Người Mường Thanh Sơn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Img2514-1526031162

Nghi thức tế lễ trong lễ hội đình Thạch Khoán. Ảnh: Nguyên An

 

                Đối với đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Sơn, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương  luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh, góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa truyền thống trong kho tàng miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam trên quê hương Đất Tổ Vua Hùng.

               Chiếm gần 60% đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện, đồng bào Mường Thanh Sơn đã và đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, những năm qua hoạt động bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định.

               Một số lễ hội truyền thống được khôi phục, các hoạt động văn hóa đã hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc. Đến nay, trên địa bàn huyện có 11 di tích, trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia: Đình Thạch Khoán (xã Thạch Khoán) và 10 di tích cấp tỉnh: Đình Chung (xã Giáp Lai); đình Khoang (xã Hương Cần); đình Vỏ Trong (xã Yên Lương); đình Phủ Rồng (xã Yên Lãng); đình Lưa (xã Tân Lập); đình Lương Nha (xã Lương Nha); đình Cả, đình Tế (xã Tất Thắng); đình Bản Thôn (xã Yên Sơn); đền Nhà Bà (thị trấn Thanh Sơn).

              Hàng năm, các di tích được xếp hạng trên địa bàn huyện đều tổ chức lễ hội truyền thống. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của lễ hội trong đời sống văn hóa tinh thần, từ đó có ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các lễ hội truyền thống còn góp phần giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng thông qua việc tìm hiểu nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; xây dựng tốt nếp sống văn hóa trong ứng xử giữa người dân sở tại với du khách hành hương về dự lễ hội.

              Đặc biệt, trên địa bàn huyện có nhiều di tích gắn với truyền thuyết về thời đại Hùng Vương của người Mường được biểu hiện dưới các hình thức đa dạng, điển hình là việc Vua Hùng được thờ cúng cùng với nhiều nhân vật như: Tản Viên Sơn Thánh (con rể Vua Hùng); các vị Công chúa: Tiên Dung, Ngọc Hoa, Mỵ Nương (con gái Vua Hùng); các vị tướng thời Vua Hùng…

             Điển hình như: Đình Cả, xóm Chiềng, xã Tất Thắng thờ Tản Viên Sơn Thánh – con rể Vua Hùng Vương thứ 18 và các vị anh hùng dân tộc Mường có công khai hoang mở đất, chống giặc ngoại xâm. Đồng bào Mường nơi đây đều tự hào khi quê hương mình có ngôi đình ông cha để lại, là nơi tâm linh để hàng năm vào ngày lễ bà con được đến thắp hương tri ân công lao các bậc tiền nhân có công với nước.

            Đình Cả được khôi phục lại ở vị trí cũ vào năm 2010. Đây là niềm vui chung của bà con nhân dân xã Tất Thắng khi ngôi đình được phục dựng, trùng tu, tôn tạo với diện mạo mới, trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của địa phương. Đình Bản Thôn được xây dựng tại khu Mố, xã Yên Sơn. Đình thờ Đức thánh Tản Viên- Sơn Tinh nhân vật lịch sử thời Hùng Vương dựng nước.

           Theo truyền thuyết Thánh Tản Viên- Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn, con ông Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen, sinh ra ở Động Lăng Sương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây (nay thuộc xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy). Ngài là vị thần khai sáng văn hóa, vị anh hùng chống lũ lụt, anh hùng chống ngoại xâm và là vị Thần liên minh các bộ tộc Việt – Mường. Ngoài ra, trong di tích Đình Bản thôn còn thờ Quý Minh, Cao Sơn- hai người vừa là anh em họ, lại vừa là tướng lĩnh của Tản Viên đã có công dẹp giặc Thục bảo vệ bờ cõi nhà Hùng đồng thời thờ các vị thần húy là ông Nghè, ông Ngói, ông Vạn, ông Lồi, Đức Chúa Tư được gọi là thần thành hoàng, người có công chiêu dân, lập làng, được tôn là thành hoàng, bản thổ.

           Bà Trần Thị Hương Giang- cán bộ Phòng Văn hóa – Thể thao huyện cho biết: Các ngôi như Đình Cả xã Tất Thắng, Đình Thạch Khoán ở xã Hương Cần, Đình Bản Thôn… là những ngôi đình cổ của người Mường trên đất Phú Thọ. Ngoài thờ đức thánh Tản Viên Sơn còn thờ các anh hùng có công khai sơn lập địa, đánh giặc gìn giữ quê hương trong buổi đầu dựng nước, được các triều vua sắc phong, sử sách lưu danh. Tại các ngôi đình còn bảo tồn được hệ thống các bức hoành phi cổ. Đây cũng là nơi để con cháu xa gần tìm về với quê hương, nguồn cội, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng người Mường và nhân dân trong vùng.

           Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là niềm vui chung của tất cả các dân tộc trong đó có người Mường – cư dân bản địa sinh sống lâu đời trên vùng Đất Tổ. Hàng ngàn năm trôi qua, người Mường đã cùng với các dân tộc anh em chung tay, góp sức vào khôi phục, gìn giữ những nét đặc sắc văn hóa liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để truyền tụng cho muôn đời sau. 

Nguồn: baophutho.vn

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.