Đền Trù Mật, Thị xã Phú Thọ

Thị xã Phú Thọ, mảnh đất anh hùng hơn 115 tuổi nằm bên bờ sông Thao đỏ nặng phù sa là nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng biết bao hiền tài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa….đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Nơi đây có ngôi đền Trù Mật cổ kính, linh thiêng thờ Đức Đại vương Kiều Công Thuận. Ông làm quan dưới thời Ngô Quyền, được giữ chức Trưởng quản ngân khố, cùng với ông nội là Kiều Công Tiễn, bố đẻ là Kiều Công Chuẩn.

Khong-Gian-Den-Tru-Mat

Không gian đền Trù Mật (Ảnh: Sưu tầm)

Khi xảy ra biến cố chính trị ở Kinh đô Cổ Loa năm 944, vua Ngô Quyền mất, nghịch thần Dương Tam Kha cướp ngôi vua và truy sát trung thần, Kiều Thuận cùng gia đình chạy về đất Ma Khê, rồi liên kết với tộc trưởng Ma Xuân Trường ở Phú An dựng đồn binh ở bãi sông, lập ấp định cư ở Trù Mật, dần dần hình thành một lực lượng cát cứ ở địa phương.

Một vùng rộng lớn từ Ma Khê đến Tây bắc được Kiều Thuận gây dựng, cai quản trong hơn 20 năm trời đã làm cho dân tình yên ổn, nông nghiệp mở mang, nơi nơi đều an cư lạc nghiệp, thế lực vững vàng, uy danh vang dội, khiến các sứ quân khác phải nể phục. Đội quân của Kiều Thuận có tới vài vạn người, được tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, trên dưới một lòng được mệnh danh là “Cương Nghị quân”; luân phiên nhau vừa luyện tập, tuần tra canh gác, bảo vệ lãnh địa, vừa sản xuất bảo đảm lương thực nuôi quân, vừa thường trực cơ động sẵn sàng chiến đấu.

Trong hai năm 966 – 967, đất nước ta không có vua, các thế lực trong triều tranh nhau ngôi vương, các hào trưởng địa phương không phục tùng triều đình, gây ra nạn cát cứ của 12 sứ quân. Khi có biến cố 12 sứ quân, đau lòng trước cảnh loạn ly và binh đao, lại nhận thức được Đinh Bộ Lĩnh là người tài đức có thể thống nhất các lực lượng, giữ lấy giang sơn. Ông nói với mọi người: “Cù lao không thắng nổi anh hùng “và khuyên binh sỹ tạm đi lánh nạn, chờ khi đất nước yên bình hãy trở về”…Ông không đầu hàng, cũng không chịu rơi vào tay quân Đinh, ông lặng lẽ kết thúc cuộc đời mình, giữ trọn thanh danh. Sau khi quân Đinh đến nơi thì chỉ thấy còn đống mối đã đùm bọc thành mộ.

Cảm phục trước tài cao đức trọng của Kiều Thuận, nhân dân hai làng Phú An, Trù Mật đã lập đền thờ ông tại Trù Mật để thường xuyên hương khói tưởng nhớ một người có công với nước với dân và làng Phú An đã tôn ông làm thành hoàng thờ ở đình làng. Đinh Bộ Lĩnh sau khi lên ngôi vua (tức vua Đinh Tiên Hoàng) đã ban sắc truy phong cho Kiều Thuận là “Cương nghị đại vương thượng đẳng thần”. Các triều đại phong kiến Việt Nam về sau lần lượt ban sắc truy phong cho Kiều Công Thuận.

Ngôi đền được xây dựng từ năm Canh Ngọ (970), sau nhiều lần trùng tu, hiện ngôi đền mang rõ phong cách kiến trúc triều Nguyễn, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999. Đây là một quần thể kiến trúc, bên phải là đền Mẫu, bên trái là đền thờ Đức Kiều Công Thuận, nằm giữa 2 đền là di tích chùa Thắng Sơn.  

Tai Xuong -1-

Lễ hội đền Trù Mật (Ảnh: Sưu tầm)

Trong những dịp tưởng niệm ngày sinh, ngày mất, ngày lập đền thờ Tướng công, người dân trong vùng vẫn nhang đăng tế lễ theo nghi thức cổ truyền. Ngày nay, Lễ hội truyền thống đền Trù Mật được tổ chức trong hai ngày 17, 18 tháng 2 âm lịch với lễ rước và nghi thức tế lễ trang trọng. Phần hội được tổ chức với nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian như: Múa lân; múa xinh tiền; thả diều; kéo co; chọi gà và thi đấu cờ tướng, cờ bỏi… Lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống hướng về cội nguồn, tri ân công đức của những người đã có công với dân làng… cầu cho quốc thái, dân an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc, sự nghiệp được thăng hoa.

Phạm Anh – Trung tâm TTTX Du lịch

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.