Bánh nẳng làng Dòng- Đặc sản ẩm thực Đất Tổ

     Nếu như Tết Nguyên Đán có bánh Chưng, bánh Tét, Tết Nguyên tiêu có bánh Trôi nước, Tết Trung Thu có bánh nướng, bánh dẻo thì vào dịp Tết Đoan Ngọ bánh Nẳng là món không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt. Bánh Nẳng Tết Đoan Ngọ đã là nét đặc trưng văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị dân tộc.

Banh Nang2

      Theo quan niệm của người xưa, vào ngày Tết Đoan Ngọ người ta hay ăn mận, vải, dưa hấu, rượu nếp…, thường là ăn vào buổi sáng sớm để diệt trừ sâu bọ, giun sán trong người. Truyền thống đó đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác và kéo dài cho đến tận bây giờ. Trong đó, có một thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cũng như trong các món ăn để diệt sâu bọ, đó chính là bánh Nẳng.

Banh Nang3

      Ngày xưa, ở làng Dòng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao) có một cô gái tuổi đã đôi mươi mà chưa có đám nào đến hỏi. Một lần nằm mơ, bụt đã hiện lên và bảo với cô: “Con hãy lấy nước tro từ các loại cây trên đồi ngâm với gạo nếp, lấy lá dong gói bánh mang luộc và đem mời người dân trong làng ăn sẽ được việc như ý”. Cô gái làm theo lời bụt dặn, chiếc bánh có vị nhạt nhưng lại thoang thoảng hương vị cỏ cây vùng đồi địa phương, theo lời bụt dặn cô gái đặt tên bánh là bánh Nắng. Từ đó, cái tên bánh nắng nổi tiếng khắp vùng gần xa.

      Một ngày, có một chàng trai từ kinh thành xa xôi tìm đến, sau khi ăn bánh vì thích hương vị thơm ngon nên chàng đã quyết tâm đi tìm người con gái làm ra bánh nắng. Vì mến tài đảm đang, khéo léo của cô gái, chàng đã ngỏ ý đưa cô về ra mắt gia đình. Chàng là con trai một vị quan trong triều đình,  nhưng vì quyến luyến với cha mẹ già yếu nên cô gái đành gạt nước mắt tạ từ chàng trai. Cùng trong năm đó, gia đình chàng trai phụng mệnh triều đình mang theo toàn bộ tư gia hành hương về Đất Tổ lo việc cai quản và phúng lễ tại Đền Hùng. Đôi trai gái được gặp lại nhau và nên duyên chồng vợ. Về sau, cô gái còn truyền lại cách làm bánh cho người dân trong làng. Lâu dần bánh Nắng được người dân gọi chệch đi thành bánh Nẳng. 

      Bánh Nẳng (hay còn gọi là bánh tro, bánh ú tro, bánh gio) được làm từ gạo nếp ngâm trong nước lá gio, gói vào lá rồi mang luộc. Sở dĩ gọi là bánh Nẳng, bánh Tro hay, bánh Gio xuất phát từ phụ liệu làm bánh là nước gio (còn gọi là nước nẳng) pha chế từ tro than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, dược liệu. Nghe thì có vẻ đơn giản, ấy thế mà muốn làm nên thứ bánh vàng óng, trong suốt như hổ phách này không hề đơn giản chút nào.

Banh Nang1-1

      Bánh Nẳng làng Dòng làm từ hai nguyên liệu chính gạo nếp và nước tro, theo cổ truyền thường là không có nhân. Thành phẩm chỉ là một khối bột trong, dùng chấm với mật để ăn. Bánh thường được gói với lá tre hoặc lá dong, lá chuối cũng được sử dụng. Lạt buộc bánh làm từ bẹ thân cây chuối khô tước sợi hoặc ống giang chẻ sợi.

      Gạo nếp được chọn làm bánh Nẳng làng Dòng thường là gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung để hạt gạo không bị sượng cứng. Nước gio để ngâm bánh (còn gọi là nước nẳng) được pha chế từ gio than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, sau đó sẽ pha thêm một chút nước vôi trong. Khâu này vô cùng quan trọng bởi nhiều quá thì nồng, mà ít quá thì bánh sẽ nhạt nhẽo.

      Sau khi có nước tro, công đoạn tiếp theo là đem gạo nếp đãi sạch, cho vào thau ngâm với nước tro, thường được ngâm 5-6 tiếng đến một đêm, khi nào kiểm tra thấy hạt gạo miết ở hai đầu ngón tay nát mịn là được. Lưu ý không ngâm gạo quá một ngày vì sẽ khiến nếp quá nồng mùi tro, ăn không ngon. Gạo ngâm xong được vớt ra đãi rửa thật sạch bằng nước mưa hoặc nước giếng khơi, để cho ráo mới tiến hành gói bánh.

      Sau khi có gạo tiến hành gói bánh, mỗi chiếc bánh Nẳng tương ứng với 1 lạng gạo nếp, được luộc trong khoảng thời gian 10 tiếng. Bánh chín vớt ra rửa sạch, xếp đứng cho ráo nước. Bánh Nẳng làng Dòng thuôn dài, cỡ nhỏ, khi ăn thì cắt ra.

      Bánh Nẳng sau khi chín khi mở ra là một khối bột trong, mịn chắc như một khối thạch, không nồng vôi tro. Bánh mềm mại vị nhạt, có màu từ nhạt đến nâu sẫm phụ thuộc loại nước tro sử dụng. Vị bánh thanh thanh, mát mát nhẹ nhàng, đâu đó thấp thoáng chút nồng của nước vôi trong, ngai ngái hương vị đậm đà quyện vào vị thanh mát, ngọt ngào thoang thoảng hương thơm dịu nhẹ của cỏ cây ưa nắng mọc ở đồi cao trung du. Chấm một lớp mật mía rồi bỏ vào miệng, vị bánh hoà quyện với thứ mật mía đặc sền sệt, ngọt ngào lan toả. Ăn bánh Nẳng làng Dòng không thể vội vã mà phải ăn từ từ, nhẩn nha thưởng thức thì mới thấy hết hương vị, càng ăn càng thấy ngon.

Banh Nang4

      Bánh Nẳng làng Dòng làm ra rất được ưa chuộng và thường được khách hàng đến lấy hoặc mang giao cung ứng cho các chợ, các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Và hàng chục năm nay, bánh Nẳng làng Dòng theo chân biết bao người đi đến khắp các nẻo đường xa, cung cấp cho nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Vĩnh Phúc,… Bên cạnh bánh Nẳng làng Dòng còn có rất nhiều các loại bánh khác được mọi người ưa thích như: bánh Chưng, bánh Gai, bánh Tẻ, bánh Đúc,…

Banh Nang5

     Ngày nay, trong xã hội hiện đại, ai ai cũng bận rộn với cuộc sống riêng với những xô bồ, lo toan, vất vả… Thế nhưng, ngày Tết Đoan Ngọ, dù ở đâu, làm gì, cũng đừng quên ăn bánh Nẳng với đường mật. Đó không chỉ là thưởng thức một nét văn hoá ẩm thực cổ truyền, mà còn là lưu giữ một phong tục đẹp của ông cha.

     Bánh Nẳng làng Dòng – Món quà đặc sản chứa đựng tình cảm quê hương, mang cái hồn mộc mạc của con người Đất Tổ từ một ngôi làng còn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, làng nghề truyền thống từ thời đại các Vua Hùng dựng nước.

Bài và ảnh: Bích Ngọc- Trung tâm TTXT Du lịch

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.