Độc đáo ẩm thực Đất Tổ

 

Am-Thuc-2-Bpt-1618906167
Bánh tai ở thị xã Phú Thọ được làm từ lúc 1-2 giờ sáng để hoàn thành và kịp phục vụ người dân, du khách vào sáng sớm.

 

PTĐT – Phú Thọ – Đất Tổ không chỉ là nơi lưu giữ những huyền tích thiêng liêng về truyền thuyết Hùng Vương, Mẫu Âu Cơ mà còn là vùng trung du nổi tiếng với ẩm thực độc đáo, đẹp mắt, ngon miệng, lưu giữ được hương vị, nét truyền thống trong từng món ăn.

 

Là một sản phẩm truyền thống lâu đời ở thị xã Phú Thọ, cùng với hương vị thơm ngon và tạo hình độc đáo, bánh tai đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu trên vùng đất anh hùng. Bánh tai được làm bằng gạo tẻ trắng, dẻo, bên ngoài có màu trắng đục của bột gạo, bên trong được làm từ thịt nạc xay, mỡ, hành khô, hạt tiêu.

Bánh được ăn kèm với nước chấm cay pha sẵn. Khi thưởng thức, bánh tai thơm mùi bột gạo quyện trong nhân thịt vị ngầy ngậy, cắn từng miếng bánh sẽ thấy cảm giác dẻo, mát, giòn, lượng mỡ nhỏ của nhân giúp ngấm đều cả chiếc bánh sau khi xôi và bánh không dính vào nhau, tạo ra vị béo mà không bị ngán.

Bánh tai thị xã Phú Thọ không chỉ là món ăn bình dị, dân dã mà trở thành món ăn đặc sản mời bạn bè, du khách từ phương xa thưởng thức để thể hiện lòng hiếu khách cũng như giới thiệu một nét văn hoá đặc sắc của quê hương mình.

Am-Thuc-1-Bpt-1618906111
Cỗ lá của người Mường, huyện Tân Sơn được chuẩn bị tỉ mỉ, mang hương vị đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đến vùng cao, mâm cỗ lá người Mường, huyện Tân Sơn cũng vẽ nên những gam màu độc đáo của ẩm thực Đất Tổ. Sở dĩ có cái tên đặc biệt như vậy bởi đây là món ẩm thực được bày biện đẹp mắt như một mâm cỗ trên mặt lá chuối toát lên được ý nghĩa tâm linh – trời đất giao hòa và thể hiện lòng biết ơn của người Mường với đất, trời, rừng núi. Đây là nét văn hóa ẩm thực sơ khai của người Mường và cho đến nay vẫn còn được lưu giữ trong những dịp lễ, tết, cưới xin hay ma chay… 

Giữa không gian hùng vĩ của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc, được thưởng thức mâm cỗ lá với những món ngon dân dã, đậm đà bản sắc dân tộc Mường mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của núi rừng. Những món ngon được chế biến từ nguyên liệu trong rừng, qua đôi bàn tay khéo léo của người dân trở thành đặc sản mang hương vị đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Nguyên liệu chính cho mâm cỗ lá phổ biến nhất vẫn là lợn Mán – một loại lợn lửng được bà con người Mường nuôi thả trên đồi có vị thơm ngọt tự nhiên. Bên cạnh thịt lợn, một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ lá đó là cá suối nướng, cá được người dân bắt ngoài những con suối tự nhiên, về nướng trên bếp than vàng ruộm, xen lẫn các món thịt là măng luộc, rau rừng.

Cỗ lá cũng không thể thiếu xôi trắng để tượng trưng cho tinh hoa của đất và rừng. Xôi nếp gạo nương được đồ chín, gói vuông vức trong tàu lá chuối đã hơ lửa cho mềm mang hương thơm và độ dẻo vừa tới. Nếu vào những ngày lễ hội lớn, đồng bào Mường còn cầu kỳ đồ xôi ngũ sắc với năm màu xanh – đỏ- tím – vàng – trắng rất độc đáo.

Thưởng thức cỗ lá, không phải chỉ để thưởng thức hương vị đặc biệt của các món ăn chấm với muối hạt dổi mà còn cảm nhận được tình cảm mộc mạc, chân thành của con người thông qua cách bày cỗ, cảm nhận được lễ giáo, phép tắc thông qua cách ngồi, cách ăn…

Am-Thuc-Bpt-1618906128
Thịt chua Thanh Sơn – ngon về hương vị, đẹp về hình thức, là đặc sản không thể thiếu để du khách làm quà cho người thân mỗi lần đặt chân đến Đất Tổ.

Thị xã có bánh tai, Tân Sơn có cỗ lá thì huyện Thanh Sơn có đặc sản thịt chua ngon nức tiếng, là một món quà nhỏ đầy ý nghĩa, lưu lại hương vị miền đất núi rừng, tinh hoa ẩm thực của con người Đất Tổ.

Nguyên liệu để chế biến món thịt chua gồm thịt lợn Mán, thính ngô, thính đỗ, các loại gia vị muối, đường, tỏi, ớt… Quy trình làm thịt chua với rất nhiều công đoạn như thui cho lợn vàng đều, quay cho thịt lợn gần chín tới, những vùng thịt ngon nhất của con lợn như thịt ba chỉ, thịt mông sấn, thịt nạc vai, nạc thăn sẽ được đem thái lát mỏng, ướp một chút muối gia vị, trộn đều với thính ngô, đỗ sao cho bột thính bám thật đều trên bề mặt các miếng thịt… Thị chua thường được ăn kèm với các loại lá sung, lá ổi, lá mơ, lá đinh lăng, rau thơm và chấm kèm với tương ớt sẽ cảm nhận được hết hương vị vô cùng độc đáo, mới lạ mà món ăn đem lại.

Với nguồn sản vật phong phú, đa dạng từ rừng và qua bàn tay chế biến khéo léo, người dân Đất Tổ đã tạo ra nhiều món ăn dân dã nhưng mang đậm hương vị núi rừng. Không chỉ bánh tai, cỗ lá, thịt chua, những món ăn độc đáo khác của như bánh sắn, cơm nếp Gà gáy, cọ ỏm, cá ngã ba sông… đã cùng nhau tạo nên bức tranh ẩm thực đa sắc màu, mang đến sự độc đáo, nét riêng biệt và giàu bản sắc dân tộc, hấp dẫn từ nguyên liệu, cách chế biến đến hương vị của từng người ăn.

Cao Hương

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.