Lễ Hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở làng Minh Nông

1. Sự tích

         Minh Nông là tên gọi một vùng đất khởi thủy của nghề nông. Xưa thuộc Kẻ Nú hay làng Nú. Theo sự nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học thì Nú đồng nghĩa là đồng âm với Lú và Lú nghĩa là Lúa, cho nên Kẻ Nú còn gọi là Kẻ Lú hay Lẻ Lúa – Làng Lúa. Thời nhà Lê, Kẻ Nú có tên gọi là Minh Nông thuộc huyện Phù Ninh sua đổi là Phù Khanh, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây. Thời Nguyễn đặt là tổng Minh Nông huyện Hạc Trì. Tổng Minh Nông có 8 làng: Minh Nông, Nỗ Lực, Nông Trang, Phương Châu, Phú Nông, Tiên Cát, Thanh Miếu và Thọ Sơn.

          Ngày nay Kẻ Nú – làng Nú xưa là xã Minh Nông, thuộc thành phố Việt Trì. Xã Minh Nông có các xóm: Hồng Hải (xóm Giải Làng); Thông Đậu (xóm Đõ); Minh Tân (xóm Nhúi); Minh Bột (xóm Đồi Ngược); Hòa Phong (Đồi Lúa, Đồi Rơm).

          Minh Nông có vị thế địa lý tiếp giáp với hạ lưu của 3 dòng sông lớn: Thao – Đà – Lô, nên được thừa hưởng sự cung cấp, bồi đắp bởi một lượng phù sa màu mỡ từ 3 dòng sông ấy. Chính đó là đặc điểm nổi bật, là yếu tố quyết định để Minh Nông trở thành quê hương của nghề trồng lúa nước. Minh Nông có những cánh đồng rộng tới hàng mẫu Bắc bộ xưa, có những bãi bồi trải dọc ven bờ Thao giang.

          Đất Minh Nông có đủ 3 vùng địa lý tự nhiên: có đồi có dộc, có sông có trầm. Đồi có: Hóc môn, Hóc chuối, Phân dù; Trầm có: Trầm đá, trầm sào…có đồi Mã Lao nơi Vua Hùng dạy quân phóng ngựa; có dấu tích là nơi cư trú của người Đồng Đậu cách ngày nay hơn bốn ngàn năm. Nơi đây từ xa xưa đã là nơi đất tốt, lúa, kê sai quả, sông rộng lắm cá nhiều tôm, thuận lợi cho muôn dân tụ hội.

          Theo Vũ Kim Biên trong luận văn khoa học Đồng Lú do Sở Văn hóa thông tin – thể thao Phú Thọ xuất bản năm 2002 “Làng Lú có ba ngôi chùa thờ Phật và năm ngôi đền, không có đình. Chùa Giếng Lâm (cạnh công ty in Phú Thọ); Chùa Láng (cạnh chợ Lú); Chùa  Xuôi (cạnh nhà máy thuốc trừ sâu). Đền Thượng (ở đầu xóm Giải Làng) thờ Cao Sơn Đại Vương (Thánh Tản Viên); Đền Trung (ở giữa xóm Giải Làng) thờ Ngọc Cảnh Đại Vương; Đền Hạ (ở cuối xóm Giải Làng) thờ Ứng Mộng Đại Vương; Đền Nhà Bà (đền Mẫu) thờ nữ tướng bà Trưng húy Nàng Nội và đền thờ họ.

          Dân làng không dựng đình không phải vì nghèo mà do cấm lệ… vì tế Vua Thần Nông phải tế lộ thiên chứ không được tế trong đình. Lệ cấm làm đình để nắng mưa mặc kệ cứ phải ra đàn mà tế”.

          Theo sự nghiên cứu của các nhà khoa học thì cách ngày nay trên 4000 năm cây lúa nước đã cắm rễ ở bãi phù sa sông Hồng. Nền văn minh nông nghiệp phát triển. Với những công cụ sản xuất được phát hiện thuộc văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và lẫn cả gốm thời Hán nữa đã cho thấy sự sinh tụ của con người ở đây kéo dài liên tục ngót 2000 năm trước công nguyên.Với phương thức canh tác “đao canh hỏa chủng” “thủy nậu” người dân thời đại Hùng Vương cư tụ ở nơi đây đã biết trồng lúa theo mực nước thủy triều lên xuống. Truyền thuyết Hùng Vương vùng đất Tổ còn kể rằng: “Thời xưa nhân dân chưa biết cày, cấy làm ra thóc gạo mà ăn, chỉ sống băng thịt thú rừng, rễ cây, quả và các loại rau dại, lúa hoang nhặt được. Các vùng đất ven sông mỗi lần nước lớn dâng lên lại được phù sa bồi thêm màu mỡ. Vua Hùng thấy đất ấy tốt lắm,mới gọi dân đến bảo tìm cách đắp bờ giữ nước. Vua thấy lúa mọc hoang nhiều mới bày cách cho dân giữ hạt, gieo mạ, khi mạ lên xanh thì đem cấy vào các tràn ruộng có nước. Lúc đầu dân không biết cấy, tìm hỏi Vua. Vua Hùng nhổ mạ lên, đem tới ruộng nước, lội xuống cấy cho dân xem, mọi người làm theo. Cấy tới khi mặt trời đứng bóng, Vua nghỉ tay cùng mọi người ăn uống ở dưới gốc đa lớn”.

          “Một hôm các con gái Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi,nhảy nhót trong đám lau cỏ, các nàng đều vui thích. Có một công chúa mải ngắm đàn chim dưng tay quăng lưới, chợt có con chim thả một bông kê rơi trên mái tóc.  Công chúa đem bông kê về trình với Vua Hùng. Vua mừng cho là điềm lành, nghĩ rằng hạt này chim ăn được chắc người cũng ăn được liền bảo các Mỵ Nương ra bãi tuốt các bông kê đó đem về.

Tới mùa xuân Vua đem các hạt kê ra bảo các công chúa gọi dân đi quải kê. Nhân dân vui mừng rước Vua ra đồng. Trống, mõ đi đầu rồi đến những người rước lúa, rước kê, Vua, các Mỵ Nương và nhân dân theo sau. Tới bến sông, Vua xuống bãi lấy que nhọn trọc lỗ đẻ tra hạt lúa rồi gieo kê trên bãi. Làm xong Vua cắm một cành tre để chim khỏi ăn hạt. Các Mỵ Nương làm theo Vua tra lúa, gieo kê và cắm các cành tre khắp đồng, khắp bãi”.

Vua Hung Day Dan Cay Lua

          (Nguyễn Khắc Xương – truyền thuyết Hùng Vương, hồ sơ khoa học Đền Hùng năm 2003)

         

Đời sau, nhân dân nhớ công ơn vua Hùng tôn Vua làm tổ nghề nông, thường gọi là Thần Nông. Dựng đàn tịch điền quay lưng về hướng Tây Nam ngay trên mom đất Vua ngồi khi dạy dân cấy lúa. Đặt kho lương thực trên đồi lúa; để rạ ở đồi Rơm. Đặt chợ là chợ Lú. Cây đa lớn tỏa bóng mát để Vua cùng dân ngồi nghỉ gọi là cây đa Đồn.

Tin-Nguong-Tho-Cung-Hung-Vuong-636281013355390402

Lễ hội Đền Hùng

2. Lễ hội:

          Kẻ Lú xưa có hai kỳ tổ chức lễ hội trong một năm. Dân xã có lệ cứ đến đầu mùa cấy thì làm lễ tế Vua Hùng tại đàn tịch điền và ở dưới gốc cây đa Đồn. Đó là lệ cầu xuống đồng vào ngày 1/6 và 1/11 âm lịch. Theo nhân dân địa phương cổ lệ tới những năm trước cách mạng tháng Tám năm 1945 đã không duy trì đều đặn nữa. Mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào ngày 1/6 âm lịch.

          Hôm ấy từ sáng sớm, tất cả các bậc chức sắc trong làng: Tiên chỉ, Chánh tổng, Chánh phó Hội đồng kỳ mục, Lý trưởng… các quan viên và bô lão cùng đông đảo nhân dân đã tề tựu làm lễ tế Thành Hoàng làng và cáo yết Thần linh (Thần Nông) phù hộ cho mùa màng tốt tươi, dân kháng vật thịnh, ở các ngôi đền Thượng, Trung, Hạ rồi kéo nhau ra khu ruộng Tịch điền tổ chức diễn xướng dân gian lễ thức: Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

          Theo tục lệ, dân làng chọn cử một cụ cao niên, tốt lão, khỏe mạnh, thạo nghề nông nghiệp, gia đình phong quang, song toàn, hòa thuận, đông con nhiều cháu, không có tang chế, chấp hành tốt quy ước của làng làm chủ tế đồng chủ điền. Dân làng tin như vậy vì họ luôn ước vọng những điều tốt đẹp của ông chủ điền sẽ hóa thân vào cây lúa, truyền sinh lực cho cây lúa sinh sôi nảy nở,mùa màng bội thu.

          Tế Thần Nông tại đàn xây trên khu ruộng Tịch điền. Trước đây đàn được xây bằng đá ong dài 8m, rộng 7m, cao 1,3m. Xung quanh trồng bờ dào gai. Trong đàn có bệ đắp hổ phù dài 1,2m; cao 0,3m. Ở giữa có một bệ dài 0,6m; rộng 0,8m; trên đặt bát hương; sân đàn trồng cỏ.

Lễ vật gồm: 1 ván xôi (5kg gạo nếp, 01 con gà trống); 1 cơi trầu (5 quả cau, 3 lá trầu có quệt vôi); 1 bó hương, 2 ngón nến, 1 bình hoa, 1 nậm rượu và 1 bát nước lá trong sạch; vài bó mạ; 1 cây nêu cao…

Sau khi nổi 3 hồi trống, chiêng… ông chủ tế lễ thập bái (10 lễ); thập phương (10 phương) rồi cắm hương. Sau khi cắm hương thì vái Thần Nông, vái xong thì đọc bài văn cúng.

Nội dung văn cúng nói lên công đức của Vua Hùng đã dạy dân làm ruộng, nhờ đó mà dân ngày càng được no ấm; cầu mong Thần Nông âm phù dương trợ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân khang vật thịnh…

Bài văn cúng cổ xưa xin được lược dịch một đoạn như sau:

“… Cung duy, Thánh đế bày đặt ra cửu trùng thống lãnh kịp thời muôn triệu người. Dựa vào trời đất tùy lúc mà dạy dân việc cấy gặt, chế tạo cày bừa làm cho nhân dân thấm nhuần ơn trạch trong việc làm ruộng… thật là đức lớn vô cùng của Vua vậy… Công lớn của Thánh đế, đức lớn của người trời dạy dân làm ruộng, làm công cụ đầy đủ. Dẫn dắt dân trồng cấy, làm nghề nông được hưng thịnh…”

Khi tế có phường bát âm,nổi chiêng trống.

Tế xong thì làm lễ xuống đồng. Ông chủ tế kiêm chủ điền lúc này đóng vai tượng trưng cho Vua Hùng cùng các quan viên, hội đồng kỳ mục và đông đảo bà con dân làng ra ruộng cấy lúa. Một người cầm hương, một người cầm mạ, một người cầm lọng che cho chủ tế. Ông chủ tế xắn quần, áo tế rồi cầm mạ lội xuống ruộng. Cấy xong bó mạ thì lên bờ. Dân làng cùng nhau bùa xuống cấy tiếp trong không khí náo nhiệt, vui vẻ với mong muốn người người thạo việc, mùa màng bội thu, đông đàn dài lũ, người người no đủ.

Cấy xong thửa ruộng, dân làng cùng ông chủ tế làm lễ tạ Thần Nông rồi cùng các quan viên, kỳ mục, bô lão trong làng về đình làm lễ tạ Thành Hoàng. Tới đây lễ hội kết thúc.

3. Lễ hội: “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” là một trong những tập tục tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp Việt Nam. Lễ hội được khởi nguồn từ những huyền thoại trong buổi bình minh lịch sử, khi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Việt Nam nói chung và của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nói riêng. Những lễ thức và diễn xướng văn hóa dân gian trong lễ hội đã nói lên nguồn gốc của nghề trồng lúa nước từ thời Hùng Vương dựng nước.

Minh Nông ngày nay, Kẻ Nú – Kẻ Lú xưa; với đồng Lú và Đàn Thần Nông sẽ mãi là những địa điểm, những dấu tích lịch sử gắn liền với những truyền thuyết văn hóa dân gian. Góp phần chứng minh cho công cuộc trị thủy sông, trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam trên vùng Đất Tổ Hùng Vương.

Tước bỏ đi cái duy tâm, thần bí trong từng diễn xướng và lễ thức dân gian ta nhận diện được sự tín ngưỡng phồn thực và cuộc sống bộn bề của người nông dân làng xã, dũng cảm chống thiên nhiên, cần cù trong lao động, sáng tạo trong cuộc sống tinh thần để làm nên một bản sắc văn hóa riêng trong cuộc sống của người dân kinh đô Văn Lang xưa – thành phố Việt Trì ngày nay.

Phạm Bá Khiêm – Về miền Lễ Hội cội nguồn dân tộc Việt Nam (Quyển 2)

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.