Chợ Xốm – Nơi lưu giữ giá trị văn hóa làng quê Việt Nam

Cách Đền Hùng chừng 10 km, làng cổ Hùng Lô hay còn gọi là làng Xốm – mảnh đất hơn 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô, từ xưa kia do có lợi thế ở ven sông nên Hùng Lô đã trở thành nơi buôn bán sầm uất, trên bến, dưới thuyền. Bằng bàn tay tài hoa và khối óc thông minh, sáng tạo, các nghệ nhân An Lão – Hùng Lô khi xưa đã để lại cho hậu thế nhiều công trình văn hóa có sức sống lâu bền và lan tỏa như các công trình văn hóa, tín ngưỡng, công trình tôn giáo có giá trị tinh thần quan trọng như đình, chùa, đền… Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới chợ Xốm, nơi đã gắn bó cùng nhiều thế hệ người dân Hùng Lô.

1-83

     Chợ Xốm ra đời từ rất sớm ngay ven bờ sông Lô, là nơi giao lưu, trao đổi kinh tế, hàng hoá giữa miền xuôi, miền ngược, giữa xứ đông, xứ đoài. Ngay từ thời Lý, bến chợ Xốm lớn đã tấp nập, đông vui như bến chợ lớn khác dọc sông Thanh Giang (sông Lô) như Tràng São, bến Dốc, Tam Sơn, (bến Then), bến Gốm…

     Sang thế kỷ XV (thời Hậu Lê) lịch sử còn ghi, sau chiến tranh chống quân Minh xâm lược, việc phục hồi kinh tế sầm uất nhất trong vùng là Kẻ Sủ (Lâu Thượng) và Kẻ Xốm (Hùng Lô) và đã đi vào tục ngữ, ca dao dân gian thật thơ mộng, mượt mà và thấm đượm tình quê: “Chợ Xốm một tháng 6 phiên/ Cái nón chàng đội là tiền em mua”… Vào các ngày chợ phiên, thương nhân từ nhiều miền quê, cả Thanh Hoá, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội đem đến trao đổi, buôn bán nhiều mặt hàng, nhất là cá khô, đồ sành sứ, đồ gia dụng từ xuôi lên; mua về lâm thổ sản (củ nâu, gạo, ngô, măng, sắn…), tạo nên cảnh đông vui, sầm uất trên bến, dưới thuyền, nhất là từ khi có Bến Tàu. Bến này được hình thành vào cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp đem quân đánh chiếm thành Hưng Hóa (lúc đó là trung tâm tỉnh lỵ), đặt đồn bốt ở Việt Trì và thiết lập đường giao thông thủy từ Hà Nội đi Việt Trì, Chợ Bờ (Hòa Bình), Yên Bái, Tuyên Quang và ngược lại. Mỗi tuần có 3 chuyến tàu thủy của hãng Bạch Thái Bưởi chạy qua Bến Tàu An Lão. Đến những năm 1936 – 1937 hãng này bị phá sản, bến Tàu mới ngừng hoạt động.

2-49

      Bằng đồng vốn làm ra từ các ngành nghề phụ, người dân nơi đây đã chắt chiu để mua ruộng. Dù phải đi xa từ mờ đất có khi đến lên đèn mới về, song mọi người vẫn cần mẫn cấy cày thêm nguồn thóc gạo để sinh sống và gây dựng quê hương. Làm ruộng gắn kết chặt chẽ với mở mang, phát triển ngành nghề đã tạo cho người Hùng Lô có phong cách năng động, sáng tạo, mở rộng giao lưu. Các sản phẩm được chế biến ra từ lúa gạo, mía, rượu, bánh đa, bánh đúc, bánh chưng, bánh gai, mì miến, kẹo lạc, kẹo vừng… đã được bàn tay khéo léo của người dân quê sản xuất vừa đậm đà, vừa thơm thảo, trở thành hàng hoá, một phần bày bán ở chợ quê, phần nhiều được chu chuyển đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Vốn có nhiều ngành nghề, giao thương rộng, nên người Hùng Lô có chế độ ẩm thực rất phong phú và tinh khiết.

3-42

      Ngày nay, Xã hội phát triển, đời sống sinh hoạt của nhân dân được nâng cao đã xuất hiện ngày càng nhiều các siêu thị, trung tâm thương mại với những mặt hàng đa dạng, phong phú được bày bán ngăn nắp và bắt mắt nhưng chợ Xốm vẫn khẳng định được vị thế của mình trong đời sống người dân, chợ truyền thống vẫn giữ được những nét đẹp văn hoá vốn có và phát triển không ngừng, thu hút rất đông bà con đến mua, bán…

      Một trong những nét đặc trưng của chợ Xốm đó là chợ thường họp theo phiên: Phiên chính và phiên xép. Trong phiên chính, chợ họp vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hàng tháng, số lượng người đến mua bán, chơi chợ, trao đổi hàng hóa đông hơn, phong phú hơn, đa dạng, rộn ràng hơn so với ngày thường còn ở phiên xép thì số lượng người và các mặt hàng ít hơn. Chợ chủ yếu phục vụ nhu cầu mua, bán của nhân dân xã Hùng Lô và các xã lân cận như Kim Đức, Phượng Lâu (thành phố Việt Trì), xã Vĩnh Phú (huyện Phù Ninh) và một số xã của huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc)…

      Nét độc đáo của chợ là người ta họp từ rất sớm và tan cũng sớm. Chợ bắt đầu họp từ 5h30 đến khoảng 10h, 11h trưa tuỳ theo thời tiết và theo mùa, có khi chỉ đến tầm 8, 9 giờ sáng đã vãn người, và nếu vào những ngày mùa bận chợ còn tan sớm hơn. Với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, vào phiên chợ ước tính có vài trăm đến hàng nghìn lượt người đến mua, bán.

      Chợ Xốm bán đủ thứ, sản phẩm được bày bán khá phong phú từ quần áo, đồ trang sức đến các sản phẩm nông sản truyền thống, sản vật địa phương, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hàng ngày, những thứ sẵn có ở trong nhà, từ mớ tôm, mớ tép, mớ rau đến mấy con gà, con vịt… Có những bà, những mẹ đến chợ chỉ bán dăm ba lá trầu, quả cau, mấy nải chuối, vài cái chổi…

4-26

     Vào những tháng nông nhàn, khi đã xong mùa vụ cũng là lúc những phiên chợ  đông người nhất. Ðến chợ hầu hết mọi người đều quen biết nhau nên chẳng mấy khi có cảnh bon chen, giành giật, nói thách. Khách mua đồ ăn, thức uống thường được dùng thử, ngon thì mua, không ngon lần sau ghé lại xem có khá hơn không. Có lẽ vì thế mà người ta thường bảo: muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa hay tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến chợ. Vì chỉ có ở chợ, nhiều vấn đề mới được bộc lộ một cách chân thực, sống động và hồn nhiên nhất.

     Thật vậy,  dường như ai cũng thích đi chợ, không mua sắm thì đi ngắm, đi chơi, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Ngày nay dẫu theo thời gian, kinh tế phát triển đã làm khung cảnh chợ quê khác xưa nhiều lắm nhưng không phải vì thế mà chợ quê mất đi cái hồn Việt duyên dáng, mộc mạc, chân tình.

      Những phiên chợ ngày nay không chỉ vẫn cứ họp đều đặn theo phiên mà còn lưu giữ nếp sinh hoạt cũ, vẫn họp chợ từ lúc sáng tinh mơ đến tầm nửa buổi sáng. Và đến với những phiên chợ quê ngày nay dường như ta vẫn tìm thấy những hình ảnh rất đỗi thân thương, gần gũi bởi cái chân chất của từng sản vật theo mùa vụ, cùng những món quà quê dân dã mà thắm đượm cả tình lãng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau… Đặc biệt, các mặt hàng quà như: kẹo bột, kẹo lạc, kẹo vừng, bánh rán, bánh gai, bánh đa, bánh đúc… luôn thu hút rất đông bà con mua về làm quà cho con cháu.

      Với những nét đặc trưng vốn có, chợ Xốm không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá mà còn có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy kinh tế – xã hội các địa phương đồng thời có tác dụng tích cực trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và đưa hàng Việt về nông thôn… Tuy nhiên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng nhái, hàng giả ở các phiên chợ truyền thống cũng cần lưu ý. Nguồn thực phẩm vào các chợ vẫn chưa được kiểm soát triệt để về chất lượng, do vậy, thực phẩm không rõ nguồn gốc có cơ hội đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, lực lượng thú y chốt tại chợ còn khá mỏng, cơ bản chỉ kiểm soát được số ít các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm. Còn lại các mặt hàng thủy hải sản, rau củ quả tươi sống mỗi ngày quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

     Người ta thường nói: “Có tiền chợ ngọc chợ ngà/ Không tiền thì xuống thác Bà, thác Ông” để nói lên vai trò, ý nghĩa quan trọng của chợ quê trong đời sống người Việt. Không chỉ là nơi buôn bán, chợ còn là nơi người dân quê giới thiệu những vật phẩm đặc trưng của địa phương mà những nơi khác không có hoặc có nhưng chất lượng thua kém hơn.

     Chợ Xốm như một biểu tượng, một di sản văn hóa phi vật thể – thân quen và gần gũi. Du khách khi về với Hùng Lô, hãy một lần ghé thăm chợ Xốm để có thể tìm cho mình những món quà quê rất đỗi thân thương, mộc mạc về làm quà cho người thân và bạn bè. Đây sẽ trở thành những kỷ niệm ý nghĩa đối với khách du lịch có dịp ghé qua chợ.

                                     

Bài và ảnh Bích Ngọc – Trung tâm TTXT Du lịch


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.