“Chè xanh thêm chút gừng cay
Ăn bánh rau sắng làm say lòng người
Khách đi khách lại cũng ham
Khi về đã có chè lam Đền Hùng”.
Chẳng biết từ bao giờ, những người bán hàng lưu niệm cho du khách tại Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng đã truyền miệng nhau câu ca ấy, ngân nga đọc cho du khách nghe khi họ tới chọn lựa món quà lưu niệm từ mảnh Đất Tổ về cho người thân của mình. Chè lam Đền Hùng là một loại bánh cổ truyền được rất nhiều du khách lựa chọn không chỉ bởi giá thành hợp lý, mà còn bởi hương vị thơm ngon, dễ ăn, kết hợp cùng chén nước chè xanh thì thật là một thứ quà quê dễ gây vương vấn.
Chè lam mỗi nơi có những công thức khác nhau nhưng nguyên liệu hầu như ở đâu cũng vậy. Đó là đường mật, mạch nha, gừng tươi, bột gạo nếp rang, lạc rang. Những nguyên liệu đơn giản, gắn bó với cuộc sống nông nghiệp thuần túy ấy nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo nên một thức quà quê ăn vào sẽ nhớ mãi.
Bánh chè lam Đền Hùng có bao bì bắt mắt (Ảnh: Bích Ngọc)
Gạo nếp làm chè lam thường là nếp cái hoa vàng, hay nếp thơm – là những loại gạo đặc sản. Những nguyên liệu khác như gừng tươi cũng được chọn kỹ là những nhánh gừng già vừa cay nồng, vừa thơm. Công đoạn nấu chè lam là quan trọng nhất bởi những người thợ lành nghề sẽ biết cân, đong, đo, đếm từng nguyên liệu sao cho thật vừa vặn. Trên bếp than hồng là nồi nước với những lát gừng đã được rửa sạch, gọt vỏ và bào nhuyễn. Đường, mạch nha, lạc rang cộng thêm một chút muối tinh được cho vào cùng lúc.Tất cả được đun với lửa vừa, khuấy thật đều tay cho đường tan, hòa với mạch nha và gừng mà không bị cháy khét.
Khi tất cả đã hòa quyện với nhau thành hỗn hợp nước có màu vàng óng, gần như keo lại là đến công đoạn quan trọng nhất: rắc bột. Bột nếp rang đã nghiền được đổ đều tay vào nồi nước, đổ đến đâu đảo thật đều đến đó. Điều thú vị là, những người chưa bao giờ nhìn những người thợ làm chè lam lo sợ vì khi đổ bột trên nồi nước nóng bột sẽ kết lại, vón cục. Tuy nhiên, vì bột được làm từ gạo nếp rang chín nên mỗi lần thêm bột vào nồi, đảo thật nhanh và đều tay tất cả các nguyên liệu sẽ hòa quyện với nhau. Người thợ lành nghề sẽ biết cho lượng bột hợp lý để tạo độ dẻo đúng chuẩn cho chè lam. Thiếu một chút bột bánh, chè lam sẽ dẻo quẹo, dính chặt với nhau và nếu quá tay, chè sẽ rất nhanh cứng, không có độ mềm khi ăn. Do đó, công đoạn quan trọng nhất là cho bột và đảo thật nhanh. Lúc nào những đôi tay khỏe mới phát huy hết tác dụng, đảm bảo được tốc độ đảo bột và chất lượng sản phẩm. Khi thấy hỗn hợp đặc, dẻo là lúc mẻ chè lam đã hoàn thành.
Chè làm được phủ lớp bột áo bên ngoài (Ảnh: Phương Thảo)
Khi công đoạn nấu đã xong, chè lam sẽ được đổ lên những chiếc mâm đã được trải một lớp bột áo thật dày. Lớp áo này cũng chính là bột gạo nếp rang làm nguyên liệu nấu chè. Đợi lúc chè đã nguội hẳn, dùng những con dao thật bén cắt thành những miếng chè có hình chữ nhật 1,5×5 cm xoa đều trong lớp bột áo. Lớp bột này tựa như một lớp phấn phủ màu trắng bên ngoài, giúp những miếng chè không dính lại với nhau. Một miếng chè lam đạt yêu cầu là dẻo vừa phải, không mắc răng, độ ngọt thanh, có vị cay và thơm nồng của gừng lại có vị béo ngậy của những hạt lạc rang.
Ngay cả khi công nghiệp phát triển, máy móc hiện đại hơn, chè lam vẫn được làm hoàn toàn thủ công bằng phương pháp gia truyền. Nhiều cơ sở sản xuất bánh đặc sản tại thôn Cổ Tích, xã Hy Cương như: Cơ sở sản xuất Thành Long, Vân Anh…là những cơ sở sản xuất tại địa phương mang thương hiệu bánh đặc sản Đền Hùng đến với du khách. Từ những nguyên liệu là các sản vật địa phương và các vùng lân cận, các cơ sở sản xuất đã đã chế biến ra nhiều loại bánh thơm ngon mang hương vị riêng. Ngoài bánh chè lam còn có các loại bánh như: Bánh dày, bánh cốm nếp nương, , bánh củ mài, bánh đa, bánh khoai môn, bánh dứa, bánh rau sắng, bánh củ mài vừng giòn, bánh củ mài cổ tích nướng, bánh mè giòn đậu phộng, kẹo lạc Hùng Vương, chuối đồi đất Tổ… Các sản phẩm này không dùng một loại thuốc bảo quản nào và đều tuân thủ theo các quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự phong phú của các loại bánh với màu sắc rực rỡ và hình thức đẹp, bắt mắt đã tạo được sự chú ý của du khách, giúp họ có thêm một lựa chọn quà thú vị cho gia đình, bạn bè mỗi khi về thăm viếng Đền Hùng.
Phương Thảo- Trung tâm TTXT Du lịch
Phương pháp trị liệu kết hợp tắm nước khoáng nóng với xoa bóp bấm huyệt theo y học cổ truyền Việt Nam được xem là một trong những phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Tắm nước khoáng nóng giúp mở rộng các giác quan, giảm căng thẳng và tăng cường sức đề kháng. Trong khi xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên cơ xương khớp, giúp giảm đau và tăng sức mạnh cho các khớp, từ đó giảm bớt các triệu chứng bệnh xương khớp. Hãy đến Tre Nguồn Resort để trải nghiệm phương pháp trị liệu này và cải thiện sức khỏe của mình!
Nguồn Internet
Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ
Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ
- Tre Nguồn Resort, Khu 1, Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ
- Văn phòng: Số 11F ngõ 107, P. Vĩnh Hưng, Q. Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam
- Email: trenguonresortandspa@gmail.com
- Hotline: +84 96 2249 338