Một ngày trên đầm Vân Hội

05-1503629498
Tham quan trên hồ và cảm nhận nhịp sống thanh bình của người dân địa phương.

Đến đầm Vân Hội thuộc khu vực xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa vào một ngày nắng thu rực rỡ, không cần cầu kỳ hành trang, khăn áo, không thưởng thức đặc sản địa phương, cá nước chim trời, chỉ đơn thuần ngắm cảnh, đóng vai làm một nông dân chăm sóc trang trại ven bờ hay ngư dân trên thuyền đánh cá và chiêm ngưỡng những thành quả từ sức lao động của con người nơi ấy cũng đã là một trải nghiệm khó quên…

Rạng đông, mặt nước trên đầm mờ ảo hơi sương, đầm nước mênh mông giữa lúc tranh tối tranh sáng chưa rõ mặt người, chỉ nghe xa xa, loáng thoáng tiếng động cơ thuyền máy, tiếng cười nói của người dân về bến với những bó rong to làm thức ăn cho cá chất đầy trên thuyền; những người khác tay liềm, tay dao xuống thuyền ra đảo chăm sóc đồi cây… mọi người đều tất bật chuẩn bị công việc cho một ngày mới bắt đầu.

Các dòng suối lớn như: Ngòi Vần, ngòi Lĩnh, ngòi Chanh, ngòi Hạ… dồn nước từ các khu rừng nguyên sinh về đầm Vân Hội làm cho đầm có diện tích lên tới 410ha mặt nước với trên 40 đảo lớn, nhỏ bốn mùa cây cối tốt tươi. Nước xanh ngắt và trong như viên ngọc, là nơi sinh sống của hàng trăm loài sinh vật. Cây xanh trở thành nơi trú ngụ cho nhiều loài chim bản địa, chim di trú về các đảo của đầm. Đầm Vân Hội có đóng góp quan trọng vào việc cải tạo và điều hòa môi trường trong khu vực, làm giảm nhiệt độ mùa nắng, tăng độ ẩm tuyệt đối vào mùa khô, duy trì thảm thực vật xanh tốt, lượng phù du lớn khiến cho đầm có rất nhiều cá. Chính khung cảnh đầm nước mênh mông hòa với núi non hùng vĩ, khiến đầm Vân Hội được ví như một thiên đường xanh thu nhỏ.

Chúng tôi chưa xuống thuyền ngay vì ông chủ đò đi vắng; trong lúc chờ đợi, đồng chí cán bộ xã Hiền Lương làm “hướng dẫn viên” đưa chúng tôi tới tham quan vài mô hình trang trại của người dân địa phương. Điển hình cho việc phát triển trang trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã phải kể tới trang trại của cựu chiến binh Lê Đức Thọ. Ông Thọ mạnh dạn nhận thầu và đầu tư xây dựng dải đất giáp ranh rộng hơn 50ha giữa hai tỉnh Phú Thọ – Yên Bái để trồng rừng. Dưới thung lũng, giữa những đồi cây keo lai, bồ đề, bạch đàn… xanh tốt, ông xây dựng một trang trại với hệ thống ao thả cá và hệ thống chuồng nuôi lợn rừng, gà, vịt… 

Một lán nhỏ nhô ra bờ ao, dưới bóng những cây sung, cây ngõa chi chít quả ở thân, ở gốc, người “đồng đội” của tôi thích thú với trò câu cá của các “công nhân” ở trang trại của ông Thọ. Khác với tất cả những hình thức câu cá mà tôi từng được thấy, ở đây chỉ đơn giản là một nắm thức ăn cho cá được thả xuống mặt ao, đàn cá nhao nhao khuấy động mặt nước, một viên cám móc vào lưỡi câu, thả và cố gắng giữ cần sao cho viên cám nổi lập lờ ở mặt nước, chỉ vài giây đến một phút là cá đã cắn câu và tiếng cười, tiếng nói lại râm ran.

Trong trang trại này, nhiều loại cây, con giống được ông Thọ mạnh dạn đầu tư, thử nghiệm. Với một nắm lá rau ngót, chúng tôi “lừa” mấy chú đà điểu háu ăn chạy vòng quanh chuồng; đàn lợn rừng vài tuần tuổi kêu ầm ĩ đòi ăn khi nghe tiếng nói quen của ông Thọ. Ao cá lớn sau nhà vẫn phẳng lặng cho tới khi ông Thọ làm một động tác quen thuộc, dìm một nửa xô cám xuống ao và gõ chiếc gáo nhựa vào thành xô. Ngay sát ao cá là vườn ổi, những cây ổi cao chưa quá đầu người, thân mới to bằng ngón tay cái đã cho quả to áng chừng cũng bằng nắm tay người lớn, hứa hẹn sẽ cho một mùa quả bội thu…

Trở lại đập kè ngòi Vần, bến đò vắng vẻ dưới gốc một cây doi chi chít những quả, chúng tôi nhanh bước theo sau “ông lái” đã 83 tuổi những vẫn dẻo dai, nhanh nhẹn. Ông làm nghề lái đò ở đây hơn 30 năm nên dạn dày kinh nghiệm và thuộc làu từng đảo, từng ngách của đầm Vân Hội. Cầm chiếc tay quay chữ Z thong thả bước xuống bến nhưng ông chưa lên thuyền ngay mà dừng lại quan sát chiếc thuyền, mặt nước, mây gió… rồi mới dẫn khách lên thuyền. Bằng một động tác đẹp mắt và thành thục tới hoàn hảo, anh “hướng dẫn viên” của chúng tôi nhanh tay với chiếc sào dài gác trên mái thuyền đẩy lùi chiếc thuyền ra khỏi bến. Mặt nước phẳng lặng, không gian yên tĩnh trở nên lay động, lao xao khi thuyền rẽ sóng đưa chúng tôi hướng ra giữa đầm. Trên hành trình, ông lái khéo léo điều khiển con thuyền tránh những cọc tre, đám bèo bởi chúng đều có tác dụng riêng với người dân nơi đây. Cọc tre đánh dấu vị trí nước sâu để tới mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, những lồng cá sẽ được chuyển tới đây tránh rét cho cá nuôi và trong mỗi đám bèo ấy, người ta đặt hàng chục những lưỡi câu kiểu “chùm nho” để bắt cá tự nhiên trong đầm…

Tháng Tám, mặt trời chiếu những tia nắng vàng rực rỡ. Thấp thoáng bóng mây trắng cao xa vời vợi khiến mặt đầm cũng vì thế mà trong, xanh hút mắt. Những ngôi nhà, rừng cây nghiêng nghiêng soi bóng trên mặt nước. Ông lái đò chia sẻ: “Khu vực này là một hệ nước sâu, rộng nên rất nguy hiểm nếu lỡ sa chân, tuy nhiên dưới bàn tay lao động cần cù trong nhiều năm, những người dân nơi đây đã biến đầm Vân Hội thành nơi trù phú cho con người canh tác và lấy đó làm kế sinh nhai…”. Và giờ đây, trước mắt chúng tôi, đầm đã trở thành bức tranh tuyệt đẹp cho những tâm hồn yêu thích sự tự do, khám phá đó đây. 

 

04-1503629540

Nhờ tích cực đưa các loại cây, con giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, đời sống của người dân Hiền Lương đã được nâng lên.

Gần trưa, thuyền của chúng tôi tới trước một vùng sen, sen ở đầm Vân Hội thường nở muộn nên khi các nơi khác hoa phai, cánh rụng mới bung sắc, tỏa hương. Giữa khung cảnh mênh mang, thoáng đãng, hương sen thoang thoảng cho tâm hồn nhẹ nhõm. Chị Liên, một người dân địa phương cho biết: “Vào mùa tới, nhân dân sẽ trồng thêm nhiều sen để phục vụ du khách tới tham quan”. Chúng tôi theo chiếc thuyền chở đầy những bó cỏ to của cô ghé vào thăm đảo liền kề thuộc địa phận xã Hiền Lương. Trên đảo chưa có điện lưới, cũng không có Internet, sóng điện thoại cũng chập chờn, người dân dùng điện từ những chiếc bình ắc quy lớn; ngôi nhà nhỏ bằng gỗ của cô nằm giữa những bụi hoa rực rỡ sắc màu, khiến tôi liên tưởng đến ngôi nhà “đi ra” từ xứ sở cổ tích. Một mình chăm hơn ba chục lồng cá trắm cỏ, mỗi ngày, chị Liên phải cắt khoảng 5-10 bó cỏ cho mỗi lồng. Ở đảo bên cạnh, hàng trăm cây trầm đã trưởng thành có thể cấy hóa chất đang chờ ngày thu hoạch khiến cho những người chủ đảo không khỏi hồ hởi…

Chiều trên đầm, mặt trời đỏ rực rọi xuống làn nước, thi thoảng, lại thấy những đàn chim bay qua, lượn vòng tìm chỗ trú hay bắt đầu kiếm mồi… Nhịp sống buổi chiều tối lại bắt đầu… Dưới bóng hoàng hôn, những tấm lưng vội vàng với từng chiếc thuyền nặng trĩu tất bật trở về bến. Đây cũng là lúc những du khách như tôi có thể tự thưởng thức thành quả của mình. Những bó sen thơm ngát, những thứ quả mang đậm vị quê, những món quà không đâu khác có được… Còn gì tuyệt hơn khi buông bỏ những gánh nặng, nhấm nháp hương vị của đầm Vân Hội, cùng trò chuyện với bạn bè về những gì đã qua, đã học hỏi được và cùng ngắm mọi thứ đang trôi nhẹ từng khoảnh khắc.

Đến với đầm Vân Hội những ngày nắng và gió miên man khắp lối, khi đôi chân đã mệt nhoài với cuộc sống tất bật bôn ba, là một cảm giác lạ, thử cho mình trải nghiệm một ngày làm “ngư phủ” lênh đênh sóng nước trên đầm; giữa lòng một miền quê thanh bình, xuôi theo con thuyền bé nhỏ chiêm nghiệm cuộc sống bình yên cho tâm hồn nhẹ dịu.

(Nguồn: http://baophutho.vn)

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.