Rước kiệu và dâng lễ vật.
Thị xã Phú Thọ lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời, trong đó đền Trù Mật thờ sứ quân Kiều Công Thuận đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1999 là một di tích tiêu biểu.
Đền Trù Mật được xây dựng năm Canh Ngọ 970, còn gọi là đền Lăng, vì vừa là lăng mộ vừa là đền thờ sứ quân Kiều Công Thuận, đặt ở gò thấp đầu làng Trù Mật giáp với làng Phú An. Kiều Công Thuận là một vị sứ quân đặc biệt, ông là cháu nội Kiều Công Tiễn. Gia tộc họ Kiều của ông vốn là một thế lực lớn ở Phong Châu. Khi Kiều Công Tiễn bị Ngô Quyền đánh bại, ông kế thừa gia sản họ Kiều, xây dựng căn cứ Tam Thành, xây thành Hưng Hóa, mở rộng sự liên kết với các hào trưởng, tộc trưởng miền núi. Kiều Công Thuận trở thành một sứ quân mạnh, có địa bàn rộng lớn và vững chắc ở xa các sứ quân khác.
Tương truyền, khi bị Đinh Bộ Lĩnh tấn công, ông đã tự đào mồ tuẫn tiết; cái chết của ông góp phần đem lại sự thống nhất các lực lượng phân tán để lập lên Nhà nước Đại Cồ Việt. Trong ngôi đền Trù Mật, trên long ngai thờ Kiều Công Thuận có bốn chữ vàng “Quang hiển quốc vương”, ông là một danh nhân lịch sử tiêu biểu ở vùng đất Phú Thọ, được sắc phong “tế thế an dân”.
Nghi thức Tế lễ trong lễ hội Đền Trù Mật.
Hàng năm dân hai làng Trù Mật và An Phú tổ chức ba ngày lễ trọng tại đền Lăng (Trù Mật) đó là ngày 4 tháng Giêng, ngày 18 tháng 2 âm lịch và ngày 16 tháng 10 âm lịch. Ngày 4 tháng Giêng là kỷ niệm ngày mất của đức đại vương Kiều Thuận, vào ngày này nhân dân sẽ làm lễ “cầu lèm” vào lúc quá nửa đêm. Lễ vật gồm có lợn đen bánh chay (bánh mật, bánh rán, chè kho), hoa quả, đèn nhang. Người mua và bắt lợn phải là trai tân, gái trinh. Trong lễ hội người ta mổ lợn tế thịt sống, dùng mỡ chài phủ kín lên thịt. Dân làng bầu chủ tế phải là người “sạch sẽ” (không có tang…).
Ngày 18 tháng hai là kỷ niệm ngày sinh của Kiều Công Thuận. Kỳ cầu ngày 18 tháng hai này là ngày mừng thần Thành hoàng làng ra đời nên dân làng cũng coi là lễ thường xuân, làm đại tiệc, tổ chức phần hội rất vui vẻ. Ngày 16 tháng mười kỷ niệm ngày lập đền thờ Kiều Thuận và công bố sắc truy phong của vua Đinh Tiên Hoàng cho ông, đồng thời cũng là lễ ăn cơm mới, mừng vụ mùa thắng lợi. Trong ngày này, dân làng tổ chức đốt gạo trong ống tre lam, có cá mòi, tương truyền đấy là lương thực và thực phẩm của binh lính Kiều Thuận xưa kia khi xuất quân. Ông Bùi Văn Minh, thành viên Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Trù Mật cho biết: “Lễ hội đền Trù Mật hàng năm được tổ chức là dịp con cháu trong làng tỏ lòng tri ân đến vị hiền nhân đã hy sinh để đổi lấy cuộc sống bình yên cho muôn dân. Trong những ngày lễ, ban ngày dân làng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Chọi gà, đánh cờ (cờ tướng, cờ người), kéo co, đánh đu, thả diều, thi giã bánh giầy, ban đêm có hát chèo, hát xẩm…”.
Trải qua hơn nghìn năm, đền Trù Mật vẫn còn tồn tại như một minh chứng của lịch sử. Nhân dân hai làng Phú An và Trù Mật đã bao đời nay vẫn cùng nhau xây dựng, tôn tạo, gìn giữ và hương khói. Trong những dịp tưởng niệm ngày sinh, ngày mất, ngày lập đền thờ… nhân dân hai làng Trù Mật, Phú An cùng đồng bào trong vùng vẫn nhang đăng tế lễ theo nghi thức cổ truyền, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Nguồn: http://baophutho.vn