Đền thờ Bát Nàn Đại tướng quân

  • Vài nét về vùng đất Phượng Lâu

       Theo các cụ già truyền tụng lại, Phượng Lâu xưa kia là nơi vùng núi đồi rậm rạp, dân cư thưa thớt, nhưng đất đai vùng ven sông Lô màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi và trồng lúa nước. Từ nhóm người đầu tiên, dần dần, dân ở nhiều nơi tụ về phát triển thành làng mạc sầm uất như hiện nay.

      Theo truyền thuyết, vua Hùng đi kinh lý qua miền đất đắc địa này bèn dựng hành cung. Từ đó miền quê này gọi là đất Thượng Lầu. Về sau gọi chệch đi thành đất Phượng Lâu. Miền quê này là nơi lắng đọng phù sa của dòng Lô Giang. Tiếp nối mạch nguồn Nghĩa Lĩnh tạo nên miền địa linh. Những di chỉ khảo cổ học nổi tiếng như di chỉ Gò Hào (Quất Thượng), di chỉ Đồi Giàm (Lâu Thượng) gần nơi này, cùng với nhiều  di chỉ các nhà khảo cổ học đã khai quật được ở vùng quê Việt Trì đã chứng minh điều đó. Vì vậy ta có quyền khẳng định Phượng Lâu thuộc miền quê ngàn năm văn hiến. Miền địa linh đã sinh cho dân tộc một vị tướng quả cảm – Đại tướng quân Bát Nàn(tên thật: Vũ Thị Thục Nương) vang vọng trong trang sử hào hùng của dân tộc ta từ thủa đầu công nguyên.

  • Trang sử hào hùng về Đại tướng quân Bát Nàn

       Đại tướng quân Bát Nàn- tên thật Vũ Thị Thục Nương ( thường gọi là Thục Nương), sinh ra và lớn lên ở trang Phượng Lâu xưa (nay là thôn Phượng Lâu, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Thục Nương xinh đẹp, nhan sắc của nàng ví như đóa phù dung buổi sáng, nàng lại thông minh lanh lợi, văn võ song toàn, được tôn là “Nữ tiên hạ thế”. Năm 18 tuổi, Thục Nương đính hôn với Phạm Danh Hương (là con vị hào mục cai quản 13 trang ở Nam Chân, bên kia sông, quê chính ở Liệt Trang). Đôi trai tài gái sắc đang chờ ngày cưới thì tai họa ập xuống đầu họ. Vào thời đó, nước ta là thuộc địa của phong kiến phương Bắc, viên quan Thái thú Tô Định (nhà Hán) đang cai trị nước ta vốn tham tiền, háo sắc, lại tàn bạo. Biết tin Thục Nương là cô gái vẹn toàn, Tô Định cho quân lính bắt cha và chồng chưa cưới vào dinh ép buộc phải gả Thục Nương cho hắn. Bị cự tuyệt, Tô Định tìm cách giết hại cha và Phạm Danh Hương sau đó cho quân về lùng bắt Thục Nương.

     Được dân làng che chở, Thục Nương cùng vài người thân chạy thoát ra sông Hồng, họ vội lên thuyền xuôi mãi. Vài ngày sau họ dừng thuyền ở vùng đất Tiên La, thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tại đây, bà đã lập căn cứ, tụ cờ khởi nghĩa, tổ chức cho nhân dân phát triển nông nghiệp, xây dựng lực lượng vững chắc. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã cho người về khuyến dụ hợp sức, bà đã cùng các tướng lĩnh kéo quân về Mê Linh dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Hán. Đất nước độc lập không lâu thì đến tháng 4 năm 42 sau Công nguyên, giặc Hán lại đem quân xâm chiếm nước ta, Hai Bà Trưng cùng nhiều tướng sỹ đã hy sinh anh dũng. Sau trận Cẩm Khê thất thủ, Vũ Thị Thục đem quân về cố thủ ở Tiên La Trang để tiếp tục kháng chiến. Tháng 8 năm 43 sau Công nguyên, giặc Hán đem quân đánh căn cứ, nghĩa quân đã chống trả quyết liệt, Vũ Thị Thục đã rút gươm tuẫn tiết tại gò Kim Quy.

      Ghi nhớ công lao của Bát Nàn tướng quân, nhân dân Tiên La đã lập đền thờ để các thế hệ cháu con hương khói, tưởng nhớ nữ tướng anh hùng của dân tộc.

  • Di tích Đền thờ Bát Nàn đại tướng quân

      Đền toạ lạc trên thế tựa sơn, đạp thuỷ. Lưng đền tựa vào vùng đất cao về phía Nam Tây Bắc. Cửa đền nhìn về hướng Đông Nam. Nơi ấy có dòng Lô Giang nặng phù sa, quanh năm dạt dào con nước. Bên trái và bên phải đền là làng mạc trù phú của xã Phượng Lâu. Phí trước đền là ngã ba Bạch Hạc, Việt Trì – nơi hội tụ của ba dòng: sông Lô, Sồng Đà, Sông Thao. Theo quan niệm phong thuỷ đó là nơi tụ thuỷ tích phúc sinh nhân kiệt.

     Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, khi vừa nghe tin Người hy sinh ngoài  trận tiềm, nhân dân Phượng Lâu vô cùng thương tiếc vị nữ tướng anh hùng, bảo nhau góp công, góp sức xây nơi thờ tự cho Người. Ban đầu chỉ là ngôi miểu nhỏ bằng tranh tre, nứa lá. Miếu an toạ ở vị trí đền ngày nay. Sau một thời gian, miếu được xây lại thành đền to hơn bằng đá ong và lợp ngói tại vị trí ngoài gốc đa cổ thụ (gần bờ sông hơn). Thời xa xưa ấy cách ngày nay khoảng 2000 năm. Trải qua sự tàn phá của thời gian và thăng trầm lịch sử, ngôi đền bị mai một. Năm 1975, ngôi đền được dân làng rước vào xây dựng lại trên nền thiêng của ngôi miếu cổ. Qua nhiều lần tu bổ mới được khang trang như ngày nay.

      Đền có kiến trúc một gian hai chái tạo thành hình chữ nhất. Khung đền được làm bằng bê tông cốt thép, tường xây bằng đá thật vững. Mái đền xây theo kiểu chồng diêm hai tầng, tám mái.  Từ xa nhìn lại, toà đền tựa như một đoá sen khổng lồ với những đầu đao cong vút vươn trong không gian, ẩn hiện dưới bóng đa thật ngoại mục. Lòng đền rộng  khoảng 45 m2  thờ dọc, cửa đền đi từ phía đầu đốc vào. Đền nhỏ về kích thước nhưng  thăm thẳm về tâm linh cõi Thánh. Bước qua cửa vào khoảng trống nhỏ là nơi hành lễ. Tiếp đến là án gian sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trên án gian đặt một bát hương cổ và đồ lễ thờ cúng. Trong cùng sát tường là một bệ thờ. Phía trên đặt khám thờ hình bát giác bằng gỗ tứ thiết, chạm khắc tinh xảo, sống động. Trong khám có tượng nữ đại tướng quân Bát Nàn bằng đá, hai bên khám đặt giá kiếm, trống trận, trống đồng. Đó là các vật dụng khi đương thời Bát Nàn tướng quân dùng trong sinh hoạt và trong việc tiến quân đánh giặc. Phía trên sát mái là bức đại tự khắc bốn chữ Hán “Vạn cổ phúc thần” do vua Lê Thánh Tông ban tặng.

1-25

Gian ngoài là nơi hành lễ tại Đền Bát Nàn

      Ngôi đền nhỏ trở thành điểm tựa tâm linh của đông đảo nhân dân trong vùng. Đến nay, trong đền vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật như ống hoa, mâm bồng, bát đĩa, bình vôi, bát hương có niên đại từ thế kỷ XIX, XX. Năm 2009, Đền Bát Nàn được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

  • Cây đa nghìn năm tuổi trước cửa Đền thờ Bát Nàn đại tướng quân

      Tại Đền Bát Nàn có hai cây đa cổ thụ, trong đó có một cây được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản vào năm 2014. Cây quý ở chỗ đã hàng ngàn năm tuổi nhưng chưa có biểu hiện già nua, vẫn bốn mùa xanh tươi. Rễ đa toả ra sum suê bám chặt vào đất tạo thế thâm nghiêm, vững chắc như thách thức với thời gian, với phong sương tuế nguyệt và thăng trầm lịch sử. Những cành đa vươn dài, cánh lá xoè ra như bàn tay khổng lồ che chở, nâng đỡ ngôi đền Bát Nàn cổ kính, uy linh.

2-9

Hai cây đa cổ thụ bên cạnh đền

  • Lễ hội Đền Bát Nàn

      Hàng năm, vào ngày 18 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ của Người) và ngày 15 tháng 8 âm lịch (ngày sinh của người), dân làng Phượng Lâu lại tổ chức tế lễ để tuởng nhớ công lao của bà với nhiều tích trò có ý nghĩa đặc sắc như: hát xoan, bơi chải, kéo co, đập niêu, đầu cờ…. Lễ hội chỉ được tổ chức vào năm chẵn thật long trọng, uy nghiêm, đoàn kết.  Đây là một trong những hoạt động thế hiện đặc điểm chung của vùng dân cư sinh tụ ở cạnh các nguồn nước lớn, là dịp ôn lại truyền thống văn hóa, lịch sử, là hoạt động thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” với các bậc danh nhân của đất nước trên quê hương Phượng Lâu giàu truyền thống văn hóa.

                        Bài và ảnh: Phương Thảo- Trung tâm TTXT Du lịch

 

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.