Giòn thơm bánh đa Kẻ Xốm – Món quà quê dân dã vùng Đất Tổ

Giới Thiệu Làng Cổ Hùng Lô và Bánh Đa Kẻ Xốm

Nhắc đến làng cổ Hùng Lô nằm bên bờ sông Lô thơ mộng, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 5 km chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến ngôi đình cổ xưa cùng những nếp nhà cổ kính đã trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử,  nơi đây còn nổi tiếng với những đặc sản truyền thống giản dị, mộc mạc như: bánh Chưng, bánh Giày, Mỳ gạo, các loại bánh trái quà quê,… Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót khi đến xứ này mà bạn chưa thử qua món bánh Đa Kẻ Xốm, món ăn dân dã nhưng lại khiến người ta phải thèm thuồng ngay từ lần thử đầu tiên.

Banh-Da-Ke-Xom

Gọi là bánh Đa Kẻ Xốm bởi vì xưa kia tên làng cổ Hùng Lô còn gọi là Kẻ Xốm. Những chiếc bánh tròn, xinh như chiếc lá sen, dày đặc vừng trông rất giản dị và gần gũi. Bánh Đa Kẻ Xốm đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, người dân làng Xốm cũng không còn nhớ nghề làm bánh Đa có tự bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra thì tên làng Kẻ Xốm đã gắn liền với nghề làm bánh Đa. Trải qua bao thăng trầm thì nét độc đáo của những chiếc bánh Đa vẫn được những người con dân làng Xốm lưu truyền đến tận ngày nay.

Tham khảo thêm >>> Đến Xuân Sơn thưởng thức món vịt lam

Quá Trình Làm Bánh Đa Kẻ Xốm

Những chiếc bánh Đa Kẻ Xốm thoạt nhìn thì có vẻ giản đơn và dân dã, tuy nhiên để làm ra chúng thì phải đòi hỏi bàn tay khéo léo của người làm bánh cũng như sự tỉ mỉ, công phu trong từng giai đoạn. Để làm nên những chiếc bánh Đa thơm ngon và đẹp mắt những người dân làng Xốm phải thức khuya dậy sớm để chuẩn bị gạo, xay bột, tráng, nướng và phơi bánh. Công đoạn nào cũng cần sự khéo léo, tỉ mẩn cũng như kinh nghiệm.

Chiếc bánh Đa được hình thành hoàn hảo chủ yếu nằm ở khâu nguyên liệu và công đoạn tráng bánh. Các nguyên liệu mà người dân chọn đều là nông sản dễ kiếm phải đảm bảo sạch sẽ, không bị mốc hay sâu bệnh. Nguyên liệu chính để tạo nên những chiếc bánh Đa Kẻ Xốm đậm đà hương vị quê hương là gạo, gạo làm bánh phải là gạo tẻ ngon, chọn loại chất lượng, được sàng lọc hết bụi bẩn, sau đó đem đi ngâm nước đến khi hạt căng mọng rồi mới mang xay nhuyễn tạo thành thứ  bột vừa mịn màng vừa trắng muốt như bông. Ngoài gạo ngon thì người ta còn sử dụng thêm các nguyên liệu khác để tạo độ béo bùi cho bánh là vừng đen, vừng trắng và lạc để rải lên bề mặt cũng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng.

Giòn Thơm Bánh Đa Kẻ Xốm - Món Quà Quê Dân Dã Vùng Đất Tổ

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm để có những chiếc bánh đa Kẻ Xốm thơm ngon hảo hạng thì khâu quan trọng nhất chính là tráng bánh, đòi hỏi người thợ có kỹ thuật vì phải tráng nhẹ tay, bánh phẳng, rải đều phụ gia. Bánh sẽ được tráng trên nồi hơi và làm hoàn toàn thủ công, khi tráng người làm cần nhẹ tay và trải thật phẳng, đều thì những chiếc bánh ra lò mới đẹp và không bị rách. Đặc biệt người ta không chỉ tráng một lần như các loại bánh tráng thông thường mà với bánh Đa Kẻ Xốm người ta sẽ tráng 2 lần, khi lớp đầu tiên vẫn còn hơi ướt, lớp bánh thứ hai sẽ được trải đều lên. Khi bánh đã chín khéo léo dùng một ống nứa to, dài quấn lớp bánh quanh ống rồi lấy ra khỏi nồi hơi sau đó nhẹ nhàng trải đều lên phên nứa. Trước khi phơi nắng, bánh sẽ được rắc một lớp vừng và lạc sống được giã giập. Khi rắc thêm vừng và lạc  đã giã dập lên mặt bánh, người ta sẽ rắc tập trung trên một mặt và trải đều ra xung quanh chứ không rắc hai mặt.

Tham khảo thêm >>> Búp khoai kho – Món ăn dân dã, đậm đà hương vị làng quê Phú Thọ

Sau khi tráng bánh thì công đoạn phơi cũng rất kỳ công, bánh sẽ được phơi hai lần cho thật khô kiệt và nắng phơi bánh người ta cũng phải chọn thời điểm nắng đẹp không nhạt mà cũng không quá gay gắt. Bánh được phơi trên những phên nứa phẳng dưới ánh nắng, khi mặt bánh còn dẻo và đã se lại phải thật nhẹ nhàng, khéo léo để bánh không bị vỡ lúc gỡ bánh để tránh bánh dính vào phên, sau đó lật bánh và phơi tiếp để bánh giòn tan và ngon hơn.

Banh-Da-Ke-Xom-Qua-Que-Dan-Da

Với bàn tay khéo và đều nhịp, mỗi ngày một người có thể cho ra lò hàng trăm chiếc bánh tráng đều nhau về cả kích thước lẫn độ dày. Khi tia nắng của một ngày mới còn chưa le lói thì những phên bánh Đa đã tráng xong, đưa ra khỏi lò vẫn còn nghi ngút khói, được mọi người vác, bưng bê, số khác chở bằng xe ra phơi trắng trên những con đường xóm ngõ của làng Xốm. Bánh khô hẳn sẽ được bảo quản trong túi nilon buộc chặt, để nơi khô ráo, thoáng khí tránh bị mốc, ẩm.

Để có thể thưởng thức được bánh Đa Kẻ Xốm, cần qua công đoạn cuối cùng là nướng bánh. Công đoạn này đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo, bánh được nướng trên những chậu than củi hồng. Khi nướng người ta một tay cầm chiếc bánh, một tay cầm quạt nan đem quạt liên tục và đều tay, bánh được lật qua lật lại thật nhanh và đều cho đến khi có màu vàng ruộm và hương thơm lan tỏa. Trong quá trình nướng nếu thấy bánh bị vênh thì có thể uốn lại cho bánh thật đều và đẹp.

Trải Nghiệm Thưởng Thức Bánh Đa Kẻ Xốm

Theo những người dân làng Xốm, một chiếc bánh Đa ngon là phải nở phồng, chín vàng đều hai mặt, có mùi hương thơm lừng quyến rũ của vừng, lạc, khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được vị bùi béo đậm đà của vừng và lạc, vị ngọt thanh của gạo ngon và đặc biệt là cái giòn tan trên từng miếng bánh cực kỳ hấp dẫn khiến bạn muốn ăn mãi không dừng.

Bánh Đa Kẻ Xốm từng là quà vặt dành cho trẻ con, là một món ăn chơi rất thích hợp để chúng ta có thể nhâm nhi bên tách trà hoặc một vài chén rượu quê. Mùi thơm của gạo kết hợp với vừng được nướng trên than hoa tạo thành hương thơm đậm đà khó quên cho thực khách mỗi khi thưởng thức.

Từ những hạt gạo đơn thuần qua bàn tay khéo léo của người dân làng Xốm đã trở thành những chiếc bánh Đa phồng, vàng ruộm. Có dịp ghé thăm làng cổ Hùng Lô bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh thường ngày và chân thực nhất để tạo nên chiếc bánh Đa thơm ngon. Khắp làng nghề này, đâu đâu du khách cũng sẽ bắt gặp những phên bánh Đa thẳng tắp nối từ nhà này sang nhà khác với mùi thơm của những chiếc bánh như tỏa ra từ mọi ngõ ngách. Đến nơi đây bạn còn được tìm hiểu quy trình làm bánh, cũng như nghe những người dân làng Xốm kể những câu chuyện thú vị của làng nghề truyền thống này. Tại các phiên chợ quê hay các hàng quán quanh làng không khó để bạn bắt gặp những chiếc bánh Đa Kẻ Xốm vừa đầy đặn, tròn to lại vừa hấp dẫn.

Thưởng thức bánh Đa Kẻ Xốm không chỉ đơn thuần là ăn một món đặc sản thông thường mà đó là thưởng thức một thứ ẩm thực truyền thống tinh hoa, một món ăn gợi nhớ đến truyền thống ẩm thực Bắc Bộ, gợi nhớ về hình ảnh những phiên chợ quê của vùng trung du và gợi nhớ về cả một thời tuổi thơ nghèo khó nhưng tràn đầy niềm vui với món ăn dân dã này.

Bánh đa Kẻ Xốm là một món ăn bình dân giản dị, nhưng chứa đựng trong đó biết bao nhiêu mồ hôi công sức của người nông dân làng Xốm. Khi khám phá ẩm thực ở làng cổ Hùng Lô, bánh Đa chính là một trong những món ăn được người dân bản địa khuyên du khách nên nếm thử nhất.Thực khách phương xa mỗi khi ghé đến làng cổ Hùng Lô chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội ăn thử một chiếc bánh Đa Kẻ Xốm trứ danh và mua bánh về làm quà cho bạn bè, người thân ở quê nhà.

TRẢI NGHIỆM NGAY PHƯƠNG PHÁP MASSAGE TRỊ LIỆU GIÚP CHĂM SÓC SỨC KHỎE HIỆU QUẢ

Giòn Thơm Bánh Đa Kẻ Xốm - Món Quà Quê Dân Dã Vùng Đất Tổ
Trải Nghiệm Ngay

Phương pháp trị liệu kết hợp tắm nước khoáng nóng với xoa bóp bấm huyệt theo y học cổ truyền Việt Nam được xem là một trong những phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Tắm nước khoáng nóng giúp mở rộng các giác quan, giảm căng thẳng và tăng cường sức đề kháng. Trong khi xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên cơ xương khớp, giúp giảm đau và tăng sức mạnh cho các khớp, từ đó giảm bớt các triệu chứng bệnh xương khớp. Hãy đến Tre Nguồn Resort để trải nghiệm phương pháp trị liệu này và cải thiện sức khỏe của mình!


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.