Lễ hội đền Mãu Âu Cơ

      Đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) thờ Mẫu Âu Cơ là một di tích lịch sử văn hoá đã tồn tại hơn 5 thế kỷ, đền Mẫu Âu Cơ đã 3 lần được các triều đại Nhà nước Việt Nam công nhận là đền quốc tế. Ngày 3/8/1991 Bộ Văn hoá – thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận di tích lịch sử Quốc gia đền Mẫu Âu Cơ.

49 - Dang Le Den Mau

     Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng tại làng Hiền Lương, xã Hiền Lương hàng năm có giá trị lịch sử sâu sắc, phản ánh sinh động huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ và bọc trăm trứng. Chuyện xưa kể rằng vào ngày mồng 7 tháng Giêng, Tiên nữ Âu Cơ giáng trần, kết duyên cùng Lạc Long Quân rồi sinh được một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai. Một ngày kia, Lạc Long Quân đưa 50 người con về biển, Âu Cơ đưa 50 người con lên núi, để lại người con trưởng ở lại đất Phong Châu nối nghiệp là Vua Hùng thứ nhất. Âu Cơ đưa các con đi mãi, khi đến vùng Hiền Lương ngày nay, thấy phong cảnh non xanh nước biếc, đất đai phì nhiêu, rừng nhiều muông thú…, bèn dừng lại khai khẩn đất hoang, lập làng, dựng xóm ngày một đông vui, trù phú. Mẹ Âu Cơ đã dạy dân khai hoang, lập ấp, cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và làm ra các loại bánh từ sản vật địa phương; cho đến ngày 25 tháng Chạp, mẹ đã cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa đầu làng một dải lụa màu lung linh như cầu vồng bẩy sắc, bay lơ lửng trên bầu trời xanh thẳm. Dưới gốc đa ấy, nhân dân Hiền Lương đã lập đền thờ để tri ân công ơn to lớn của Tổ Mẫu Âu Cơ – Người mẹ linh thiêng huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Ngoài lễ chính được tổ chức trong ngày “Tiên giáng” mồng 7 tháng Giêng, trong năm còn có các ngày lễ khác như 12/3, 13/8 âm lịch và ngày “Tiên thăng” 25 tháng Chạp.

Te Nu Den Mau Au Co -Nui Va Den Hung-

      Sau nghi thức tế lễ ở đình Đức Ông là lễ rước kiệu từ đình về đền Mẫu Âu Cơ. Đi đầu đoàn rước là đội cờ ngũ hành, cờ thần, tiếp đến là giàn bát bửu và các đồ tế khí. Sau kiệu là những vị chức sắc, các bô lão mặc áo thụng xanh, đầu đội khăn xếp, các vãi già với áo tứ thân, rồi đến dân làng đi trẩy hội. Trong tiếng trống, tiếng nhạc, bát âm sáo nhị, tiếng phách vang lừng, cỗ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng do tám cô gái mặc đồng phục khiêng nhẹ nhàng, uyển chuyển theo nhịp trống. Đúng giờ Thìn đoàn rước về đến sân đền Mẫu. Không khí tôn nghiêm, đèn nến lung linh, hương trầm ngọt ngào, lễ dâng hương và lễ vật bắt đầu. Lễ vật gồm 100 cầu bánh dằng, 100 phẩm bánh chè kho, 100 chiếc bánh ngọt, hoa quả, đăng, hương, trầu, rượu … Sau lễ dâng hương và lễ vật là tổ chức tế. Đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn đầu đội khăn kim tuyến chân đi hài thêu, thắt lưng bằng dải lụa, riêng chủ tế trang phục toàn màu đỏ.

6

     Ngoài phần lễ trong ngày mồng 7 tháng Giêng dân làng còn tổ chức phần hội không kém phần sôi động với các trò chơi dân gian như đu tiên, cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm có thưởng.

     Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ là một điểm nhấn quan trọng trên dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân ta; là môi trường giáo dục sâu sắc và hết sức hiệu quả về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Với những giá trị văn hóa đặc sắc đó, ngày 23 tháng 01 năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 217/QĐ-BVHTT&DL công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ở đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương huyện Hạ Hòa là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

 

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.