong và ngoài nước yêu thích, hứng thú. Thông qua những sản phẩm lưu niệm này, nhóm nghiên cứu muốn tăng thêm hiệu quả giáo dục di sản văn hóa cho các thế hệ người Việt về giá trị nhận thức, giá trị lối sống đạo đức, giá trị truyền thống và giá trị thẩm mỹ. Từ đó, giúp họ thêm yêu di sản và có ý thức bản tồn, phát huy giá trị di sản đặc biệt đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Ngày nay, giữa bối cảnh tràn lan, bùng nổ của các phương tiện thông tin đại chúng và sự xâm nhập của văn hóa bên ngoài đang tác động vào đời sống cộng đồng, thị hiếu cảm nhận văn hóa đã có sự thay đổi, không loại trừ vốn truyền thuyết dân gian đang đứng trước thách thức có nguy cơ mai một, chúng ta phải luôn chủ động để tìm ra phương pháp, biện pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn vốn di sản văn hóa vô cùng quý báu này. Vì vậy, giáo dục văn hóa Hùng Vương cho học sinh như thế nào là một câu hỏi mà nhóm nghiên cứu rất băn khoăn, trăn trở. Nhóm nghiên cứu cho rằng muốn giáo dục tốt cho học sinh thì trước hết phương tiện mà chúng ta sử dụng phải được các em yêu thích. Do đó, nhóm nghiên cứu đã lấy ý kiến của học sinh về sở thích của các em khi các em đến Đền Hùng thông qua câu hỏi khảo sát “Mặt hàng sản phẩm bạn muốn mua nhất ở Đền Hùng là gì”?, các câu trả lời gợi ý mà nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra là: đặc sản; hàng lưu niệm; truyện, sách; ý kiến khác.
Phân tích kết quả trên, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc nhóm lựa chọn vấn đề nghiên cứu, thiết kế sản phẩm lưu nhiệm từ truyền thuyết Hùng Vương để giáo dục văn hóa Hùng Vương là một hướng nghiên cứu đúng đắn, phù hợp với sở thích của các em. Các sản phẩm lưu niệm được thiết kế từ biểu tượng của truyền thuyết Hùng Vương mang đến nhiều đặc điểm ưu trội, thể hiện rất rõ tính chất giáo dục về nhiều phương diện khác nhau, như: giáo dục đạo đức, nhân cách; giáo dục nhận thức; giáo dục thẩm mĩ và giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Kết quả khảo sát về ý nghĩa giáo dục của sản phẩm đối với học sinh rất tuyệt vời, đúng với sự mong đợi của nhóm nghiên cứu. 71% học sinh được khảo sát lựa chọn cấp độ 5 và 17% lựa chọn cấp độ 4. Như vậy là phần lớn học sinh chiếm tới 88% các em cho rằng các sản phẩm do nhóm thiết kế rất có ý nghĩa giáo dục, chỉ có 5% học sinh cho rằng không có ý nghĩa giáo dục. Như vậy, mục tiêu của đề tài là nhằm giáo dục học sinh về truyền thuyết Hùng Vương thông qua việc thiết kế và sản xuất thử nghiệm các di sản đã thành công. Đối với số học sinh chưa nhận thấy ý nghĩa giáo dục di sản qua sản phẩm thì chúng ta sẽ phải tiếp tục có những hướng nghiên cứu mới để đề xuất thêm các biện pháp có thể tăng cường giáo dục cho học sinh về di sản văn hóa nói chung và truyền thuyết Hùng Vương nói riêng.
Các sản phẩm lưu niệm do nhóm thiết kế hoàn toàn từ biểu tượng văn hóa Hùng Vương nên tự thân những sản phẩm này đã thể hiện rõ tính sáng tạo. Bởi vì, những biểu tượng này đều thiết kế từ các biểu tượng văn hóa phi vật thể, bằng các các thủ pháp nghệ thuật hội họa, nghệ thuật tạo hình, nhóm nghiên cứu đã thiết kế thành công các biểu tượng. Đây là những biểu tượng không trùng lặp với bất cứ các nghiên cứu trước đó về đường nét, màu sắc. Sản phẩm thiết kế luôn chú ý đến tổng thể toàn bộ, đưa hình tượng vào đúng những phần bố cục sao cho giữa mảng hình và mảng chữ có sự cân đối hài hòa đẹp mắt mà không phá đi tương quan toàn bộ. Bố cục cô đọng, xúc tích tránh nhiều nét rườm rà, hình khối rõ ràng khúc triết… Nét vẽ được chắt lọc từ họa tiết hoa văn thời kì Hùng Vương, kết hợp giữa thẳng cong xoáy tròn mảng khối hình đơn giản, dễ hiểu, tạo hình theo ngôn ngữ đồ họa, tinh giản về màu sắc, không gian ước lệ, gây ấn tượng thẩm mĩ cho người sử dụng. Đường nét tinh tế, giản lược, màu sắc đơn giản tinh kiệm, chắt lọc, tính thẩm mỹ cao, hấp dẫn và lôi cuốn người xem.
Tính sáng tạo còn thể hiện rõ qua các quy trình chuyển thể từ truyền thuyết Hùng Vương thành truyện tranh. Chúng tôi đã tiến hành thực hiện sáng tác chuyển thể được 07 câu chuyện truyền thuyết mang đặc sắc truyện tranh. Truyện tranh Truyền thuyết Hùng Vương nhìn từ góc độ mỹ thuật nó thể hiện được đặc trưng ngôn ngữ đồ họa. Mỗi câu chuyện được bóc tách thành những hình ảnh điển hình khi khớp nối tạo thành cuốn truyện tranh liên hoàn mà trong đó có phần chữ và phần hình được kết hợp hài hòa, sinh động có sức thuyết phục.
Có thể nói từ hệ thống biểu tượng mang tính tưởng tượng, nhóm nghiên cứu đã hiện thực hóa các biểu tượng đó thông qua sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ và nghệ nhân để đưa biểu tượng đến gần với công chúng, gắn biểu tượng với sản phẩm vật thể dễ tri nhận bằng thị giác.
Sản phẩm nhỏ, gọn, giá cả hợp lý, có tính thẩm mỹ, giàu đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ nên rất được du khách ưa chuộng. Đồng thời lại dễ sử dụng, thuận tiện trưng dụng, sử dụng, đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ và chất liệu. Do đó, du khách có rất nhiều cơ hội để lựa chọn cho phù hợp. Cùng một biểu tượng, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn thiết kế sản xuất trên các chất liệu, đồ dùng khác nhau. Ví dụ: Biểu tượng voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao được thiết kế tạo ra một loạt các sản phẩm như cốc, đĩa, nón, áo phông, lọ hoa, ống cắm bút, lợn sứ,… Như vậy, các em nhỏ thích biểu tượng này sẽ lựa chọn áo phông, ống cắm bút và lợn sứ. Còn các cô, bác thì lại chọn nón, đĩa, cốc làm sản phẩm lưu niệm. Thực tế này đã được nhóm đề tài đã khảo sát qua 2 dịp Lễ hội đền Hùng năm 2016, 2017 cộng với qua các đợt trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Lào Cai (Cuộc thi các trường Đại học, cao đẳng vùng trung du miền núi phía Bắc), tại Hội báo Xuân Đinh Dậu năm 2017 được tổ chức tại Trung tâm Lễ hội Đền Hùng, tại cuộc thi Khoa học Kĩ thuật quốc gia năm học 2016-2017 khu việc phía Bắc được tổ chức tại Phú Thọ, điểm du lịch đón khách nội dịa và quốc tế tại Đình Hùng Lô,… Nhìn chung, du khách, khách thăm quan, các đơn vị quản lý, cơ quan chuyên môn và các nhà nghiên cứu đều đánh giá cao giá trị knh tế của sản phẩm.
Đặc biệt các sản phẩm của nhóm còn có tính kết nối phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống như làng nón Sai Nga, Gia Thanh Phú Thọ; gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ; gốm Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ,…. Ngoài việc giới thiệu với du khách thập phương, du khách quốc tế về đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ, nhóm nghiên cứu còn quảng bá các làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, sản phẩm đem đã góp phần phát triển sinh kế cộng đồng qua các đơn đặt hàng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm tạ chỗ cho người dân.
Sản phẩm quà lưu niệm mang tính đặc trưng của địa phương không chỉ tạo sự hấp dẫn cho du khách, kích thích họ tiêu tiền mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương đó. Song nhìn vào thực tế, thị trường quà lưu niệm tại Đền Hùng hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Đa số tiểu thương kinh doanh xung quanh khu vực Đền Hùng mới chỉ nghĩ đến việc bán cho được hàng chứ chưa quan tâm đến việc chọn bán sản phẩm mang đậm bản sắc, văn hóa đặc trưng của vùng Đất Tổ để thu hút du khách. Tư duy còn manh mún nhỏ lẻ chưa dám mạnh dạn đầu tư chọn lọc vì thế nên đa số hàng hóa được bày bán là những sản phẩm từ nơi khác đến như đồ trang sức, đồ chơi, thú nhồi bông…. chủ yếu là các mặt hàng nhập từ nơi khác đặc biệt là hàng nhập từ Trung Quốc. Hiện nay, tại Đền Hùng, đặc sản quà bánh, đặc sản địa phương, vật phẩm lưu niệm, quần áo, vải vóc, hàng thủ công, mỹ nghệ được bày bán ở khắp các quầy dịch vụ ở khu du lịch Đền Hùng, ai cũng có thể nhận ra ngay đó những món hàng hóa có thể mua ở khắp nơi như: bánh cáy Thái Bình, chè lam Hà Tây, kẹo cu đơ Hà Tĩnh, thổ cẩm Sa pa (made in China), chuỗi hạt, vòng, xuyến sản xuất hàng loạt, chất liệu rẻ tiền, quần áo may gia công, kiểu cách lai căng (cổ, khuy kiểu Tàu) v.v. Kể cả một vài sản phẩm có nhắc nhớ đến địa danh bản địa cũng chỉ đơn giản là chiếc áo phông in chữ Du lịch Đền Hùng hay nửa tây nửa ta kiểu “I ♥ Đền Hùng” v.v.
Do đó, sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường tại Đền Hùng dần thay thế hàng Trung Quốc.
– Sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương đa dạng về mẫu mã, chất liệu, hình thức sử dụng.
– Góp phần truyền cảm hứng nghiên cứu, sáng tạo cho người dân Phú Thọ.
Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành hướng dẫn 2 sinh viên làm đề tài NCKH đã nghiệm thu gồm: Đề tài đạt giải nhất NCKH sinh viên cấp Trường năm học 2015-2016: “Đặc trưng hóa sản phẩm du lịch của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ” và đề tài đạt giải ba NCKH sinh viên cấp Trường năm học 2015-2016: “Ứng dụng ngôn ngữ tạo hình để sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ vùng Đất Tổ từ chất liệu dây kim loại phế phẩm”. Cố vấn Dự án tham gia kì thi Khoa học Kĩ thuật khối phổ thông khu vực phía Bắc năm học 2016 – 2017. Kết quả dự án “Góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản vùng Đất Tổ thông qua hệ thống biểu tượng mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương”, dự án đạt giải Nhì cấp Tỉnh, giải ba cấp quốc gia. Tiếp đó, qua các biểu tượng do nhóm hệ thống mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương sẽ là cơ sở, gợi dẫn cho các sáng tác tiếp theo.
TS. Hà Thị Lịch, TS. Bùi Huy Toàn