Bánh Tai Phú Thọ – Món ngon Đất Tổ

           Thị xã Phú Thọ không chỉ nổi tiếng với lịch sử hào hùng hàng trăm năm với những hàng cây xà cừ cổ thụ ven đường, với bờ sông Hồng thơ mộng mà còn nổi tiếng với món bánh rất bình dị nhưng làm nức lòng thực khách đó là món bánh Tai. Món bánh Tai vốn là một thứ quà ăn sáng của người dân quê thị xã Phú Thọ, vào sáng sớm đã có thể bắt gặp những gánh hàng của các bà các mẹ gánh ra chợ bán. Món bánh tuy dân giã nhưng bất cứ ai khi đã từng thưởng thức thì cũng sẽ nhớ mãi hương vị và cái tên rất lạ của bánh.

          Bánh Tai đã có từ rất lâu đời, khi xưa gọi là bánh Hòn Tai, bánh nặn như hình con Trai Trai, sau đó được gọi tắt là bánh Tai vẫn kiểu dáng như hình con Trai nhưng nặn dài và mỏng hơn cong cong như hình cái Tai. Bánh được làm bằng gạo tẻ trắng, dẻo, bên ngoài bánh có màu trắng đục của bột gạo, bên trong bánh được làm từ thịt nạc say, mỡ, hành khô, tiêu. Bánh được ăn kèm với nước chấm cay pha sẵn. Khi thưởng thức, bánh tai thơm mùi bột gạo quyện trong nhân thịt vị ngầy ngậy, cắn từng miếng bánh sẽ thấy cảm giác dẻo, mát, giòn, lượng mỡ nhỏ của nhân giúp ngấm đều cả chiếc bánh sau khi xôi và bánh không dính vào nhau, tạo ra vị béo mà không bị ngán.

Bánh Tai Phú Thọ - Món Ngon Đất Tổ

         Để làm ra bánh Tai, quy trình cũng rất đơn giản. Bước đầu tiên cũng là quan trọng nhất là phải chọn được gạo ngon, thịt ngon. Theo lời kể của các cụ khi xưa chỉ cần một loại gạo là làm được bánh, ngày nay phải kết hợp từ 4 đến 5 loại gạo, có loại cứng, loại dẻo mới tạo ra được chiếc bánh Tai ngon tròn vị. Gạo được ngâm khoảng 2-3 tiếng vào mùa hè và 4-5 tiếng vào mùa đông rồi xay thành bột mịn, trộn với nước, nèn, nặn thật chặt rồi đem luộc sơ. Sau đó, giã khối bột cho tơi, thêm nước lạnh để nhào cho mịn và dẻo hơn. Khối bột được chia thành từng phần nhỏ để làm bánh, mỗi chiếc bánh có đường kính 7-10cm. Nhân bánh là thịt nạc vai, hành tím băm nhuyễn, trộn với hạt tiêu say, nước mắm. Cho nhân vào các phần bột đã được chia sẵn, rồi nặn bánh thành hình bán nguyệt, cong cong như chiếc Tai. Rồi đem đi hấp chín là có thể thưởng thức được. Tuỳ vào số lượng, một mẻ bánh làm xong cũng sẽ mất khoảng 4 tiếng, các nghệ nhân nơi đây sẽ phải dậy từ lúc một giờ sáng và hoàn thành vào lúc năm giờ để kịp phục vụ thực khách.

        Nhắc đến Bánh Tai Phú Thọ không ai biết đến cơ sở làm bánh nhà bà Định, cô Mai, cô Lâm… đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Thị Xã. Có lẽ nghề làm bánh đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, họ làm bánh không chỉ là một cái nghề mưu sinh mà còn mong muốn gìn giữ nét văn hoá truyền thống vốn có của quê hương cũng như của mảnh đất có truyền thống lịch sử hàng trăm năm này.

        Bánh được sử dụng làm quà tặng cho những người con xa quê, đặc biệt là ở nước ngoài vì luôn giữ đúng được hương vị của bánh Tai Thị xã. Ngày xưa, làm một mẻ bánh tai rất vất vả nên bánh chỉ được dùng trong những dịp lễ tết. Nhưng hiện nay, với sự hỗ trợ của máy móc, bánh tai có thể làm nhanh hơn, số lượng nhiều, giá cả hợp lý nên được sử dụng rộng rãi, phổ biến. Từ việc dùng cho các bữa điểm tâm, ăn sáng cho đến đồ ăn nhanh khi đi du lịch hay sử dụng làm món ăn trên các bàn tiệc cưới, hội nghị.

8

         Có thể nói, đối với người dân Thị xã Phú Thọ bánh Tai không chỉ là món ăn bình dị, dân dã và còn là món ăn đặc sản mời bạn bè, du khách từ phương xa thưởng thức để thể hiện lòng hiếu khách cũng như giới thiệu một nét văn hoá của quê hương mình.

          Cơ sở làm Bánh Tai Thị xã Phú Thọ:

              – Bà Định: 0965.626.726

              – Cô Mai: 02106.262.900

             – Cô Lâm: 01687.853.517

             – Cô Nga: 0989.198.909

Nguyễn Nga- Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.