Đặc sản Thanh Thủy không nên bỏ lỡ khi ghé thăm Đất Tổ

Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, dọc theo bờ sông Đà êm đềm, trong mát; Thanh Thủy là huyện được mẹ thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi từ: khí hậu mát mẻ, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, giao thông đi lại thủy – bộ dễ dàng… Đó cũng tiền đề để giúp miền quê nơi đây thuận lợi trong phát triển kinh tế và du lịch.

Người dân Phú Thọ truyền nhau câu nói “Ăn Thanh Thủy, ngủ Thanh Sơn”. Hẳn là ẩm thực Thanh Thủy phải có gì đó hấp dẫn, mời gọi lắm. Đến với Thanh Thủy du khách được tận hưởng khí trời trong trẻo, mát lạnh của vùng đất “Sơn thủy hữu tình”, được hòa mình vào trong những lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc. Đặc biệt, du khách sẽ có cơ hội được khám phá và thưởng thức nhiều món ẩm thực mang ý nghĩa đặc sản của địa phương khá thú vị, hấp dẫn. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn của huyện Thanh Thủy có hàng chục nhà hàng ăn uống thường xuyên phục vụ khách đầy đủ các món đặc sản trên với những cách chế biến khá phong phú hấp dẫn như: Nhà hàng Dũng Râu, Nhà hàng Thành Công, Nhà hàng Ngọc Trai, Nhà hàng Đầm Sen, Nhà hàng Sông Đà, Nhà hàng Vũ Gia…. Dưới đây là một số đặc sản mà du khách nên thưởng thức khi ghé thăm Thanh Thủy:

1. Dê núi đá

Nói đến món dê núi chắc chắn bạn sẽ nghĩ ngay đến Ninh Bình – một trong những địa phương nổi tiếng nhiều món ăn ngon chế biến từ dê. Thế nhưng, tại vùng quê Thanh Thủy Phú Thọ cũng nổi tiếng với món dê núi đá mà khiến nhiều du khách khi được thưởng thức đều phải xuýt xoa hương vị với độ săn chắc mà thịt dê nơi đây mang đến.

Món dê núi đá được chế biến là chọn từ những con dê thả trên rừng, lớn lên trong môi trường tự nhiên nên thịt dê ăn ngon, chắc thịt và có mùi thơm ngọt. Những món ăn từ dê mà du khách có thể thưởng thức như: dê xào xả ớt, lẩu dê, dê hầm, dê nướng tảng, dê tái chanh…chắc chắn sẽ giúp bạn hài lòng từ hương vị cho đến chất lượng món ăn.

De 2241500138_1177404236103743_6804664751873364009_N

2. Cá sông Đà

Thanh Thủy là địa phận nằm dọc theo bờ sông Đà êm đềm, mát mẻ thế nên đây cũng là nơi sinh sống, trú ngụ của nhiều loài cá quý hiếm. Chính vì có nguồn cá dồi dào, tươi ngon…mà cá sông Đà đã trở thành thực đơn ấn tượng trong lòng du khách. Cá sông Đà ở đây chủ yếu là cá lăng, cá nghạnh, chép, trắm đen… vốn có tiếng là chắc thịt và thơm ngon được chế biến thành nhiều món như hấp xì dầu, nướng than hoa, rang muối, lẩu cá chua cay…

CaDac_San_Thanh_Thuy_Lau_Ca

3. Gà ri đồi sỏi

Gà ở đây là gà ri, loại gà truyền thống được thả vườn hoặc nuôi rất lâu ở những vùng đồi núi, đồi sỏi hiếm thức ăn. Vì vậy thịt gà ri có tiếng săn chắc, thơm ngon, dai giòn. Và món ăn chế biến từ gà ri mà du khách nên thưởng thức là món gà nướng hoặc gà quay, hầm thuốc bắc…đều sẽ có hương vị và độ ngon đặc trưng riêng biệt.

Ga_Ri_Dac_San_Thanh_Thuy-1Ga Ri-1

4. Rau sắn muối chua

Nhắc đến rau sắn thì chắc chắn mọi người sẽ nhớ ngay đây là một trong những món ăn đặc sản Thanh Thủy rất nổi tiếng và thân thuộc với du khách gần xa khi đặt chân về vùng quê Phú Thọ. Món ăn này cũng chế biến khá đơn giản và được lấy từ những ngọn sắn xanh mơn mởn được trồng trên núi đồi đại ngàn.

Cứ vào dịp mùa sắn đến, người dân Thanh Thủy lại tha hồ chọn những lá nếp của cây sắn trắng không già nhưng cũng không quá non về đem rửa sạch rồi vo kỹ cùng muối hạt. Từ đó họ sẽ chế biến theo nhiều món ăn ngon khác nhau như: lá sắn muối xào mỡ lợn, lá sắn muối nấu cá chua hay cá rô đồng, hay lá sắn kho tép…rất thơm ngon và hấp dẫn.

5. Tương làng Bợ

Tương làng Bợ được làm từ những nguyên liệu rất tự nhiên, sản xuất từ nông nghiệp nhưng lại cho ra sản phẩm là món nước Tương có hương vị ngon đặc biệt. Thành phần chính của Tương gồm có gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối. Chỉ với những nguyên liệu dễ tìm dễ kiếm này bằng kinh nghiệm được truyền lại người làng Bợ đã cho ra một loại nước chấm có hương vị thơm ngon, đặc trưng của người Việt.

6. Các loại bánh đậm vị quê

Bánh tẻ mật Đào Xá

Đến Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, du khách sẽ biết tới bánh tẻ mật, một loại bánh dân dã nhưng có hương vị thật dịu dàng, thanh ngọt hấp dẫn. Bánh thường được người dân làng Đào Xá dâng cúng Thành Hoàng làng trong ngày hội. Bánh tẻ mật được làm từ gạo tẻ nguyên chất và mật mía. Đem gạo đãi sạch để khô nước rồi cho vào cối giã hoặc nghiền thành bột rồi rây nhỏ hai lần. Sau đó cho bột vào nồi hòa đều với mật và nước theo tỉ lệ nhất định rồi bắc lên bếp đun cho ráo bột. Dùng đũa khuấy đều đảm bảo cho nước, bột và mật hòa đều với nhau, khi nào bột đặc quánh lại, đậy vung kín ủ vào bếp tro đến khi bột bánh chín trong thì đem ra gói. Người ta dùng lá chuối khô và lạt giang để gói và chằng bánh. Bánh tẻ mật được gói giống như bánh giò.

Bánh nẳng làng Đào

Công đoạn lựa chọn, tìm kiếm nguyên liệu khá tỷ mỷ công phu: người dân khéo lựa lấy một số vỏ quả chẩu, vỏ quả sở già, vỏ cây phá, cây đồng bìa; cả cây vừng khô, sau khi đập lấy hạt, phơi thật kỹ để tránh mốc, tránh mọt. Trước khi gói bánh vài ngày, họ lấy tất cả mọi thứ nguyên liệu trên đem đốt. Khi đống gio đã nguội, các bà, các mẹ đem dần lấy phần nhỏ mịn, bóp thật tơi rồi ủ vào trong chum nước với một chút vôi tôi. Gạo nếp, thứ nếp cái hoa vàng thơm ngậy, hạt mẩy đều được đãi kỹ, để ráo, đem gạo ấy ngâm với nước gio đã được lọc kỹ và gạt bỏ màng vôi trên mặt, rồi cho vào cùng với một chút măng khô. Khi làm ống bánh phải lựa đoạn nứa nhỏ, dài như một chiếc bánh. Lấy lá chít bánh tẻ đã luộc chín và rửa sạch, độ ba bốn chiếc, cuốn lấy ống nứa ấy rồi bẻ gập vuông góc một đầu, lấy lạt giang mềm buộc lại. Đầu kia cũng bẻ gẫy góc vuông nhưng bỏ ngỏ để cho gạo vào. Khi gạo đã đầy, rút ống nứa ra, dùng lạt giang chằng lại ta được một ống bánh xinh xắn.

Bánh gai làng Vũ

Bột làm bánh gai là gạo nếp ngon xay nhuyễn, sau đó được giã bằng cối đá và chày gỗ để bánh dẻo, quánh. Lá làm bánh là loại lá gai nếp to, dày được trồng ở vùng đất cao, nhìn giống như lá dâu, có răng cưa và lớp lông tơ mịn. Lá gai được tước bỏ phần sống, rửa sạch, đun khoảng 30 phút cho mềm rồi vớt ra, vò lấy bã và giã mịn. Tiếp đến, bột lá gai được nhào với mật mía sóng sánh hòa quyện với nhau thành màu đen quánh. Lúc này, bột nếp mới được cho vào nhào tiếp tạo thành vỏ bánh. Bột bánh gai sau khi nhào xong được đem cán mỏng trên mặt mâm rồi cắt thành từng miếng vuông vức. Người làm bánh đặt nắm nhân vàng óng gồm đỗ xanh nấu chín giã nhuyễn, cùi dừa nạo nhỏ vào giữa bột rồi vo kín lại. Cuối cùng, chiếc bánh được lăn một lớp vừng rang rồi đem gói vào lá chuối.

Về Thanh Thủy tắm nước khoáng thiên nhiên, khám phá, trải nghiệm các di sản văn hóa, lịch sử, ngắm nhìn cảnh đẹp dọc bờ sông Đà thơ mộng và thưởng thức những món ăn đặc sản do bàn tay lành nghề, khéo léo của những nhà đầu bếp nổi tiếng ở đây chế biến, chắc chắn du khách sẽ hài lòng và nhớ mãi về miền đất giàu lòng mến khách này.

Ảnh: Sưu tầm

Bài: Thùy Dung- Trung tâm TTXT Du lịch

TRẢI NGHIỆM NGAY PHƯƠNG PHÁP MASSAGE TRỊ LIỆU GIÚP CHĂM SÓC SỨC KHỎE HIỆU QUẢ

Đặc Sản Thanh Thủy Không Nên Bỏ Lỡ Khi Ghé Thăm Đất Tổ
Trải Nghiệm Ngay

Phương pháp trị liệu kết hợp tắm nước khoáng nóng với xoa bóp bấm huyệt theo y học cổ truyền Việt Nam được xem là một trong những phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Tắm nước khoáng nóng giúp mở rộng các giác quan, giảm căng thẳng và tăng cường sức đề kháng. Trong khi xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên cơ xương khớp, giúp giảm đau và tăng sức mạnh cho các khớp, từ đó giảm bớt các triệu chứng bệnh xương khớp. Hãy đến Tre Nguồn Resort để trải nghiệm phương pháp trị liệu này và cải thiện sức khỏe của mình!


Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.