Gắn bó mật thiết với rừng núi, sông suối, đồng ruộng, người Mường thường tận dụng các sản vật tự nhiên sẵn có để làm đa dạng cũng như luôn cải thiện mới bữa ăn gia đình. Tuy không có các loại quà bánh phong phú như miền xuôi nhưng họ sử dụng mọi nguồn sản vật tự nhiên sẵn có để tạo ra nhiều món ngon, đặc sản mà nếu có dịp thưởng thức một lần chắc chắn du khách sẽ không thể nào quên được, đó là bánh trứng kiến.
Tổ kiến thường nằm trên cao
Nếu như đối với những người dân tộc Kinh, vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm thường tổ chức “Tết hàn thực” hay còn gọi Tết bánh trôi – bánh chay thì người Mường lại tổ chức ăn “Tết thanh minh” với món đặc sản là bánh trứng kiến.
Theo quan niệm của người Mường, mỗi năm chỉ làm loại bánh này đúng một đợt vào lúc mặt trời đỏ nhất trong năm và cũng chỉ trong tháng ấy mới có loại trứng kiến mang hương vị khác lạ nhất so với các loại kiến làm tổ trên cây khác. Người Mường cho rằng thường bắt đầu từ tháng 3 âm lịch mặt trời sẽ đỏ rực nhất, đó là lúc những tổ kiến đen trên ngọn cây luồng, cây keo, cây nứa,… trong rừng có nhiều trứng nhất, theo kinh nghiệm của đồng bào, mặt trời càng đỏ thì trứng càng to nhanh, trứng ngon nhất khi nó to nhất thì bằng hạt gạo nương và có màu trắng hồng béo ngậy.
Để làm món bánh trứng kiến, người Mường vào rừng tìm cây nứa, cây luồng có những tổ kiến to, có nhiều trứng. Người thì chặt tổ trên cây cho rơi xuống, người thì cho tổ vào mẹt đập nhẹ cho rơi trứng ra, người thì vừa kéo mẹt đi vừa bẻ cành lá cho vào để lừa kiến bò đi chỗ khác, sau đó sàng sẩy cho sạch vỏ tổ, còn lại những quả trứng kiến chắc, mẩy. Trứng kiến sau đó được rửa sạch, phơi khô.
Những gia vị cho món bánh trứng kiến thêm thơm, ngon gồm có: Lóng chuối (nõn chuối rừng), rau đáu (rau răng cưa), rau dổi, lá kiệu cùng gạo tẻ đã được ngâm qua nước. Tất cả những nguyên liệu này được chộn lẫn với nhau, cho vào cối giã nhỏ, thêm gia vị (mắm, muối, mì chính) vừa đủ sau đó được nặn thành viên to gần bằng nắm tay, tán dẹt, cho trứng kiến vào giữa và dùng lá sung mật gói lại rồi cho vào nồi hấp hoặc đồ chín. Khi bánh đã chín, mang ra xếp vào rổ để nguội là có thể thưởng thức mà không cần chấm thêm bất kỳ gia vị nào. Mùi thơm của các loại lá rừng và mùi béo ngậy của trứng kiến tạo nên hương vị đặc biệt mang những nét đặc trưng của núi rừng mà khi về miền xuôi du khách khó tìm lại được.
Theo chân cán bộ phòng Văn hóa – Thông tin huyện, chúng tôi tìm tới gia đình bà Hoàng Thị Hướng – khu Móc, xã Thượng Long, huyện Yên Lập, một gia đình đã có nhiều năm làm món bánh trứng kiến. Theo bà Hướng: “Muốn lấy được trứng của chúng trong tổ phải hết sức khéo léo để không bị kiến đốt lên người. Đây là loại kiến to gấp đôi, gấp ba kiến thường nên khi bị chúng đốt thì mặc dù không có nọc độc nhưng gây đau nhức mấy ngày liền. Tháng 3 cũng là mùa cây sung mật mọc lá non đo đỏ, sự trùng hợp này như một “cơ duyên” bởi vị chát của lá sung mật và vị ngậy của trứng hòa quyện cùng lớp bột gạo tạo nên hương vị đặc trưng của bánh. Làm bánh kiến cũng nhiều công đoạn cầu kỳ bởi ở chỗ trứng kiến cần được xào thơm, tránh bị cháy, nêm mắm muối cùng các gia vị khác cho thơm ngon đậm đà hơn để khi ăn không cần thêm gia vị chấm”.
Cũng theo bà Hướng thì món bánh trứng kiến của dân tộc mình cũng đang dần bị mai một bởi số lượng kiến ngạt ngày càng ít đi, các loại rau rừng cũng đang dần khan hiếm và một phần nữa là những thế hệ trẻ bây giờ cũng không còn nắm rõ những công thức đặc thù để làm món bánh này.
Quanh bếp lửa trong hương thơm ngậy của mùi bánh chín ai trong gia đình cũng nóng lòng được nếm ngay thứ bánh một năm chỉ được thưởng thức một lần để hồi nhớ lại hương vị đặc trưng khó tả nên lời của món bánh trứng kiến mà nếu muốn thưởng thức lại phải chờ tới ngày “Tết thanh minh” năm sau. Những ai có dịp lên vùng núi Yên Lập, có dịp cùng đi “đánh kiến” với đồng bào dân tộc Mường, cùng nhau thưởng thức món bánh trứng kiến thơm ngon béo ngậy ấy quả là là một trải nghiệm thú vị và nhớ mãi khi nhắc tới vùng sơn cước đầy chất trữ tình này.
Bánh trứng kiến thường dùng để cúng lễ vào dịp mồng ba tháng ba âm lịch hằng năm, làm quà biếu cho du khách phương xa. Ngoài ra, từ trứng kiến người Mường còn có thể nấu cùng cơm nếp, xào với rau, nhưng ngon và được nhiều người ưa làm nhất vẫn là món bánh trứng kiến.
(Vũ Tuân – phutho.gov.vn)