Lễ hội Đền Lăng Sương

 

Đền Lăng Sương thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ thờ Đức thánh Tản và Mẫu hậu, còn có tên gọi là đền Mẫu. Theo Ngọc phả, Đền có từ thời Thục An Dương Vương và được chính thức khởi dựng từ thời Tiền Lê (981 – 1009). Từ lâu Đền Lăng Sương đã trở thành điểm đến tâm linh trong quần thể văn hóa Hùng Vương, địa chỉ hấp dẫn trong hành trình về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Img_7023

Nghi thức tế lễ tại đền Lăng Sương –  Ảnh sưu tầm

Người Việt, ai ai cũng biết đến nhân vật Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh,  con rể của vua Hùng Vương thứ 18, người có công giúp dân trị thủy, khai phá đất hoang, trồng lúa nước, giết thú dữ, dẹp giặc ngoại xâm, được nhân dân tôn vinh và coi là vị thần “Thượng đẳng tối linh”, đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian thờ thần của người Việt. Thân mẫu của Ngài là bà Đinh Thị Đen và vùng đất linh thiêng nơi Ngài chào đời là Động Lăng Sương nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy. Tương truyền bà Đinh Thị Đen lấy ông Nguyễn Cao Hành, tuổi cao mà chưa có con. Một hôm, có con rồng vàng xà xuống giếng hút nước, nhả ngọc, phun châu. Bà Đinh Thị Đen lấy nước về tắm gội, bỗng thấy nhẹ nhõm, thơm tho, ý động mang thai. Linh vật “Đá quỳ” là nơi in dấu chân, bàn tay, đầu gối Thánh Mẫu quỳ khi sinh Thánh Tản sau 14 tháng mang thai.

Khắc ghi công lao to lớn của Ngài, người dân đã lập Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh khắp các vùng miền, quanh năm khói hương để tri ân công đức. Điều đặc biệt, chỉ duy nhất Đền Lăng Sương là thờ Tản Viên Sơn Thánh và thân phụ của Ngài là Nguyễn Cao Hành, thân mẫu của ngài là Đinh Thị Đen cùng các bộ tướng là Cao Sơn và Quý Minh – người đã có công giúp Tản Viên đánh giặc. Đền còn thờ Ngọc Hoa công chúa là vợ của Thánh Tản, thờ dưỡng mẫu của Thánh Tản là Ma Thị Cao Sơn. Đây còn là địa danh sinh ra mẹ Âu Cơ – người mẹ huyền thoại của dân tộc Việt Nam, cũng là nơi Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau nên duyên vợ chồng. Đây là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ cả gia đình Đức Thánh Tản và cũng là nơi thờ gốc trong hệ thống các di tích thờ Đức Thánh Tản ở Việt Nam.

Vào ngày 15 tháng Giêng và ngày 25 tháng 10 âm lịch hàng năm, Đền Lăng Sương có tổ chức lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ ngày sinh của Đức Thánh Tản và ngày Thánh Mẫu về trời.

* Lễ hội ngày 15 tháng Giêng:

Từ sáng ngày 14, cụ từ mở cửa đền và làm lễ cáo tế xin phép được mở hội. Sáng 15 tháng Giêng, sau khi làm lễ, dân làng tổ chức rước kiệu từ đền Lăng Sương ra bờ sông Đà, dừng chân ở khu Lăng (nơi Tản Viên Sơn Thánh thường ngồi nghỉ chân mỗi khi đi làm nương ở núi Ngọc Tản về) rồi ra bến đò Trung Nghĩa. Lễ rước nhằm đón Sơn Tinh sang từ núi Tản về đền Lăng Sương dự hội. Lễ rước rất đông vui náo nhiệt nhưng vẫn trang nghiêm thành kính, cứ khoảng 50m đoàn rước lại dừng chạy cờ để diễn lại tích Tản Viên luyện quân đánh trận.

Đám rước đến gần bờ sông, chủ tế đứng trước hương án làm lễ bái vọng, rồi đọc bài cúng mời Thánh Tản và mẹ nuôi Ma Thị Cao Sơn về dự lễ hội. Sau đó đoàn rước quay về đền cùng dân làng tổ chức lễ tế.

Sau cuộc tế là phần hội, các trò chơi dân gian như: Đấu vật, chọi gà, tổ tôm, ném còn, kéo co… được du khách thập phương nô nức tham gia trong tiếng trống tiếng chiêng rộn rã. Trong đền người người vẫn chen vai vào lễ thánh cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, bình an, thịnh vượng. Lễ hội kéo dài suốt 3 ngày đêm.

* Lễ hội ngày 25 tháng 10 âm lịch:

Ngày 25 tháng 10 âm lịch là ngày mẫu hóa, từ sớm ngày 24 làng tổ chức lễ rước nước từ sông Đà về đền, đoàn rước đến bờ sông, các quan viên ông từ và chủ tế chèo thuyền ra giữa sông Đà lấy nước về làm lễ. Khi đoàn rước quay về, trai làng dùng nước giếng Thiên Thanh làm lễ ngự dội.

Đêm 24 làm lễ Thánh Mẫu. Lễ vật gồm có: Thủ lợn phủ mỡ chài, đu đủ xanh, chuối, gà rừng, xôi nếp nương. Sáng sớm hôm sau, dân làng tổ chức rước kiệu từ đền Lăng Sương ra khu nghỉ để đón Tản Viên từ núi Ba Vì về báo hiếu mẹ. Tới khu Lăng bên bờ sông Đà, đoàn dừng kiệu làm lễ tế với lễ vật là bò thui cả con. Ông chủ tế đọc bài tế mời Thánh Tản trở về làm lễ báo hiếu mẹ. Tới khi gió thổi cờ bay dân làng cho rằng Tản Viên từ núi Ba Vì đã trở về thì đoàn rước trở về đền Lăng Sương.

Phần hội diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi, có các trò chơi dân gian như: Ném còn, đu tiên, đánh cờ người, hát đúm, chọi gà…

Đầu xuân, về dự lễ hội đền Lăng Sương tri ân công đức Thánh Tản cầu cho một năm nhà nhà bình an, no đủ, du khách sẽ cảm thấy thêm tự hào về truyền thống văn hóa nghàn đời của dân tộc Việt Nam.

 

Nguyễn Nhàn – Trung tâm TTXT Du lịch

Nội dung trang

 

 

 

 

 

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.