(XTDL) – Trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ trọng mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ trọng mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.
Thời kỳ Hùng Vương mở đầu lịch sử dựng nước của dân tộc ta. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Trong tiến trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, Đền Hùng luôn được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ Quốc Tổ. Thời Hậu Lê năm Hồng Đức thứ Nhất đã cho soạn “Ngọc phả Hùng Vương” đã chép “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Cổ Tích), ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh Tổ xưa”… Từ khi nước nhà được độc lập đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng và đầu tư nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên chung của dân tộc. Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong đó, tỉnh Phú Thọ có 183 di tích thờ cúng Hùng Vương (122 di tích đang thờ tự và 61 di tích đã thất truyền). Bởi vậy, có thể khẳng định, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ bó hẹp ở khu vực tỉnh Phú Thọ mà còn có sức lan tỏa ở khắp mọi miền đất nước. Và dĩ nhiên, trên một ngàn địa điểm thờ cúng Hùng Vương không phải được hình thành cùng một lúc mà theo thời gian, như lớp phù sa lắng đọng và bồi tụ trong tâm thức người Việt, mỗi địa điểm di tích lại gắn liền với một tín ngưỡng thờ cúng và tri ân công đức của tiên tổ.
Tổ chức UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vì những giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy tinh thần đại đoàn kết mang ý nghĩa toàn cầu- Xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Đây là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ người trồng cây”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng , Nhà nước và các đại biểu dâng hương tại Đền Giếng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch năm 2016)
Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, mà tìm vào những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu bốn biển từng đến thăm viếng Đền Hùng, chúng ta thật sự xúc động khi được biết Đền Hùng và các di tích trên Nghĩa Lĩnh đã làm cho cả thế giới phải cúi đầu vị nể ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. Nhiều dòng lưu bút đã thừa nhận “Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam”… “Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam – một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”.
Trong giỗ tổ, nhân dân cả nước có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước. Năm Đinh Dậu – 2017 là năm lẻ, giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng do Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Bình Phước, Bến Tre. Các hoạt động phần Lễ và phần Hội được tổ chức trong 06 ngày, từ ngày 01 đến ngày 06 tháng 4 năm 2017 (tức ngày 05 đến ngày 10 tháng 3 năm Đinh Dậu). Trong các ngày 4/3 âm lịch, UBND thành phố Việt Trì tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và rước kiệu lễ vật; ngày 6/3 âm lịch, Ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức dâng hương tại Đền Thượng – khu di tích lịch sử Đền Hùng (từ 6h00′ ngày 10/3 âm lịch). Lễ dâng hương sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT – TH tỉnh phú Thọ.
Các hoạt động hội được tổ chức tập trung chủ yếu tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng gồm: Rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng lân cận về Đền Hùng; trưng bày các tư liệu ảnh, hiện vật của đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng; trưng bày mẫu phác thảo “Ý tưởng thiết kế kiến trúc Tháp Hùng Vương” lần thứ hai; giới thiệu các loài hoa Phong lan; Tổ chức Hội trại văn hóa, Liên hoan văn nghệ quần chúng, Hát Xoan và dân ca Phú Thọ; Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ V; biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố tham gia giỗ Tổ; giới thiệu, quảng bá du lịch Phú Thọ và trưng bày các tác phẩm ảnh đẹp Phú Thọ; Tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống như bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc, đẩy gậy, bắn nỏ của các huyện, thị, thành trong tỉnh…
Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân – 2016 thu hút hàng nghìn người tham dự
Bên cạnh đó, tại thành phố Việt Trì sẽ có các hoạt động: Lễ hội đường phố; Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu – 2017; bắn pháo hoa tầm cao; Hội thi bơi Chải Việt Trì mở rộng; trưng bày tư liệu ảnh, hiện vật về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay”, Di sản hát Xoan, Cổ vật Văn Lang; biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố tham gia giỗ Tổ; Triển lãm sách, báo, ấn phẩm, tư liệu; Chiếu phim phục vụ nhân dân; trình diễn Hát Xoan làng cổ gắn với điểm du lịch di sản văn hóa; Liên hoan hát Xoan thanh, thiếu nhi thành phố Việt Trì; Triển lãm ảnh đẹp du lịch và ảnh nghệ thuật về quê hương, con người Phú Thọ; hội chợ Hùng Vương; Tổ chức các hoạt động thể thao như: Giải bóng đá các câu lạc bộ tỉnh Phú Thọ tranh cúp Hùng Vương lần thứ IV; Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương năm 2017; Giải quần vợt Hữu nghị Hùng Vương lần thứ 12.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu – 2017 đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Phú Thọ khẩn trương hoàn thiện. Với kinh nghiệm tổ chức giỗ Tổ nhiều năm và sự chuẩn bị chu đáo, chắc chắn giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ được UBND tỉnh Phú Thọ và các tỉnh góp giỗ tổ chức thành kính, trang trọng và hấp dẫn thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế về dự.
Nguồn: Quách Thị Sinh – Sở VH,TT&DL Phú Thọ