Xã Hùng Lô vốn là một làng nhỏ nằm ở phía Bắc thành phố Việt Trì; có diện tích tự nhiên 205,11ha , cách trung tâm tỉnh lỵ Phú Thọ 8km, cách Núi Hùng – (Đền Hùng) chừng 10km; dân số 6.541 người với 1.919 hộ gia đình, có 10 chi bộ, 5 khu dân cư. Hùng Lô có ranh giới phía đông giáp sông Lô, phía tây giáp xã Kim Đức, phía bắc giáp xã Bình Phú (huyện Phù Ninh), phía Nam giáp xã Phượng Lâu.
Trải qua quá trình định cư lâu dài, gắn bó cộng đồng trong sản xuất và chiến đấu bảo vệ quê hương, các thế hệ người dân Hùng Lô đã từng bước xây dựng nên hệ thống những công trình văn hóa, tín ngưỡng, công trình tôn giáo có giá trị tinh thần quan trọng như đình, chùa, đền, miếu…Bằng bàn tay tài hoa và khối óc thông minh, sáng tạo, các nghệ nhân An Lão – Hùng Lô khi xưa đã để lại cho hậu thế nhiều công trình văn hóa có sức sống lâu bền và lan tỏa; điển hình là khu di tích lịch sử văn hoá Đình Xốm – Đình Hùng Lô (thuộc quần thể di tích lịch sử văn hoá Đền Hùng). Đình Hùng Lô hiện vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá, trong đó tiêu biểu là 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng và những khí tự lễ hội có niên đại cách ngày nay đã hơn 300 năm. Hơn thế Hùng Lô còn là làng nổi tiếng về truyền thống trong lễ hội rước kiệu từ xưa đến nay. Thời phong kiến, nhiều năm làng Hùng Lô liên tục giành giải nhất. Và Năm Mậu Ngọ – 1918, làng Hùng Lô đã được thưởng “Kỷ niệm Hùng Vương đệ nhất hội” và hiện biển thưởng này vẫn đang được lưu giữ trong đình. Nếu đến đây đúng dịp lễ hội làng Hùng Lô quý vị sẽ được hòa mình trong lễ rước kiệu quy mô rất hoành tráng của làng, đi đến đâu náo động cả một vùng đến đó, với đội rước trên 200 nam trung.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới chợ Xốm, thuộc xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Gắn liền với truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời của làng Hùng Lô, trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều lần dịch chuyển địa điểm nhưng chợ Hùng Lô vẫn lưu giữ được những nét văn hoá đặc sắc của chợ quê. Do có lợi thế ở ven sông Lô, nên Hùng Lô đã trở thành nơi buôn bán sầm uất, trên bến, dưới thuyền. Chợ Xốm không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây, mà nó còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng mộc mạc, giản dị vô cùng mà vẫn mang những nét riêng.Dẫu chợ quê mỗi nơi một vẻ nhưng dường như nó vẫn mang một cái dáng dấp rất chung: chỗ nào có cư dân sinh sống thì chỗ đó có chợ. Từ khắp các miền quê đến cả vùng sông nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt… Từ những phiên chợ nổi cho tới những phiên chợ vùng cao với vô vàn sản vật làm say đắm lòng người. Nhưng có một điều mà cho dù bất cứ ai đến với những phiên chợ ở Chợ Xốm cũng đều cảm nhận, bởi nó thật giản dị và tiện dụng đó lànơi mà người bán và người mua đều cảm thấy an lòng vì trao nhau những món hàng có kèm theo cả tình quê trong đó.
Mỗi nơi có một quy ước ngày họp chợ. Cứ dăm ba ngày chợ lại họp một phiên nhưng các phiên của mỗi chợ trong cùng khu vực không bao giờ trùng ngày để tạo điều kiện thuận tiện cho bà con đến giao lưu, buôn bán và trao đổi hàng hóa. Chợ Xốm thường họp theo phiên: Phiên chính và phiên xép. Trong phiên chính, chợ họp vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hàng tháng, số lượng người đến mua bán, chơi chợ, trao đổi hàng hóa đông hơn, phong phú hơn, đa dạng, rộn ràng hơn so với ngày thường còn ở phiên xép thì số lượng người và các mặt hàng ít hơn. Chợ chủ yếu phục vụ nhu cầu mua, bán của nhân dân xã Hùng Lô và các xã lân cận như Kim Đức, Phượng Lâu (thành phố Việt Trì), xã Bình Phú (huyện Phù Ninh) và một số xã của huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc)…
Nhiều thế hệ người dân Hùng Lô đã gắn bó với chợ Xốm. Chợ ra đời từ rất sớm ngay ven bờ sông Lô, là nơi giao lưu, trao đổi kinh tế, hàng hoá giữa miền xuôi, miền ngược, giữa xứ đông, xứ đoài. Ngay từ thời Lý, bến chợ Xốm lớn đã tấp nập, đông vui như bến chợ lớn khác dọc sông Thanh Giang (sông Lô) như Tràng São, bến Dốc, Tam Sơn, (bến Then), bến Gốm..
Sang thế kỷ XV (thời Hậu Lê) lịch sử còn ghi, sau chiến tranh chống quân Minh xâm lược, việc phục hồi kinh tế sầm uất nhất trong vùng là Kẻ Sủ (Lâu Thượng) và Kẻ Xốm (Hùng Lô) và đã đi vào tục ngữ, ca dao dân gian thật thơ mộng, mượt mà và thấm đượm tình quê: “Chợ Xốm một tháng 6 phiên/ Cái nón chàng đội là tiền em mua”…Vào các ngày chợ phiên, thương nhân từ nhiều miền quê, cả Thanh Hoá, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội đem đến trao đổi, buôn bán nhiều mặt hàng, nhất là cá khô, đồ sành sứ, đồ gia dụng từ xuôi lên; mua về làm thổ sản (củ nâu, gạo, ngô, măng, sắn…), tạo nên cảnh đông vui, sầm uất trên bến, dưới thuyền, nhất là từ khi có Bến Tàu. Bến này được hình thành vào cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp đem quân đánh chiếm thành Hưng Hóa (lúc đó là trung tâm tỉnh lỵ), đặt đồn bốt ở Việt Trì và thiết lập đường giao thông thủy từ Hà Nội đi Việt Trì, Chợ Bờ (Hòa Bình), Yên Bái, Tuyên Quang và ngược lại. Mỗi tuần có 3 chuyến tàu thủy của hãng Bạch Thái Bưởi chạy qua Bến Tàu An Lão. Đến những năm 1936-1937, hãng này bị phá sản, bến Tàu mới ngừng hoạt động.
Bằng đồng vốn làm ra từ các ngành nghề phụ, người dân nơi đây đã chắt chiu để mua ruộng. Dù phải đi xa từ mờ đất có khi đến lên đèn mới về, song mọi người vẫn cần mẫn cấy cày thêm nguồn thóc gạo để sinh sống và gây dựng quê hương. Làm ruộng gắn kết chặt chẽ với mở mang, phát triển ngành nghề đã tạo cho người An Lão có phong cách năng động, sáng tạo, mở rộng giao lưu. Các sản phẩm được chế biến ra từ lúa gạo, mía, rượu, bánh đa, bánh đúc, bánh chưng, bánh gai, mì miến, kẹo lạc, kẹo vừng… đã được bàn tay khéo léo của người dân quê sản xuất vừa đậm đà, vừa thơm thảo, trở thành hàng hoá, một phần bày bán ở chợ quê, phần nhiều được chu chuyển đến nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Vốn có nhiều ngành nghề, giao thương rộng, nên người Hùng Lô có chế độ ẩm thực rất phong phú và tinh khiết. Cỗ khao làng thường có đầy đủ các món giò, nem, ninh mọc. Hàng năm, vào các ngày tiệc làng, giai đinh (nam giới tuổi từ 18 đến 59) phải làm cỗ thờ bằng gà, xôi dẻo đem ra đình để lễ thánh, khi hạ cỗ mời các cụ cao niên dự lễ và thụ lộc.
Nét độc đáo của chợ Xốm là người ta họp từ rất sớm và tan cũng sớm, chợ họp chỉ đến tầm 9,10 giờ sáng đã vãn người,mưa cũng họp nắng cũng họp và nếu vào những ngày mùa bận chợ còn tan sớm hơn. Vào những tháng nông nhàn, khi đã xong mùa vụ cũng là lúc những phiên chợ đông người nhất. Chợ Xốm bán đủ thứ nhưng chủ yếu là những sản vật, những thứ sẵn có ở trong nhà, từ mớ tôm, mớ tép, mớ rau đến mấy con gà, con lợn, con vịt… Có những bà, những mẹ đến chợ chỉ bán dăm ba lá trầu, quả cau, mấy nải chuối, vài cái chổi… để cho đỡ nhớ chợ.
Ðến chợ hầu hết mọi người đều quen biết nhau nên chẳng mấy khi có cảnh bon chen, giành giật, nói thách. Khách mua đồ ăn, thức uống thường được dùng thử, ngon thì mua, không ngon lần sau ghé lại xem có khá hơn không. Có lẽ vì thế mà người ta thường bảo: muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa hay tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến chợ. Vì chỉ có ở chợ, nhiều vấn đề mới được bộc lộ một cách chân thực, sống động và hồn nhiên nhất.
Quả đúng vậy, người dân làng Xốm hay các vùng lân cận khác dường như ai cũng thích đi chợ, không mua sắm thì đi ngắm, đi chơi, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Người dân nơi đây chất phác chân tình, họ chẳng ngần ngại cho người mua nợ tiền đến phiên chợ sau, nhất là khi lâu ngày không gặp được người quen, họ lại sẵn sàng cho, biếu nhau mớ rau, túm quả mà không lấy một đồng…
Cứ như thế chợ Xốm gắn kết tình người, tình chợ theo tháng năm mà chẳng hề thay đổi.Đi từ đầu tới cuối chợ đều gặp những người quen. Chợ lúc nào cũng đông đúc, bán nhiều món rất “quê”, từ mớ lá chuối, các loại lá thuốc nam như rau tần, mớ sả, ngải cứu, mớ tôm, mớ tép, rau vườn nhà, con gà, con vịt, trái đu đủ, bắp chuối, cũng có khi thêm ít ngô, thóc, sắn, khoai lang… Chợ đông vui tấp nập, huyên náo ồn ào với đủ thứ âm thanh và mùi vị trộn lẫn vào nhau. Chỗ tanh tanh hàng cá, chỗ đăng đắng mùi vôi của hàng bánh đúc, chỗ mằn mặn hàng nước mắm, chỗ cay cay hàng ớt, nơi nức mũi hàng bánh đa vừng, nơi ngào ngạt hàng hương, … Từng đó thứ mùi vị và âm thanh cùng hòa quyện vào nhau tạo nên sự phát triển của một vùng quê nhỏ yên bình. Ở cuối góc chợ các cụ già ngồi bỏm bẻm nhai trầu bán mấy cặp ba lá, nào lược nào gương, nào vòng tay vòng cổ óng ánh đủ màu và nhiều thứ khác nữavà vài mớ lá trầu xanh mướt và ở những phiên chợ bình dị ấycũng đã có biết bao người gặp gỡ kết bạn, nên duyên vợ chồng.
Ngày nay dẫu theo thời gian, kinh tế phát triển đã làm khung cảnh chợ Xốm khác xưa nhiều lắm. Nhưng không phải vì thế mà chợ Xốm mất đi cái hồn Việt duyên dáng, mộc mạc, chân tình.Những phiên chợ ngày nay không chỉ vẫn cứ họp đều đặn theo phiên mà còn lưu giữ nếp sinh hoạt cũ, vẫn họp chợ từ lúc sáng tinh mơ đến tầm nửa buổi sáng. Và đến với những phiên chợ Xốm ngày nay dường như ta vẫn tìm thấy những hình ảnh rất đỗi thân thương, gần gũi bởi cái chân chất của từng sản vật theo mùa vụ, cùng những món quà quê dân dã mà thắm đượm cả tình lãng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau…
Lã Thị Hồng Thùy – CB VH xã Hùng Lô