Phú Thọ được coi là mảnh đất cội nguồn của người Việt, là nơi các vua Hùng đã dựng nên nhà nước Văn Lang – quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Đến với mảnh đất thiêng Phú Thọ, du khách không chỉ được thăm viếng những di tích lịch sử, những con sông, ngọn núi hùng vĩ, mà còn được thưởng thức ẩm thực dân dã, độc đáo khó có thể tìm thấy được ở những nơi khác trên cả nước.
Chè xanh đất Tổ
Phú Thọ được biết đến là cái “nôi” của ngành chè. Đến những vùng chè của Phú Thọ, du khách được thu vào tầm mắt những đồi chè đang bật búp xanh mướt, căng tràn sức sống làm say lòng người và nhâm nhi những chén trà mang hương vị riêng của vùng Đất Tổ. Với rất nhiều sản phẩm chè phong phú của các Hợp tác xã sản xuất chè và các công ty chè, mang đến cho quý khách nhiều sự lựa chọn. Mỗi loại chè lại mang một hương vị riêng, rất tự nhiên mà đậm đà và có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ con người.
Bưởi Đoan Hùng
Cây bưởi Đoan Hùng gắn liền với cuộc sống bình dị của người dân vùng đất Tổ. Quả bưởi Đoan Hùng còn đi vào lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, với chiến thắng Sông Lô hào hùng. Tại Đoan Hùng hiện nay vẫn còn giữ được hai giống bưởi quý đó là: bưởi Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Quả hình cầu dẹt, nặng chưa đầy 1 kg, khi quả chín màu vàng sáng, tép nhỏ, vỏ héo, mềm, đặc trưng mọng nước, ngọt và mát. Món ẩm thực đất Tổ này còn quý ở chỗ có thể bảo quản được vài tháng đến nửa năm, ngay cả khi vỏ đã héo khô, khi bổ ra ăn vẫn ngọt, thơm mát, vẫn giữ nguyên hương vị. Bưởi Đoan Hùng vào mùa thu hoạch là khoảng tháng 8 âm lịch (rằm trung thu). Tuy nhiên, với những gốc bưởi lâu năm thì quả bưởi có thể để đến tháng 12 âm lịch hoặc hơn nữa.
Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua là món ăn truyền thống của người Mường Thanh Sơn. Nhắc tới món thịt chua Thanh Sơn bạn sẽ nghĩ ngay đến mùi vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì nướng hoà quyện với vị chua chua của vị thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây vô cùng dễ ăn giúp thay đổi khẩu vị, có thể dùng làm thức ăn trong các bữa nhậu rất đặc sắc và thơm ngon.
Gà nhiều cựa
Đến với Vườn quốc gia Xuân Sơn huyện Tân Sơn, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn giống “gà chín cựa” hay còn gọi gà nhiều cựa. Thịt gà nhiều cựa rất ngon và rắn chắc. khi thưởng thức sẽ mang lại cho chúng ta một hương vị thơm ngon tuyệt hảo đặc trưng của núi rừng.
Bánh chưng, bánh dày Hùng Lô
Xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ được coi là cái nôi của nghề gói bánh Chưng, bánh Dày dâng Vua Hùng vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Bánh Chưng tại xã Hùng Lô có tiếng là ngon vì được lựa chọn kỹ từ thịt, gạo, lá dong và được nấu “mộc” bằng bếp than. Ngày nay du khách thập phương về đình Hùng Lô nghe hát Xoan không quên ghé tham quan chợ quê để mua những chiếc bánh về làm quà cho người thân.
Cọ ỏm Trung du
Phú Thọ nổi tiếng với những đồi cọ xanh ươm. Cây cọ nơi đây là ngọn nguồn cảm xúc thơ văn, là nguyên liệu để làm ra những món ăn dân dã mà ngon thơm: Lá cọ để gói cơm nắm, quả cọ để kho cá, kho thịt, nấu xôi, và làm thành món cọ ỏm lừng danh. Cọ ỏm là món ăn lạ mà bình dị khi ăn Cọ ỏm mềm, phía ngoài đen bóng, ở trong vàng ươm như mật ong, cùi dày và thơm. Khi cho vào miệng, mùi thơm lạ, vị ngậy, bùi, ngọt hấp dẫn. Chấm thêm chút nước mắm hoặc muối vừng, cọ càng dậy lên vị thơm bùi. Từ tháng 11 âm đến tháng 12 là mùa quả cọ chín.
Hồng Gia Thanh
Mùa thu ở miền quê Gia Thanh sẽ dễ dàng bắt gặp những cây hồng sai trĩu quả nhà nhà đều có hồng, hoạt động chăm sóc, thu hái diễn ra nhộn nhịp, sản phẩm là những trái hồng ngọt, đẹp mắt. Đặc điểm của Hồng Gia Thanh là quả không có hạt, hình thoi cao thành chứ không tròn, tai vểnh lên, khi chín quả có màu vàng nhạt, ăn vị giòn, ngọt. hồng ngâm còn chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe.
Gạo nếp gà gáy
Giống lúa nếp này rất quý hiếm, là đặc sản nổi tiếng của huyện Yên Lập có từ rất lâu đời. Loại nếp này là giống lúa dài ngày, được trồng trên những ruộng bậc thang, hạt dài, mẩy, lúa chưa chín nhưng chỉ đi qua cánh đồng lúa người ta đã được đắm mình trong hương lúa non ngào ngạt đến mê người. Khi nấu, cơm thơm, dẻo, mùi vị ngon đặc trưng. Mùi muối vừng thơm nức cùng với hương thơm ngon ngọt, nồng nàn của xôi, tất cả hòa quyện vào nhau tọa nên mọt món ăn rất đỗi gần gũi, mộc mạc mà khó quên.
Bánh tai thị xã Phú Thọ
Bánh tai vốn là thứ quà quê được nhiều người dân Phú Thọ ưa thích. Bánh có hình dạng giống cái tai, được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn với công thức và những nguyên liệu đặc biệt tạo ra chiếc bánh có màu trắng đục, thơm mùi bột quyện trong mùi thịt ngầy ngậy. Bánh được chấm cùng với nước mắm pha có vị hơi chua, ngọt và cay vừa phải. Khi ăn bánh sẽ có cảm giác dẻo, giòn, lượng mỡ nhỏ của nhân giúp ngấm đều cả chiếc bánh, tạo ra vị béo mà không ngán.
Bánh Sắn
Bánh Sắn là loại bánh đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với người dân đất Tổ. Món ăn không chỉ thơm bùi của vị sắn nếp đặc sản nơi đây mà còn béo ngậy quyến rũ lòng người. Khi ăn, bánh sắn để lại dư vị đậm đà khó quên có vị thơm của sắn lẫn vị bùi, béo của nhân đỗ xanh, hành, thịt băm tạo nên cảm giác vừa thanh vừa ngon khi thưởng thức.
Mỳ gạo Hùng Lô
Làm mì khô là nghề truyền thống ở Hùng Lô, sản xuất nổi tiếng với sợi mì nhỏ, trắng, sạch, nấu chín không bị nát, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Để cho ra lò mẻ mì chất lượng cao, người dân phải làm nhiều công đoạn. Nguyên liệu làm mì phải chọn gạo sạch, ngâm khoảng 4 tiếng cho mềm. Sau khi ngâm, gạo phải rửa qua một nước nữa rồi mới cho vào cối xay thành bột. Sau đó hàm bột thành hồ, đưa bột vào máy đùn sợi mì, quét ra phên và cuối cùng phơi khô mì.
Tương làng Bợ, tương Tân Đức
Tương làng Bợ từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon. Thứ tương được làm từ gạo nếp qua quá trình chế biến ủ cùng mốc tương, nước đỗ mà thành. Tương Bợ nguyên chất để càng lâu càng đỏ, càng ngọt. Các món ăn chế biến từ cá, đặc biệt là loại cá sống ở sông Đà khi được kho, om, nướng chả,… mà pha chế với tương Bợ thì lên màu đỏ thậm, nấu bốc mùi lên thơm ngậy, ăn rất ngon.
Cùng với tương làng Bợ, tương Tân Đức của xã Kim Đức trở thành món quà đặc sản ý nghĩa cho du khách. Nếu tương làng Bợ có vị đậm đà riêng biệt thì tương Tân Đức có sắc vàng sánh và vị ngọt thanh.
Rau sắn chua
Rau sắn chua là món ăn quá đỗi thân thương đối với người dân Phú Thọ. Dưa sắn có thể ăn không với cơm hoặc chế biến cùng với các nguyên liệu khác như cá, chân giò, thịt, hoặc lạc. Một chút ngái ngái, nồng nồng và vị chua thanh đậm đà, kết hợp với những nguyên liệu nấu cùng, làm cho món ăn hấp dẫn, khó quên.
Thông tin liên hệ:
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch
Địa chỉ: đường Trần Phú, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Điện thoại: 02103852888, Hotline: 0977706795 Ms Ngọc
Bích Ngọc – Trung tâm TTXT Du lịch