Tháng ba, hướng về Đền Hùng – cội nguồn dân tộc Việt Nam

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

Từ lâu, Đền Hùng trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh thiêng liêng trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Câu ca ấy như lời nhắn nhủ thân thương tới triệu trái tim con Lạc cháu Hồng, hướng lòng mình về với Tổ tiên, về với cội nguồn vào dịp lễ trọng thể này như để tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của tổ tiên. Đó cũng là một lối sống đẹp, thể hiện đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây” của người việt Nam.  Người Phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng đều rất coi trọng các giá trị truyền thống, những nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc. Và có lẽ chính những giá trị đặc biệt này đã làm tôn thêm một vẻ đẹp huyền bí và sâu lắng rất Phương Đông.

Z2419129487536_5De289Bfe8Ee7876C611B87F13Cfe579

           Khách du lịch tham quan, dâng hương Đền Hùng ( ảnh sưu tầm)

Về thăm Đền Hùng vào dịp tháng ba âm lịch hàng năm ta không chỉ được bày tỏ tấm lòng tri ân của mình với Tổ tiên mà về đây còn là dịp để ta được hội ngộ với các dân tộc anh em trong cả nước. Vì thế Đền Hùng đã trở thành điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hướng về Giỗ tổ Hùng Vương Lễ hội Đền Hùng là thể hiện truyền thống yêu nước và lòng biết ơn sâu sắc tới các vua Hùng.      Có thể nói Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng là nét văn hóa riêng có của dân tộc Việt Nam mà không một quốc gia nào trên thế giới có được. Và cũng chỉ có Việt Nam mới có khái niệm “ Đồng bào” được bắt nguồn từ truyền thuyết  “Bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ. Sự tích Cha Rồng mẹ Tiên mãi là câu chuyện có giá trị lịch sử vô giá cho muôn đời sau. Truyền thống thờ Tổ tiên cũng được hình thành và phát triển từ những dấu tích lịch sử này. Sự ra đời và tồn tại của Khu di tích lịch sử Quốc Gia đặc biệt Đền Hùng cùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự khẳng định niềm tin vào truyền thống dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông ta trước đây. Chính vì vậy mà Lễ hội Đền Hùng đã trường tồn với thời gian, trường tồn cùng lịch sử dân tộc hàng ngàn năm qua.

Z2419130190397_78D42Dd08Ebb6993A96E1Fbc126E3551

Du khách thập phương hướng về Đền Hùng, tri ân công đức Tổ tiên (ảnh: Quỳnh Anh)

Đền Hùng không chỉ mang ý nghĩa tâm linh đơn thuần mà còn là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là bản sắc văn hóa, là điểm tựa tinh thần cho mỗi người dân đất Việt. Ý nghĩa đó là ngọn lửa thắp sáng trong mỗi trái tim, tâm hồn người Việt Nam và trở thành nguồn động lực tinh thần to lớn để có thể vững bước trên con đường đấu tranh giành chủ quyền đất nước. Khu di tích lịch sử Quốc Gia đặc biệt Đền Hùng khác với các công trình kiến trúc tôn giáo khác đó là nơi tôn thờ vị Quốc tổ. Vì thế đền hùng là biểu tượng văn hóa tâm linh cao quý và thiêng liêng nhất trong quần thể các khu di tích lịch sử ở nước ta.

Để thể hiện lòng thành kính, biết ơn và tôn lên những giá trị văn hóa tâm linh cao đẹp thiêng liêng ấy chúng ta cần không ngừng đầu tư tu bổ tôn tạo các hạng mục của khu di tích cũng như tổ chức khôi phục các lễ hội lịch sử, văn hóa tiêu biểu của vùng Đất Tổ. Đó không chỉ là ý thức trách nhiệm mà quan trọng hơn cả là tình cảm của các thế hệ con cháu muốn bày tỏ với tổ tiên của dân tộc. Nhắc tới Đền Hùng là nhắc tới niềm tự hào về thế hệ cha ông ta đã có công tạo dựng nên giang sơn Việt Nam là thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam. Người ta nói về với Đền Hùng là cả một cuộc hành hương về với cội nguồn dân tộc có lẽ không bao giờ sai. Nếu ai chưa từng một lần đến đất Tổ chưa một lần tới khu di tích lịch sử đền hùng thì có lẽ chưa thể nói rằng: “ Tôi là người Việt Nam” và nếu ai chưa từng viếng thăm Đền Hùng thì quả là đáng tiếc.

Thật vậy, Đền Hùng trang nghiêm và cổ kính sẽ mãi là biểu tượng văn hóa tâm linh trường tồn của dân tộc Việt Nam. Hẳn nhiên khu di tích lịch sử nổi tiếng này không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn mang giá trị lịch sử, giá trị nhân văn sâu sắc là nơi hội tụ tâm linh hồn nước, hồn dân tộc được gìn giữ qua bao đời nay. Đồng bào và du khách về dự hội sẽ được chứng kiến nhiều hoạt động văn hóa không chỉ ở khu di tích lịch sử đền hùng mà còn diễn ra ở nhiều khu vực của thành phố Việt Trì và vùng lân cận.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay đang có sự giao thoa của rất nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng Giỗ Tổ Hùng Vương lễ hội Đền Hùng vào dịp tháng ba âm lịch vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo, chuẩn mực nguồn cội linh thiêng thôi thúc con dân đất Việt thành tâm chiêm bái hướng về ngày Giỗ Tổ 10/3. Người dân Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu luôn có tâm niệm Đền Hùng mãi là biểu tượng thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt./.

                                                                                         Quỳnh Anh – TTTTXTDL

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.