Về Thị xã Phú Thọ nhớ bánh tai, sơn mài, cọ ỏm

Thị xã Phú Thọ với bề dày lịch sử truyền thống lâu đời cùng nét văn hóa ẩm thực đa dạng được ví như chiếc cúc vàng đính trên dải lụa ven sông Thao đỏ nặng phù sa, hầu hết du khách khi đặt chân tới thị xã Phú Thọ đều có chung cảm nhận về sự bình yên của cảnh sắc nơi đây, sự thân thiện của những con người gắn bó với mảnh đất quê hương qua nhiều thế hệ, được thưởng lãm thể loại tranh sơn mài truyền thống và những món ngon dân dã như bánh tai, cọ ỏm.

Bánh tai là món ăn từ lâu đã đi vào trong tiềm thức của những người dân nơi đây. Người làm bánh phải dậy từ đầu giờ sớm mang gạo tẻ thơm giã nhuyễn từ chiều hôm trước đem dây qua lọc lại nhiều lần cho bột mịn rồi vo lại thành những khối tròn to gần bằng trái bưởi đưa vào nồi hấp lớn chờ chín tới, lúc này người làm bánh ghế thêm bếp nhỏ dùng chảo phi hành bằng mỡ lợn cho vàng đều, nhân bánh được chọn phải là thịt lợn ngon, ít mỡ, băm nhỏ vừa bằng đầu đũa. Bột bánh sau khi được hấp đem ra cho nhân cùng hành đã phi vàng vào giữa rồi gấp đôi cho giống hình con trai (sau đọc thành bánh tai) lại đem cho vào nồi nấu cách thủy để cho hương vị của vỏ và nhân bánh quyện vào nhau mà cũng là để cho bánh chín hẳn. Khoảng bốn năm giờ sáng bánh được lấy ra dùng lá chuối to bản hơ qua lửa cho mềm rồi bọc vào đó khoảng mươi mười lăm chiếc bánh, cho tất cả vào thúng ủ kín  mang ra chợ bán. Bánh không kén người ăn, giá lại bình dân nên được nhiều người chọn lựa làm bữa sáng, người vùng khác khi tới đây cũng thường mua về làm quà biếu. Ở thị xã Phú thọ giờ còn hai gia đình làm bánh tai gia truyền là bánh tai bà Định gần gốc Đa lịch sử và gia đình Bà Ngải gần chợ phường Hùng Vương.

Img_20210317_100852-1

Anh 2-1

Những thúng bánh tai nóng (Ảnh: Đào Trung Thành)

Trong lòng Thị xã còn có phố tranh sơn mài với rất nhiều sản phẩm sơn mài đẹp. Khi ngắm tranh sơn mài chợt nhớ tới lời họa sĩ bậc thầy Nguyễn Gia Trí tác giả bức tranh sơn mài khổ lớn Vườn xuân Bắc Trung Nam: “Sơn mài là thổ sản của Việt Nam”. Trên thế giới rất ít nơi trồng được cây sơn cho chất lượng và khối lượng nhiều như cây sơn ở nước ta, cây sơn Trung du được trồng chủ yếu ở vùng Tam Nông, Thanh Sơn, Phù Ninh, Cẩm Khê, Thanh Thủy cho chất lượng rất ổn định. Khác với tranh ngoài nước, màu tranh sơn mài ở đây chủ yếu được vẽ bằng ba màu cơ bản là vàng, đen và đỏ.

Đề tài của tranh sơn mài vô cùng đa dạng, có tranh phong cảnh quê hương đất nước con người, tranh chân dung các lãnh tụ, tranh tĩnh vật, tranh chúc tụng, tranh mừng thọ, tranh vẽ về Đền Hùng.

Sản phẩm sơn mài và tranh sơn mài truyền thống không chỉ được người Việt Nam ưa dùng mà các du khách nước ngoài cũng rất thích thú tìm hiểu bởi vẻ đẹp riêng của chất liệu, quy trình làm sơn mài vô cùng khắt khe và mất thời gian, cách làm tranh cũng rất được du khánh quan tâm tìm hiểu sản phẩm sơn mài được làm hoàn toàn thủ công, độc bản, hơn nữa sản phẩm được làm qua nhiều lần sơn rồi mài, rồi sơn rồi mài…mỗi lần mài là một lớp sơn thẩm thấu vào “Vóc”,vào “cốt” nên khi ngắm tranh sơn mài hay đồ dùng sơn mài thấy nhiều tầng nhiều lớp, sâu lắng. Một điều đặc biệt của chất liệu này là người vẽ tranh không tiên liệu trước được sản phẩm của mình. Để có một sản phẩm sơn mài đẹp cần chút may mắn trong nghề. Ngoài ra yếu tố thổ nhưỡng Việt Nam cũng phù hợp với chất liệu này bởi quá trình ủ tranh tuân thủ rất nghiêm ngặt về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm…

Phố tranh bây giờ có những phòng tranh thị trường và còn những họa sĩ già nhận  làm những bức tranh theo kiểu truyền thống,tranh truyền thần, tranh kiểu đặt hàng.

Ngoài bánh tai, sơn mài vùng quê Phú Thọ còn có món ăn rất dân dã và ấm lòng người, tình người đó là món Cọ ỏm. Người xa quê chắc vấn vương nhiều khi nhớ tới câu thơ của một nhà thơ Phú thọ

“Xa Quê ai chẳng ngậm ngùi.

Nhớ nao nao cái ngậy bùi cọ Quê…”

Cây cọ trung du dùng được vào nhiều việc, quả Cọ khi chín được thẩy xuống dùng rá vừa rửa vừa xóc lên cho chợt bớt lớp vỏ chát bên ngoài rồi để cho ráo nước. Nếu có rơm nếp nhóm lửa đun nước cho tới khi đưa bàn tay vào thấy hơi bỏng  thì đổ cọ vào, cho thêm  nhúm nhỏ muối, đậy vung kín lại Ỏm chừng mươi mười lăm phút, Cọ ỏm xong ăn cùng với cơm nắm, muối vừng trong lúc nghỉ trưa dưới những tán Cọ xanh dày là một trong những niềm hạnh phúc bình dị của những người nhà quê. Người  ỏm cọ khéo thường dựa vào kinh nghiệm là chính, không có một công thức cụ thể nào cả, nồi cọ ỏm ngon có một lớp váng mỡ phía trên, thịt cọ ngon có màu vàng nhạt, mỡ màng, vị thơm ngậy bùi.

Những người con xa Quê lúc về thăm gia đình rất thích cùng bầm lên đồi thẩy cọ đem về. Bên bếp lửa  mẹ con nhỏ to chuyện học, chuyện người thương…lúc đi lại mang theo dúm cọ biếu thầy biếu cô, đãi bạn, đãi người thương.

Du khách rất thích được trải nghiệm rừng cọ, lượm được những quả cọ trên tay là niềm vui, phấn khởi và cũng là những câu chuyện thú vị để họ mang về giới thiệu cho bạn và những người thân quý của họ. Hạt cọ cũng có nhiều công dụng, trẻ đi cắt cỏ hay xâu vào thành vòng đeo rất đẹp. Phơi khô đem về đốt cùng quả bồ kết buổi tối đốt thơm thanh mát mà chống muỗi rất hiệu quả.

Đi một vòng quanh Thị xã nhỏ thân thương được thưởng thức những món ngon bình dị, ngắm những bức tranh đẹp luôn là niềm thích thú của nhiều người xa quê hay những du khách lần đầu đặt chân tới nơi đây.  

Trung Thành- Trung tâm TTXTDL

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.