Bánh chưng, bánh giầy: Bản sắc vùng đất Tổ

 Từ xa xưa, bánh chưng, bánh giầy luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Đây là hai loại bánh tượng trưng cho “trời tròn – đất vuông” gắn với tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam. Ở Phú Thọ, khi nói đến bánh chưng, bánh giầy hai địa danh được nhắc đến nhiều nhất là xã Cát Trù (huyện Cẩm Khê) và làng Mộ Chu Hạ (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì). Đây là những địa phương thường được chọn làm bánh chưng, bánh giầy dâng lên Vua Hùng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng.

 

Image002-1523003601
Bánh chưng Cát Trù và bánh giầy Chu Mộ Hạ thường được chọn để dâng lên Vua Hùng mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hằng năm

Thương hiệu bánh chưng xã Cát Trù (huyện Cẩm Khê) từ xa xưa đã nức tiếng trong, ngoài tỉnh. Nơi đây, có những người được gọi vui là “vua” gói bánh vì luôn giành giải cao tại hội thi gói, nấu bánh chưng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng.
Cũng như nhiều nơi khác, bánh chưng Cát Trù được làm bởi gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong. Điều làm nên sự khác biệt là ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và cách gói. Gạo nếp dùng để gói bánh phải là loại nếp ngon (nếp nương), đỗ xanh chọn hạt đều, có màu vàng tươi sau khi sát vỏ và không bị sâu, mọt. Thịt lợn làm nhân bánh là loại thịt ba chỉ tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, không quá nạc hay mỡ, bánh đựơc gói bằng lá dong bánh tẻ. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và ổn định cho việc gói bánh, ở Cát Trù, nhiều cánh đồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng lá dong không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Người Cát Trù có biệt tài gói bánh không cần khuôn nhưng chiếc nào chiếc nấy vuông vắn và đều “trăm cái như một”.

Dsc0141-1523083528

Lá dong gói bánh chưng luôn được người dân xã Cát Trù lựa chọn kỹ càng, sạch sẽ

Một trong những người làm bánh chưng nổi tiếng ở Cát Trù là gia đình anh Hoàng Văn Chính và chị Nguyễn Thị Ảnh với thương hiệu bánh chưng Chính Ảnh. Chị Ảnh cho biết: Gia đình có truyền thống gói bánh chưng từ 3 đời nay. Để xây dựng và khẳng định được thương hiệu bánh trên thị trường, người làm bánh phải luôn chú trọng tới chất lượng của sản phẩm, lựa chọn nguyên liệu tươi, ngon và đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, việc nấu bánh cũng đòi hỏi phải có những bí quyết riêng biệt. Anh Hoàng Văn Chính (chồng chị Ảnh) cho biết thêm: “ Không như nhiều nơi khác dùng Gas hay than đá. Bánh chưng của gia đình tôi được nấu từ nước mưa để lắng và sử dụng củi đun nên có những hương vị rất đặc trưng.”

Từ năm 2013 cho đến nay, cứ mỗi dịp Lễ hội Đền Hùng, gia đình anh Chính đều đặn tham gia hội thi gói bánh chưng trong đó nhiều năm liền, giành giải Nhất.

 

Dsc0126-1523083528

Gia đình anh chị Chính Ảnh gói bánh chưng phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vưng – Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018.

Không được “nổi tiếng” như bánh chưng Cát Trù nhưng hằng năm, cứ đến ngày mồng 10/3 âm lịch, nhân dân làng Mộ Chu Hạ lại tấp nập chuẩn bị bánh giầy phục vụ cho Giỗ Tổ Hùng Vương.

Theo người dân làng Mộ Chu Hạ, để làm ra được một chiếc bánh giầy dâng cúng Vua Hùng thì công tác chuẩn bị cần được đặc biệt coi trọng, từ cách chọn gạo (gạo nếp hoa vàng), ngâm gạo;  đến việc làm chày phải là cây tre bánh tẻ để khi giã bánh không bị choét đầu,… Nhất là tạo ra một loại dầu (không độc hại đến sức khỏe) bôi vào cối và chày, để khi giã bánh bánh có độ trơn, không dính vào chày. Tham gia giã bánh là phải những thanh niên trai tráng đủ sức khỏe để có thể giã bánh liên tục, đều tay trong thời gian khoảng 10 phút. Sự khéo léo, phối hợp ăn ý của các thành viên đã khiến cho khối bột nếp, dẻo mịn trở thành những chiếc bánh tròn, xinh xắn đặt trên đĩa lót lá chuối xanh. Ngoài ý nghĩa gắn liền với thời kỳ Hùng Vương, bánh giầy làng Mộ Chu Hạ còn gắn với lịch sử vị hoàng đế thời tiền Lê (Lê Đại Hành).
Đã thành thông lệ, hằng năm cứ vào mùng 10 tháng Giêng và mùng 10 tháng 3 âm lịch, người dân làng Mộ Chu Hạ lại tổ chức hội thi giã bánh giầy để ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và chuẩn bị những chiếc bánh giầy dẻo thơm, đậm đà dâng cúng tổ tiên.

Nguồn: http://baophutho.vn

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.