Ngôi nhà nhỏ nằm khiêng nhường sát con đường nối liền với trung tâm xã. Chủ nhân của ngôi nhà là ông Lê Văn Bản, năm nay ngót gần 60 tuổi sống cùng vợ và hai con trai. Cuộc đời của ông cũng giống như bao trai Mường khác, một đời lam lũ, vất vả bên mấy sào ruộng khoán và mấy con trâu gầy. Nhưng ít ai ngờ rằng giấu sau cái vẻ khắc khổ, lam lũ ấy, người đàn ông này hiện còn lưu giữ được một môn nghệ thuật truyền thống, một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Mường ở Yên Lập, đó là điệu múa Trống Đu.
Năm 13 tuổi, trong một lần đi dự hội làng, cậu bé Bản đã được chứng kiến hình ảnh một ông cụ râu tóc bạc phơ, mình trần lưng khố; bên cạnh là một cậu bé con người nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn. Hai người với một chiếc trống vừa đánh vừa biểu diễn những màn xoay người rất ấn tượng. Cậu bé Bản đã bị hút hồn ngay từ giây phút đó. Và đến khi tan hội, theo chân bố con ông cụ, Bản đã nằn nì xin cụ truyền dạy cho mình môn nghệ thuật đánh trống này.
Múa Trống Đu còn có tên gọi là trống đua hay trống đùa. Ý nghĩa của nó được xuất phát từ một câu truyện có thật trong dân gian. Chuyện kể rằng: Có hai vợ chồng người Mường đang chung sống với nhau rất hạnh phúc. Không may người vợ đột ngột lâm bệnh nặng qua đời. Người chồng rất đau khổ, nỗi thương nhớ vợ không phút nào nguôi; lại thêm đứa con trai nhỏ cứ kêu khóc gọi mẹ. Thương con, anh bèn sang làng bên tìm mua một chiếc trống mang về để đánh cho con nghe và cho đỡ nhớ người vợ xấu số. Từ đó, chiếc trống đã trở thành niềm an ủi, gắn bó hai bố con cho đến khi người cha mất đi, người con lại đem trống ra để mua vui, tiễn biệt cha về nơi chín suối. Tên gọi trống Đu xuất phát từ đó. Từ gõ trống làm vui, múa trống đã trở thành nghệ thuật. Những động tác gõ trống, xoay trống, lăn trống,vần trống, ôm trống đã diễn tả nỗi nhớ của người chồng đối với vợ, tình thương của người cha đối với con. Tiếng trống thúc giục rộn rã như đưa tiễn người đi xa, chào đón người trở về. Từ chỗ chỉ để mang ý nghĩa phục vụ cho gia đình, trải qua thăng trầm của thời gian và tính tích cực của nó, múa Trống Đu đã được phổ biến, nâng cao trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu của đồng bào Mường xã Hưng Long, Yên Lập.
Múa trống Đu khởi đầu chỉ có hai người tượng trưng cho người bố và người con; sau được nâng lên để phục vụ nhân dân trong những dịp sinh hoạt văn hóa hay khi tết đến, xuân về nên đã được bổ sung từ 4-5 người. Trong đó một người múa chính, gõ chính; một người múa phụ họa; một người thổi kèn Sona, một người gõ phách và một người đánh trống giữ nhịp. Trống được làm bằng da trâu, có đường kính khoảng 30 cm, dài 45 cm, đủ để người múa trống có thể tung trống, vần trống, xoay trống một cách dễ dàng. Khi múa, người múa chính và người múa phụ họa đứng giữa, vừa múa vừa đánh trống đảm bảo sao cho nhịp trống phải khớp với các động tác nhảy múa và các nhạc cụ hỗ trợ xung quanh. Trang phục dành cho nghệ thuật Múa trống Đu rất đơn giản, được thiết kế theo trang phục thường ngày của những chàng trai Mường. Người múa chính mặc trang phục màu đỏ, chít khăn đỏ; người phụ họa mặc trang phục và chít khăn màu nâu đỏ. Tiết tấu của múa trống Đu khi dồn dập khi uyển chuyển. Chỉ là những đạo cụ bình thường nhưng sự phối hợp ăn ý của chúng đã tạo nên những âm thanh mang đặc trưng sắc thái của dân tộc Mường, vừa da diết,vừa mãnh liệt. Nó thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là sự đoàn kết giữa tình làng nghĩa xóm, giảm đi ranh giới sang hèn trong xã hội; là khát vọng hướng tới tương lai hạnh phúc, an khang thịnh vượng của người dân lao động.
Cái khó nhất của múa trống Đu không chỉ ở trình độ nghệ thuật biểu diễn mà đòi hỏi người múa phải có một sức khỏe dẻo dai, một sự cảm thụ sâu sắc về ý nghĩa của điệu múa mới có thể thực hiện nhiều động tác khó đến như vậy. Nghệ nhân Lê Văn Bản múa trống đã ngót trên nửa thế kỷ, nhưng với ông, mỗi lần thể hiện là một lần ông có thêm những trải nghiệm về cuộc đời. Nhìn ông múa trống, khi tung trống lên cũng như khi xoay vần trống, nằm múa trống vẫn toát lên tinh thần và sắc thái vững vàng, động tác uyển chuyển, kỹ thuật điêu luyện. Những giọt mồ hôi của ông cũng như của những đội viên văn nghệ xã Hưng Long đã cho thấy sự đam mê, khổ luyện của một lớp thế hệ với mong muốn bảo tồn và lưu giữ vốn di sản văn hóa đặc sắc và tiêu biểu này. Đội múa trống Đu của ông giờ không chỉ tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của huyện; không chỉ gói gọn trong trò diễn hội làng mà giờ nó đã vươn xa hơn, tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn của tỉnh, của khu vực. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng ông Bản mà còn là niềm tự hào chung của đồng bào dân tộc Mường ở Phú Thọ.
Xuân đã về trên những sắc lá xanh non của những cánh rừng keo, rừng bạch đàn đang sắp đến mùa thu hoạch, người dân đất Tổ lại náo nức chuẩn bị cho mùa lễ hội đầu năm mới. Không chỉ có trống Đu ở Yên Lập; còn có múa Chuông, múa Rùa, múa Lập Tĩnh ở Thanh Sơn, múa Xúc tép, múa Chim Gâu ở Đoan Hùng… tất cả sẽ tạo nên một bức tranh rực rỡ sắc màu trong dòng chảy văn hóa vô tận của vùng đất Tổ cội nguồn.
Nguyễn Thị Tuyết Chinh – Về miền Lễ Hội cội nguồn dân tộc Việt Nam (Quyển 2)