Vùng Việt Trì – Bạch Hạc là trung tâm điểm địa lý hình thành nhà nước đầu tiên của người Việt Cổ. Phường Bạch Hạc nằm trên vùng đất hợp lưu của ba con sông Hồng, sông Đà, sông Lô, như ba con rồng uốn khúc về chầu. Bến Hạc trắng là cửa ngõ của châu thành, nơi bốn phương đổ về hội họp, người đông của nhiều, vượng khí muôn đời không dứt.
Ngã ba Hạc là khu vực tập trung đậm đặc nhất ở Phú Thọ về di tích và lễ hội gắn với sự tích Hùng Vương, từ lâu đã nổi danh là vùng sông nước hữu tình, sơn thanh thuỷ tú… trong nhịp sống đương đại, Bạch Hạc như một điểm giao thoa văn hoá giữa các vùng, miền tạo cho thành phố Việt Trì một dấu ấn văn hoá độc đáo của miền sông nước: có cái chung của văn hoá đồng bằng, lại có nét riêng của văn hoá miền trung du đất Tổ, trong đó tiêu biểu là lễ hội bơi chải diễn ra hàng năm tại khu di tích đền chùa Tam Giang.
Đền Tam Giang Bạch Hạc thờ Cao quan Đại Vương, huý là Thổ Lệnh – Thạch Khanh đã có công chu du thiên hạ tìm phương thuốc quý chữa trị tật bệnh cho muôn dân, khi mất lại rất linh ứng giúp cho các tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm giữ nước. Thời Trần, Thổ Lệnh – Thạch Khanh ngầm theo giúp Trần Hưng Đạo đánh giặc, được gia phong làm Hộ quốc bảo dân Đại Vương và cho trang Bạch Hạc cùng nhiều địa phương khác đời đời thờ tự. Nhân dân Bạch Hạc bèn tu sửa thành đền, tôn thờ làm thần hoàng, bốn mùa cúng tế. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật được cấp điền trạch nơi Bạch Hạc làm thái ấp, nhân dân trân trọng vị vương hầu nhiều công trạng ấy nên đã tạc tượng tôn thờ đặt cạnh Thánh Hạc – Thổ Lệnh Đại Vương.
Đền, chùa Tam Giang toạ lạc trên một vị trí tuyệt đẹp, là nơi đã diễn ra nhiều cuộc kháng chiến ác liệt của cha ông ta, nơi tu luyện quân thuỷ của các triều đại: Hai Bà Trưng, Tiền Lê, Trần… Các thời kỳ này đền, chùa đều được tu bổ . Với cảnh trên đền dưới bến, trên bến dưới thuyền, đời sống sông nước giữ vai trò chủ đạo của cư dân vùng này ngay từ thời xa xưa. Con thuyền vô cùng quan trọng trong cuộc sống của họ.
Do đặc điểm đất nước Việt Nam ta nhiều sông nước, cả miền Bắc và Miền Nam. Với một địa hình như vậy trong đời sống văn hoá tín ngưỡng và lễ hội không thể không chịu ảnh hưởng sâu sắc: thờ thuỷ thần, hội đua chải, đua ghe đã là những mảng quan trọng trong văn hoá lễ hội, trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Hội đua thuyền ở nước ta có trên 3000 năm đã trở thành truyền thống lâu đời trong đời sống văn hoá. Trên thân các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Quảng Xương… đều có chạm hình những chiếc thuyền đang đua bơi. Nhiều sách đã ghi lại tài nghệ bơi lặn, đua thuyền của nhân dân ta. Sách Tuỳ thư (địa lý chí) và Việt sử lược cho biết: lễ hội đua thuyền thời Tiền Lê, thời Lý phát triển mạnh. Những cảnh khắc hoạ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và hình dạng con thuyền của người Việt thời tiền sử càng cho thấy rõ hơn truyền thống sông nước của nhân dân ta. Đó chính là những cuộc đua trong hội nước, là cảnh hội làng mà trong đó nghi lễ chủ yếu liên quan tới nước. Truyền thống đánh thuỷ chính là thế mạnh tuyệt đối của quân ta từ thời Ngô Quyền (thế kỷ X) đến Trần Hưng Đạo ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông (thế kỷ XIII).
Thực tiễn cuộc sống là một yếu tố quan trọng tạo nên dấu ấn văn hoá vùng, là tiền đề cho sự hình thành lễ hội sông nước tại không gian di tích đền, chùa Tam Giang. Một yếu tố quan trọng nữa là vai trò của các nhân vật lịch sử đã từng lập chiến công lẫy lừng bằng những cuộc thuỷ chiến như: Kiều Công Hãn khi cát cứ thành Tam Giang cũng tu sửa lại đền, chùa này. Vua Lê Đại Hành cho con thứ tư là Ngọc Man Long Vương Đĩnh trấn thủ thành Bạch Hạc nhân đó cũng trùng tu đền, chùa…Đặc biệt Lê Đại Hành là người đầu tiên hạ chiếu cho mở cuộc vui đua thuyền cả nước. Đời nhà Trần, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, là em Trần Thánh Tông được giao nhiệm vụ trấn thủ thành Bạch Hạc đã lấy bãi sông Bạch Hạc làm nơi luyện thuỷ quân, đóng chiến thuyền. Như vậy, lễ hội bơi chải thời Trần gắn liền với công cuộc rèn luyện thuỷ quân của Trần Nhật Duật. Trần Nhật Duật, Hai Bà Trưng lấy Bãi Hạc và bến Tam Giang làm nơi đóng thuyền chiến và luyện quân sĩ. Để ghi nhớ công ơn của các tướng lĩnh, lễ hội bơi chải ra đời nhằm ghi lại những chiến công thuỷ chiến lừng lẫy trên sông Hạc. Lịch sử và quá trình hình thành khu di tích đền, chùa Tam Giang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và tồn tại của lễ hội bơi chải độc đáo. Ngược lại sự ra đời của lễ hội bơi chải gắn bó chặt chẽ và tạo cho khu di tích một linh hồn, một sức sống mạnh mẽ và có dấu ấn rõ nét.
Lễ hội bơi chải, ngày xưa được tổ chức vào dịp 20-5 âm lịch, lúc mùa nước và nước sông lên rất to. Có sông, có nước nên những làng bên sông tổ chức bơi chải vào tháng 5, tháng 6 âm lịch và gọi là tiệc bơi. Chúng tôi cho rằng lễ hội bơi chải Bạch Hạc cùng nằm trong vùng văn hoá sông nước trên, nên chịu sự chi phối và ảnh hưởng của các lễ hội xung quanh, do đó được tổ chức vào mùa hạ, phù hợp với quy luật thời gian của lễ hội vùng, miền.
Trước đây, hội bơi chải hàng năm có 6 thuyền bơi của 6 giáp. Do bơi vào mùa nước to, nên trong một tiệc bơi đã đắm mất hai thuyền của hai giáp. Từ đó các cụ bô lão mới quyết định tổ chức lễ hội vào ngày mồng 10-3, trùng với ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Hình thức tổ chức lễ hội vẫn như cũ nhưng chỉ còn 4 chải của 4 giáp: Tiên Hạc, Đông Nam, Thần Trúc, Bộ Đầu. Mỗi giáp một chải sơn một màu: chải Tiên Hạc màu xanh, chải Đông Nam màu trắng, chải Thần Trúc màu đỏ, chải Bộ Đầu màu vàng. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày: ngày đầu bơi dạo để kiểm tra chải; ngày thứ hai các giáp đưa kiệu xuống chải bơi ra sông Hồng đón các thần về; ngày thứ ba bơi chính để đọ sức giữa các giáp. Đường bơi bắt đầu từ cửa bến Đình, về làng Đức Bác rồi quay lại đền Tiên Cát. Khi đến đền Tiên Cát thì ném thẻ chải xuống, các chải nhận thẻ và bơi về bến Đình, kết thúc cuộc đua, làm lễ trao giải. Đền Tiên Cát đem 50 vuông lụa, một đồng tiền bạc xuống đền Tam Giang để trao cho chải về nhất.
Xung quanh vùng Bạch Hạc có nhiều nơi diễn ra Hội đua chải: Tục ngữ truyền về những hội thi này: “Rau gác, hạc bơi; Hạc gác, Me bơi; Me gác, Đức Bác bơi; Đức Bác gác, Dạng bơi”. Quan sát các hội đua thuyền của các nơi thuộc hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, dễ dàng nhận thấy hội đua chải Bạch Hạc có những đặc điểm vượt trội hơn hẳn so với những nơi khác cả về không gian lễ hội, kích thước thuyền, mục đích cuộc đua…và cho đến ngày nay chỉ có hội bơi chải Bạch Hạc được phục hồi.
Lễ hội nay được tổ chức vào ngày mồng 10-3, phù hợp với yêu cầu hiện tại, mở rộng không gian lễ hội Đền Hùng, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài nước hành hương về dự hội. Lễ hội bơi chải truyền thống Bạch Hạc đã khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm, cộng đồng, về sức mạnh truyền thống của dân tộc. Những mỹ tục được khơi dậy, lòng nhân ái vị tha được củng cố, mặc cảm giàu nghèo, tôn giáo…được xoá dần. Lễ hội như một bảo tàng sống về các loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng trung du đất Tổ như nghệ thuật chạm khắc sơn thuỷ (thể hiện trên đồ thờ, kiệu) nghệ thuật thêu may (cờ, hoành phi, lễ phục) từng phát triển từ xa xưa. Lễ hội thực sự là chỗ dựa tinh thần của cư dân vùng sông nước, là dịp để nhân dân nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, luyện tay nghề, bản lĩnh của nghề sông nước, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm đồng thời gửi gắm những khát vọng của cuộc sống.
Không những vâỵ, ngay từ xa xưa lễ hội bơi chải Bạch Hạc đã thực sự lan toả rộng rãi tới các vùng, miền phụ cận dọc theo sông Hồng, đặc biệt là khu vực Hà Nội.
Các vùng xung quanh Bạch Hạc có nhiều tiệc bơi, nhưng chịu ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ nhất của lễ hội bơi chải Bạch Hạc phải kể đến lễ hội Bơi Đăm (Tây Tựu, Từ Liêm) bởi vì làng Đăm và Bạch Hạc nằm trên cùng triền sông, các ngôi đền, đình đều nằm ven sông mà Bạch Hạc chính là nơi đầu nguồn sông nước.
Bơi Đăm theo quan niệm của người xưa, cốt làm lễ dâng hương cúng vị thuỷ thần chăm lo việc nước nôi cho dân cày, cấy mang tên là Thánh Tam Giang. Về Thánh Tam Giang Bạch Hạc, làng Đăm có truyền thuyết: “Vốn trước làng chưa có đình, miếu. Ông câu ếch họ Vũ người thôn Hạ đi theo triền sông Cái lên mãi vùng trên, thường hay đến nghỉ nhờ đền Bạch Hạc. Một hôm, cụ từ đi vắng, nhờ ông Vũ đèn hương hộ, ông thấy trên đầu có tới 3 bài vị thờ mà làng mình lại chưa có thành hoàng bèn làm lễ xin âm dương để đón một vị về Đăm. Đó là thổ lệnh Bạch Hạc Tam Giang. Nhưng chẳng may làng lúc này đang có dịch chết người và gia súc. Ông Vũ sợ hãi, đem giấu tượng trên giàn mướp bên kia bờ sông Nhuệ. Dân thôn Thượng biết bèn lạp miếu thờ ở cạnh sông trông chếch sang giàn mướp. Mùa mưa năm ấy có lũ lớn, nước tràn vào đồng, có một mũi thuyền gỗ chạm đầu Hạc trôi dạt vào cửa miếu. Ông họ Vũ nhận ra đúng là đầu thuyền đua ở đền Hạc. Dân làng bèn cử người lên đền chính thờ thần Tam Giang xin mẫu thuyền, hỏi thể thức bơi chải rồi về làng đóng thuyền, xây nhà thuỷ toạ, tổ chức thi bơi. Hội đua thuyền Đăm từ đó tới nay đã khoảng 600 năm”.
Rõ ràng bơi chải làng Đăm gắn với sự tích Thánh Tam Giang; đình làng Đăm thờ Đức Thánh Tam Giang, dân gian gọi là Bạch Hạc Tam Giang; thời gian tổ chức lễ hội làng Đăm và lễ hội Bạch Hạc cũng gần nhau, đều vào dịp 10-3. Cuộc đua thuyền ở làng Đăm có những nét độc đáo mà nhiều nơi khác không có: các thuyền vừa đua vừa té nước nhau; mỗi thuyền lại có thêm hai nhân vật nam đứng múa và reo hò; hai ngày sau lần đua đầu lại có một cuộc đua tiếp theo diễn ra náo động như vậy.
Hội thi Đăm xưa gồm có 6 thuyền của 3 giáp Thượng, Trung, Hạ nay là 3 thôn và kéo dài 3 ngày, quá dài không phù hợp với điều kiện hiện nay. Hơn nữa, phạm vi tổ chức của lễ hội bơi Đăm cả xưa và nay đều ở trong phạm vi hẹp (phạm vi làng xã) giống như hội bơi chải Bạch Hạc xưa chỉ dành cho 4 giáp của Bạch Hạc. Hội bơi chải Bạch Hạc nay đã mở rộng ra phạm vi toàn thành phố, được tổ chức trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, rõ ràng ảnh hưởng và sự lan toả mạnh mẽ hơn và công chúng cũng đông hơn.
Sự khác biệt về thuyền giữa chải làng Đăm và chải Bạch Hạc là ở chỗ: 6 chải làng Đăm tạc hình tượng các con ly, hạc, rồng; còn các chải của Bạch Hạc chỉ là đầu rồng. Vì sao có sự khác biệt này, chưa có một kiến giải nào, nhưng có lẽ do tín ngưỡng của mỗi vùng miền khác nhau và yếu tố tín ngưỡng này được giải mã thông qua linh vật. Lễ hội bơi Đăm có sự tham gia của 3 thôn Thượng, Trung, Hạ, mỗi thôn đua 2 thuyền. Thuyền thôn Trung có biểu tượng đầu rồng đánh số 2 và 5; Hai thuyền thôn Hạ có biểu tượng đầu Ly đánh số 3 và số 6.
Lễ hội bơi chải Bạch Hạc xưa gồm 4 giáp, nay là 4 đơn vị xã phường, mỗi đơn vị đua 1 thuyền, kiểu dáng thuyền hoàn toàn giống nhau, chỉ khác màu sắc. Số lượng, vị trí các đô bơi của bơi chải Bạch Hạc và bơi Đăm cũng có sự khác nhau: Bơi Đăm mỗi thuyền có 18 trai bơi và 6 người điều khiển: ông Lệnh (chỉ huy), ông Nạng (chống đỡ), ông Cờ (phất tiến), ông Mõ (nhịp điệu), ông Lái (điều khiển) và ông tát nước. Bơi chải Bạch Hạc, mỗi thuyền có 24 trai bơi và ông Lái, ông Mõ, ông tát nước.
Nét tương đồng giữa hai hội là: hai nơi đều thờ vị thánh Tam Giang, và cả hai nơi đều nằm trong vùng văn hoá của cư dân sống bằng nghề sông nước.
Nếu lễ hội bơi chải Bạch Hạc nhắc nhở những cuộc thuỷ chiến lẫy lừng của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật thì lễ hội bơi chải làng Đăm nổi tiếng với một số võ tướng như: Nguyễn Hữu Liên, Thống đốc thuỷ quân thời Lê Trung Hưng và Đỗ Đắc Liêu ở thế kỷ XIX đã từng là những tay bơi thuyền giỏi của hội Đăm trước khi trở thành vị tướng thuỷ quân.
Người ta còn nhớ, vùng này một thời là đất sinh tụ của loài hạc trắng, sớm sớm chúng bay lượn từng đàn, từng đàn rợp trời đi kiếm ăn và chiều chiều chúng tìm về nghỉ ngơi, nhộn nhịp và vui mắt. Nhân đó các cụ đã gọi đây là đất Tiên Sa, vùng đất linh thiêng, mỹ lệ và địa danh Bạch Hạc ra đời từ đấy.
Không gian địa văn hoá với lịch sử của nhân dân địa phương trong quá trình sinh cơ lập nghiệp và xây dựng đất nước nơi đây cùng với sự tồn tại của khu di tích đền, chùa Tam Giang đã tạo nên nền tảng quan trọng trong việc hình thành lễ hội bơi chải truyền thống Bạch Hạc. Nhân dân Bạch Hạc cũng như cả vùng Phú Thọ, Việt Trì đã cùng sông nước sống chung, đã cùng sông nước đuổi giặc. Sông nước là nguồn sống thời bình và là chiến luỹ thời chiến. Ngã ba Hạc chứng kiến bao tháng ngày thăng trầm của lịch sử dân tộc, đã thành nơi hào khí linh thiêng nhờ những chiến thắng lẫy lừng đánh đuổi quân xâm lược của cha ông ta thuở trước. Truyền thuyết lịch sử vẻ vang ấy không chỉ lòng người ghi nhận mà đã tạc trên chùa Hoa Long để bất cứ ai một lần qua đây, có thể biết tới và tự hào. Bạch Hạc còn nơi hội tụ ba dòng sông lớn và giữ vai trò đầu nguồn phân phối nước cho vùng châu thổ sông Hồng rộng lớn, đảm bảo những vụ mùa tươi tốt, bội thu. Đó chính là ý nghĩa sâu sắc nhất của vị trí Bạch Hạc đối với đời sống nhân dân. Tất cả những yếu tố trên đã làm lên nội dung của lễ hội sông nước độc đáo mang dấu ấn văn hoá vùng Đất Tổ. Khu di tích đền chùa Tam Giang và lễ hội bơi chải truyền thống Bạch Hạc đã là linh hồn văn hoá sống động nhất không chỉ của vùng ngã ba Hạc này mà còn là lễ hội văn hoá hoành tráng của thành phố Việt Trì từ quá khứ tới hiện tại và tương lai.
Trong công cuộc xây dựng đời sống văn hoá hiện nay, kế thừa truyền thống tinh hoa văn hoá dân tộc là vấn đề hết sức quan trọng. Song việc thừa kế di sản văn hoá phải có chọn lọc, có phê phán và có sự sáng tạo. Trong bối cảnh ấy, bảo tồn kế thừa và phát huy giá trị của lễ hội bơi chải truyền thống Bạch Hạc là một vấn đề cấp bách và có ảnh hưởng tích cực đến đời sống cộng đồng: duy trì tốt lễ hội sẽ bảo đảm được cho con người những phẩm chất cộng đồng, biết tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau tạo ra sự thư giãn tinh thần, hưng phấn nghệ thuật. Đặc biệt lòng yêu quê hương luôn luôn được nuôi dưỡng do mỗi lần mở hội là một lần nhân dân có dịp ôn nhớ lịch sử vẻ vang của địa phương, của dân tộc. Đồng thời, việc nghiên cứu phần lễ và hội truyền thống sẽ góp phần sáng tạo để lễ hội phù hợp với thời kỳ mới. Lễ hội bơi chải truyền thống Bạch Hạc đang vận động phù hợp với tiến trình đó, thực sự đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội hôm nay trong việc tạo dựng một mô hình mới phù hợp với không gian văn hoá đô thị, thành phố Việt Trì trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Cha ông ta, qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã để lại những truyền thống vô cùng quý giá trong đó có hệ thống lễ hội văn hoá dân gian đặc sắc. Lễ hội bơi chải truyền thống Bạch Hạc – một lễ hội văn hoá dân gian, một di sản văn hoá quý báu của thành phố Việt Trì đã tồn tại, đồng hành và tạo nên ký ức văn hoá của thành phố trung du đất Tổ. Vượt qua thời gian, lễ hội đã lan toả và có sức sống lâu bền trong đời sống nhân dân đương đại.
Từ góc nhìn văn hoá, có thể thấy sự lan toả tại khu vực Phú Thọ và Hà Nội để khẳng định giá trị văn hoá và lịch sử của lễ hội bơi chải truyền thống Bạch Hạc. Lễ hội đã làm sống lại một khoảnh khắc lịch sử oanh liệt của cha ông ta thửa trước, đưa chúng ta trở về với cuộc sống hội hè ngày xưa mà ở đó tình cảm của người dự hội hôm nay càng thêm nồng hậu đối với lễ hội dân gian cổ truyền bởi nó mang tâm hồn dân tộc sâu sắc.
Bảo tồn và phát huy, giữ gìn và phát triển lễ hội bơi chải truyền thống Bạch Hạc là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong chủ trương phát triển toàn diện thành phố Việt Trì. Nhưng việc bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn của lễ hội chỉ đem đến kết quả khi chúng ta tuân thủ quy luật khách quan, giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và cách tân; phát huy vị thế và sắc thái văn hoá địa phương, vươn lên để hoà nhập vào dòng chảy của vùng, miền, quốc gia, khu vực. Trên cơ sở tổ chức lễ hội, chúng ta phải biết khuyến khích những sáng tạo mới dựa trên truyền thống để luôn luôn gắn lễ hội với nhịp sống văn hoá của thời đại, hoà nhập hiện đại vào truyền thống, đến hiện đại từ truyền thống.
(Nguồn: www.phutho.gov.vn)