Hát Xoan là một sản phẩm văn hóa độc đáo của Phú Thọ. Hát Xoan gắn liền với các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ còn gọi là hát cửa đình (Khúc môn đình, Ca môn đình) là diễn xướng dân gian thể hiện tín ngưỡng, phong tục và nghi lễ cúng tế Thành hoàng làng và hội làng, hát thờ các Vua Hùng trong dịp đầu Xuân. Các họ Xoan lần lượt khai xoan ở đình, miếu làng. Ngày mồng 1 Tết các họ Xoan hát ở đình: An Thái, Kim Đức, Phù Đức, Thét. Từ ngày mồng 5 Tết, cả 4 phường Xoan đều hát ở các đình, nơi các làng chạ kết “nước nghĩa”. Các phường xoan đi hát từ ngày mồng 5 tháng Giêng đến hết ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch.
Hát Xoan Phú Thọ được trình diễn với 3 nội dung chính:
– Chặng một: Hát nghi lễ (còn gọi là màn hát thờ, hát chào vua hay hát mời vua), hát múa mời Vua về dự hội đình với dân làng.
– Chặng hai: Hát quả cách, là hát những bài chúc Vua, những bài hát kể về lịch tiết, lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước.
– Chặng ba: Hát giao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng.
Hát nghi lễ: Hát xoan có những lời chúc tụng và như một cầu khẩn được trình diễn theo đúng nghi thức trước cửa đình, nói lên cảm xúc của con người trước thần linh và sau là ca ngợi thánh thần. Phần trình diễn quả cách là mô tả đời sống sinh hoạt của các tầng lớp người đương thời, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên hoặc kể chuyện cổ tích xưa. Mỗi quả cách thường có cấu trúc ba phần: Giao cách (mở đầu), đưa cách (phần giữa), kết cách (phần cuối). Phần hát hội mang tính chất trữ tình giao duyên, thể hiện tình cảm nam nữ. Đây là giai đoạn ứng tác như: Hát ví, trống quân bao gồm các tiết mục múa hát, trò chơi. Hát Xoan không phải là một lề lối ca hát thuần nhất mà thực sự là một hội. Hội Xoan có dân ca giao duyên, đối đáp, xin hoa, đố chữ, hội xoan có cả múa hát, trình diễn sân khấu dân gian với những tiết mục khá độc đáo hấp dẫn như: Cài hoa, mó cá. Ca từ trong hát Xoan sử dụng cái hay của hai dòng văn hóa bác học và dân gian. Mó cá được coi là tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng hát Xoan, có tiết tấu nhịp nhàng, khỏe khoắn gần với tiết tấu của bài hát lao động.
Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa… được lưu truyền thời kỳ Hùng Vương đến nay đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Ngày 24 tháng 11 năm 2011, Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Đến với Phú Thọ, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu Xoan thông qua chương trình du lịch “Hát Xoan làng cổ” độc đáo, ấn tượng tại các phường xoan gốc và cảm nhận những giá trị văn hóa của cha ông truyền lại từ hàng ngàn đời nay.