Đào Xá là miền đất cổ, có nền văn hoá lâu đời cách đây khoảng 1.800 năm thuộc vùng đất Khuất Động Liêu, thuở khai sơ có tên là Làng Dâu, Làng Da, sau này đổi tên thành làng Đào Xá. Theo đó, đình và đền Đào Xá cũng đã có từ rất lâu đời. Đền Đào Xá còn có tên gọi là đền Tam Công thờ 3 vị Thuỷ thần con của Hùng Hải Công, đó là Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương. Bên cạnh đó, đền Đào Xá còn thờ bà Trang Hoa công chúa là vợ của Hùng Hải Công và thờ bà Quế Hoa – người hầu của Trang Hoa công chúa. Còn đình Đào Xá thờ Hùng Hải Công để tỏ lòng tri ân công đức của vị thánh nhân đã có công giúp dân khai thiên lập địa.
Tương truyền vào thời Hùng Vương dựng nước, Hùng Hải được anh là Vua Hùng cử đến cai quản vùng Tam Giang (nơi giáp 3 con sông: sông Đà, sông Hồng và sông Bứa) gồm địa phận Đào Xá, Hưng Hoá và Thọ Xuyên. Ngày 28 tháng Giêng năm ấy hai ông bà cùng đi thuyền du xuân từ Thọ Xuyên sang Đào Xá dựng lầu nghỉ ở đây một đêm, sống trong sự giao hòa của trời đất, sau về Trang Hoa thụ thai và sinh được 3 người con trai đặt tên là Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương. Các con vừa cất tiếng khóc chào đời thì Trang Hoa hoá thân. Hùng Hải ở lại dạy dân trị thuỷ làm ăn và nuôi dạy các con khôn lớn rồi ông giao miền đất này cho 3 con cai quản còn mình về trông nom miền sông Nhị (địa phận tỉnh Hải Dương ngày nay).
Vua Hùng thấy ông là người có công lớn đã ban thưởng cho 2 thớt voi chiến làm phương tiện đi lại. Trước khi chia tay về sông Nhị, ông đã dẫn đôi voi về làm lễ tạ 3 lần. Cuộc tiễn đưa Hùng Hải ra đi đầy quyến luyến và cảm động. Sau này với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhân dân Đào Xá đã tôn ông làm Thành Hoàng làng, lập đình thờ tại đây, hàng năm tổ chức tế lễ, mở hội rước voi truyền thống…
Cứ mỗi độ xuân về, làng Đào Xá lại mở hội rước voi trong ba ngày từ 27 đến 29 tháng Giêng âm lịch. Đây cũng là những nét đẹp văn hóa tâm linh, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời, với mỗi người dân địa phương, đây cũng là dịp dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, dựng làng, cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, dân an, nước thịnh.
Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ tiến hành rước voi, hương án, long báu, bài vị, hòm sắc và tế Thành Hoàng. Phần hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh vật, cướp gà, lấy nước, giã gạo, kéo lửa nấu cơm thi… Toàn bộ lễ hội là hướng về cội nguồn, ca ngợi công đức các vị thần, những người có công với dân với nước và cầu cho “Quốc thái dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Thịnh khu 12 xã Đào Xá vui mừng chia sẻ: Năm nay ông đã 67 tuổi, là thành viên trong ban tế lễ và dẫn lễ của làng, ông cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì đã được thay mặt nhân dân đứng dẫn lễ trong ngày linh thiêng của xã. Qua ông chúng tôi cũng được biết thêm, hình ảnh đôi voi rước trong ngày hội đã trở thành tâm điểm, hấp dẫn của nhiều người, vì vậy nhân dân trong vùng quen gọi hội đình Đào Xá là hội rước voi Đào Xá. Hàng năm cứ đến tháng 10 âm lịch các cụ cao niên trong xã lại tuyển người khéo tay đan lát ra đình đan voi, may áo, khâu bành, dựng lầu voi và cử từ 8 đến 10 thanh niên khoẻ mạnh có tầm vóc ngang nhau vào đội rước voi luyện tập.
Kéo lửa nấu cơm thi là trò chơi dân gian hướng về cội nguồn của dân tộc
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Đào Xá cho biết: Năm 1964, tại đình Đào Xá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đào Xá đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Đến năm 1974, đình Đào Xá được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đây là nền tảng văn hóa tinh thần, qua đó tăng cường cố kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa của địa phương.
Trong không khí xuân ấp áp, bà con nhân dân trong vùng và du khách thập phương đã nô nức về dự hội, thắp nén hương trầm hướng về nguồn cội, một lòng đóng góp công sức cùng Đào Xá bảo vệ, lưu giữ vốn cổ quý báu của quê hương để những di sản vật thể và phi vật thể đó sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian.
Nguồn: phuthodfa.gov.vn