Đào Xá- Đình cổ linh thiêng cùng các lễ hội truyền thống đặc sắc

Đình Đào Xá nằm tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Đào Xá là miền đất cổ, có nền văn hoá lâu đời cách đây khoảng 1.800 năm thuộc vùng đất Khuất Động Liêu, thuở khai sơ có tên là Làng Dâu, Làng Da, sau này đổi tên thành làng Đào Xá. Đình có nguồn gốc xây dựng rất sớm vào  thời Lê Trung Hưng (thế kỷ thứ XVII). Năm 1924 ngôi đình bị cháy hư hỏng một phần kiến trúc. Năm 1930, ngôi đền được trùng tu, tôn tạo lại. Vì vậy kiến trúc hiện nay của ngôi đình Đào Xá mang dấu ấn của hai thời Hậu Lê và thời Nguyễn.

234688201_315458210268907_3423503944356164934_N-3

Đình Đào Xá (Xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ)- Ảnh: Bích Ngọc

Nơi đây thờ Hùng Hải Công (em thứ 19 của vua Hùng), là người đã có công khai mở đất đai, dạy dân trị thủy, trồng cấy, chăn nuôi, xây dựng xóm làng trù phú. Nơi đây còn thờ 3 vị thủy thần là 3 người con trai của Hùng Hải Công.

Truyền thuyết kể lại rằng, Hùng Vương đã cử các Hoàng đệ trấn giữ các miền đất trong nước gọi là phiên thần phụ đạo, trong đó có Hùng Hải là em thứ 19 của ông trấn giữ miền Hưng Hoá – Tam Giang. Đó là miền hàng năm có nhiều lũ lụt, nhân dân rất khổ cực. Lĩnh trách nhiệm cai quản ở đây, Hùng Hải đã cho các gia thần đến các đầu sông ngọn nguồn cùng nhân dân hàng năm tích cực chống lũ lụt bảo vệ mùa màng. Từ đấy nhân dân yên ổn làm ăn, Hùng Hải Công lấy bà Trang Hoa làm vợ. Trong một buổi vợ chồng đi thuyền dạo chơi trên đầm Thọ Xuyên rồi xuống đầm Dị Nậu thăm em là Hùng Huệ đang trấn giữ ở đó Ông Bà lập hành cung nghỉ ở đây, một đêm ông bà Hùng Hải mơ thấy cha ông là Lạc Long Quân cho 3 người con trai về đầu thai và báo cho ông một bài thơ. Từ đó bà Trang Hoa có thai rồi sau một thời gian bà sinh ra 3 quả trứng, trứng nở thành 3 con rắn, rắn lớn rất nhanh phút chốc đã dài 15 trượng… Hùng Hải liền đặt tên cho 3 con mình là: Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên công Long Vương. Sau đó 3 người con trai ông đi trị nhậm ở các sứ Ngọc Tháp, Đào Xá, Thọ Xuyên cai quản cả hai sông: Sông Hồng và Sông Đà, cùng các ngòi khe, kênh rạch, còn ông chuyển về miền sông Nhị ở Hải Dương. Tiếp nối sự nghiệp của cha, 3 ông Đạt – Mãn – Uyên làm tốt việc trị thủy ở vùng này, khi hoá thì “Linh ứng Dương Phù” rất thiêng. Nhân dân ở đây lập đền thờ nghìn năm hương khói.

Minh chứng cho sự linh ứng của di tích lịch sử này, phải kể đến thời Lý, có Lý Thường Kiệt về đóng quân ở đây để luyện tập thuỷ binh chuẩn bị đánh quân Tống. Lý Thường Kiệt đã vào đền cầu đảo và được thần ứng nghiệm đánh thắng quân Tống. Đến thời Trần, có vua Trần Nghệ Tông sau này đã lên đây lánh nạn Dương Nhật Lễ. Trong sáu tháng ở đây Trần Nghệ Tông đã gả con gái là công chúa Phương Dung cho thuỷ thần. Sau đó ông đánh tan được Dương Nhật Lễ, lập lại ngôi vua, ra sắc phong cho đền và thờ Phương Dung ở đây.

Đình Đào Xá được làm theo kiểu chữ tam gồm 3 toà: Tiền tế, trung tế và hậu cung. Nền đền được làm theo kiểu giật cấp cao dần vào phía hậu cung, các nền cao hơn nhau  0,40m và cách nhau  bằng sân lộ thiên. Khung kiến trúc làm theo kiểu tứ trụ lòng thuyền; bộ vì được kết cấu theo kiểu chồng rường, giá chiêng, hạ bẩy. Toà tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ, làm theo kiểu 2 tầng 8 mái; tầng trên được lát ván xung quanh có hàng trấn song con tiện, các đầu đao uốn cong duyên dáng trông rất uy nghiêm. Toà trung tế gồm 5 gian, đây là toà rộng nhất làm nơi tế lễ trong các ngày tiệc. Toà hậu cung gồm 3 gian làm theo kiểu nhất biến tam, rộng bằng toà tiền tế. Đây là nơi cung cấm đặt long ngai bài vị thờ. Toàn bộ kiến trúc của ngôi đền Đào Xá còn khá chắc khoẻ, mực thước chính xác, mộng xàm chặt khít, các mảng trang trí kiến trúc ở đền Đào Xá không nhiều, song sống động, đề tài chủ yếu là “Tứ linh” (Rồng hút nước, sen, rùa, hổ phù, hoa cúc…). Đây là ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật đẹp tiêu biểu của thế kỷ 17. Các đề tài trang trí ở đền Đào Xá thể hiện ước vọng của cư dân nông nghiệp, cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, được phong đăng hoà cốc, lưới chài kết quả… Trong đình còn lưu giữ nhiều được bức chạm lộng trên các câu đầu, đạt trình độ nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian và tính tư tưởng cao như bức Ngũ lão đăng sơn, Vân Vương xuất hiệp, Quần long tụ hội, phượng cặp thư…Nghệ thuật điêu khắc chủ yếu là đục bong, chạm nổi mang phong cách thời Hậu Lê và Nguyễn.

Kpvnanh3_Ceck-1

Lễ hội rước voi (Xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) – Ảnh: Sưu tầm

Lễ hội đình Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) với đặc trưng là hội rước voi, được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 tháng Giêng hàng năm. Ngày 27 khai hội, đoàn rước voi ra đền Đào Xá (đền Tam Công) rước bát nhang, long ngai, bài vị về đình. Ngày 28 tháng Giêng được coi là chính hội với các hoạt động tế lễ, rước voi và các trò chơi dân gian. Đối với mỗi người dân địa phương, đây là dịp dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, dựng làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân an, nước thịnh.

Ngoài ra, còn phải kể đến Lễ hội bơi chải Đào Xá diễn ra ngày 10/7 (âm lịch) tại đình Đào Xá. Lễ hội gắn liền với sự tích thờ 3 vị thuỷ thần và từ khi Lý Thường Kiệt đến đóng quân tập luyện thuỷ binh chuẩn bị đánh Tống thì Lễ hội bơi chải được kéo dài thêm 5 ngày nữa. Đến ngày 15/7 (âm lịch) làm lễ tống tiệc. Thực tế ngày nay, đua chải chỉ diễn ra trong một ngày 10/7 trên đầm Đào, một cái đầm rất lớn trải rộng trên ba xã: Hương Nộn, Dị Nậu, Đào Xá. Hội bơi chải Đào Xá, ngoài việc tạo ra một ngày hội truyền thống, có sức cuốn hút đông đảo nhân dân trong vùng, còn có ý nghĩa lớn về sự đoàn kết cộng đồng, giáo dục ý thức tập thể và rèn luyện sức khoẻ cho các thành viên của làng.

Với những giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, đình Đào Xá được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 1974 và là một trong những ngôi đình cổ nhất trên địa bàn tỉnh còn được lưu giữ đến ngày nay. Đến với Thanh Thủy, du khách không chỉ được trải nghiệm loại hình du lịch nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng tại các cơ sở dịch vụ, các điểm sinh thái nổi bật như: Vườn Vua Resort, Thanh Lâm Resor, khu du lịch Đảo Ngọc Xanh…mà còn được trải nghiệm cả loại hình du lịch tâm linh, tham quan, thắp hương chiêm bái tại các di tích có bề dày lịch sử hàng trăm năm như  Đền Lăng Sương (xã Trung Nghĩa ), đình Hạ Bì Trung (xã Xuân Lộc), đình Đào Xá (xã Đào Xá), cùng tìm hiểu các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tính nhân văn sâu sắc. Với các điều kiện đó, Thanh Thủy xứng đáng là điểm nghỉ dưỡng và khám phá văn hóa truyền thống đặc sắc cho du khách, là lựa chọn lý tưởng cho các gia đình thư giãn tinh thần, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí vào dịp cuối tuần.

Bài: Phương Thảo- Trung tâm TTXT Du lịch

TRẢI NGHIỆM NGAY PHƯƠNG PHÁP MASSAGE TRỊ LIỆU GIÚP CHĂM SÓC SỨC KHỎE HIỆU QUẢ

Đào Xá- Đình Cổ Linh Thiêng Cùng Các Lễ Hội Truyền Thống Đặc Sắc
Trải Nghiệm Ngay

Phương pháp trị liệu kết hợp tắm nước khoáng nóng với xoa bóp bấm huyệt theo y học cổ truyền Việt Nam được xem là một trong những phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Tắm nước khoáng nóng giúp mở rộng các giác quan, giảm căng thẳng và tăng cường sức đề kháng. Trong khi xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên cơ xương khớp, giúp giảm đau và tăng sức mạnh cho các khớp, từ đó giảm bớt các triệu chứng bệnh xương khớp. Hãy đến Tre Nguồn Resort để trải nghiệm phương pháp trị liệu này và cải thiện sức khỏe của mình!


Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.