Lễ hội Đào Xá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21 tháng 11 năm 2016.
Lễ hội Đào Xá mang tính tín ngưỡng của người Việt không thể tách rời giữa đình và đền được gắn liền với sự tích thờ Đức Hùng Hải Công (con thứ 19 của Lạc Long Quân) và vợ là bà Trang Hoa và ba vị đại vương con của Hùng Hải Công. Đình và đền Đào Xá còn thờ bà Quế Hoa công chúa họ Trần có công bầy trò múa hát mua vui cho bà Trang Hoa trước khi sinh hạ ba vị Tam Công.
Lễ hội đình, đền Đào Xá được tổ chức vào những ngày âm lịch trong năm: Ngày mồng 3 tháng Giêng mở lễ hội múa “Xuân Ngưu” (gọi là múa trâu), là điệu múa dân gian mang tính tín ngưỡng, mô phỏng lại trò mua vui (mang tính khôi hài) của bà Quế Hoa cho phu nhân Hùng Hải; ngày 27, 28, 29 tháng Giêng là Lễ hội rước voi; tháng ba tổ chức ngày lễ kỷ niệm ngày đức Thánh Phụ hóa và lễ kết chạ với làng Dậu Dương; tháng 4 làm lễ cầu yên; ngày mồng 5 tháng 5 kỷ niệm ngày sinh đức Thánh Phụ. Đặc biệt Đào Xá có lễ hội cầu tháng 7 được tổ chức từ ngày mồng 9 đến ngày 15 có tên gọi là “Hiến thần phù vua Lý đánh giặc Tống” với lễ hội bơi chải vào lúc nửa đêm diễn lại cảnh quân Lý Thường Kiệt đón quân thuyền của thần linh vào đền làm lễ cầu thần linh rồi cùng xuất quân đánh tan giặc Tống. Lễ hội làng Đào Xá là lễ hội rất đặc sắc của vùng trung du mang đậm dấu ấn thời Hùng vương. Ngày mồng 10 tháng 12 làng mở hội tế xuân, lễ tại đền thờ bà Quế Hoa và cũng là lễ thượng điền kết thúc vụ lúa chiêm duy nhất ở Đào Xá.
Lễ hội Đào Xá chính là môi trường bền vững để nuôi dưỡng, bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp; để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tâm linh, nhu cầu giải trí tinh thần của các thế hệ người dân Đào Xá cùng cộng đồng gần xa. Sự gắn bó cộng đồng trên cơ sở các giá trị văn hóa truyền thống luôn bền vững, là cội nguồn sức mạnh đoàn kết đã được minh chứng qua lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.