Xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc

10 / 100
TreNguonResort – Ngày 12/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 817/QĐ-TTg phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đồng thời nỗ lực phục dựng và mở rộng không gian các lễ hội văn hóa dân gian, thực hành các di sản văn hoá độc đáo. Qua đó, góp phần đưa Việt Trì trở thành điểm hẹn văn hóa Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Xây Dựng Việt Trì Trở Thành Thành Phố Lễ Hội Về Với Cội Nguồn Dân Tộc

Tạo sức bật từ hạ tầng đồng bộ, văn minh, hiện đại

Để xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, đô thị văn minh hiện đại, thành phố xác định phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế theo hướng bền vững, lấy phát triển thương mại dịch vụ làm động lực; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Chú trọng phát triển theo hướng đô thị xanh, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội; hình thành tư duy văn minh, ứng xử văn hóa trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội.

Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã thực hiện 10 dự án về đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng giao thông phục vụ phát triển văn hóa – du lịch trên địa bàn. Cùng với đó, hạ tầng văn hóa – xã hội được chú trọng đầu tư tương xứng như Khu Di tích văn hóa lịch sử Đền Hùng được quy hoạch mở rộng gần 1.000ha để xây dựng các công trình phục vụ lễ hội Đền Hùng; mở rộng không gian trung tâm lễ hội từ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng – Trung tâm thành phố – Bến Gót, Bạch Hạc.

Nhiều khu vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại, công trình văn hóa như: Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang, Trung tâm thương mại BigC, Vincom, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn – Phú Thọ; chợ thành phố và các tuyến phố đi bộ khu vực Quảng trường Hùng Vương, phố ẩm thực đường Nguyễn Du, đường Tiên Dung… được xây dựng đưa vào sử dụng. Việc chỉnh trang làm đẹp đô thị cũng được quan tâm bằng việc đầu tư khớp nối các tuyến đường, hạ tầng khu dân cư, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, góp phần làm cho bức tranh đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.

Thành phố cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn, xây dựng phong cách công dân thành phố Việt Trì thanh lịch, mến khách, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người đất Tổ; lựa chọn 3 phường là Nông Trang, Thọ Sơn, Thanh Miếu xây dựng điểm các tuyến đường, tuyến phố trật tự văn minh đô thị. Các xã, phường và người dân trên địa bàn thành phố cũng nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu trong quá trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Xây Dựng Việt Trì Trở Thành Thành Phố Lễ Hội Về Với Cội Nguồn Dân Tộc

Ông Nguyễn Đức Trung – Bí thư Đảng ủy phường Nông Trang cho biết: Để xây dựng Việt Trì trở thành đô thị văn minh, văn hóa, thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, chúng tôi đã ban hành kế hoạch xây dựng các tuyến phố, tuyến đường điểm văn minh đô thị để nhân ra diện rộng thực hiện. Chỉ đạo 28 chi bộ trực thuộc phát huy vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong việc tuyên truyền, vận động để mỗi chi bộ là hạt nhân trong thực hiện kế hoạch của thành phố. Nhiều phong trào thi đua như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuyến đường văn minh sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, “Năm không ba sạch”, “Con đường tự quản”, “Phân loại rác thải tại nhà”, các chương trình an sinh xã hội… khi phát động đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ cao của toàn thể nhân dân trên địa bàn phường.

Bà Nguyễn Thị Lập, phường Nông Trang phấn khởi chia sẻ: So với nhiều năm trở về trước, Việt Trì hôm nay thực sự mang dáng dấp của một đô thị văn minh, văn hóa, hiện đại và đáng sống. Là công dân của thành phố, tôi cảm thấy rất tự hào và tự thấy cần phải có trách nhiệm hơn để chung tay xây dựng thành phố ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp, văn minh.

Phục dựng và mở rộng không gian lễ hội truyền thống

Thành phố Việt Trì hiện có 117 di sản văn hóa vật thể thuộc 4 loại hình (di tích lịch sử – danh nhân, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích văn hóa – kiến trúc tôn giáo, di tích khảo cổ học) và 52 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 5 loại hình (lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống). Đến nay có 54 di tích và cụm di tích đã được xếp hạng bao gồm: 1 di tích xếp hạng cấp đặc biệt Quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 40 di tích xếp hạng cấp tỉnh thuộc 4 loại hình: Di tích khảo cổ; di tích lịch sử; di tích kiến trúc nghệ thuật; danh lam thắng cảnh.

Bên cạnh Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng thì nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố đã được đầu tư tôn tạo và sử dụng hiệu quả như: đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình Bảo Đà (phường Dữu Lâu), đền Tam Giang và chùa Đại Bi (phường Bạch Hạc), đình Cổ Tích (xã Hy Cương), khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Chu Hóa), đình Ngoại Lâu Thượng (xã Trưng Vương), các di tích liên quan đến di sản Hát Xoan (Miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Kim Đới, Đình Thét)… Những di sản văn hóa vật thể được gìn giữ, đầu tư, tôn tạo chính là gìn giữ không gian thực hành cho các di sản văn hóa phi vật thể.

Xây Dựng Việt Trì Trở Thành Thành Phố Lễ Hội Về Với Cội Nguồn Dân Tộc

Cùng với chú trọng công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di sản văn hoá với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, thành phố đã xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để gìn giữ, bảo tồn di sản Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đặc biệt là hệ thống các lễ hội gắn liền với di tích. Các lễ hội truyền thống với mục tiêu gắn lễ hội với phát triển du lịch được nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả. Hoạt động lễ hội đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách, tạo nên khí thế vui tươi phấn khởi trong cộng đồng, tiêu biểu như: Lễ hội cướp bông ném chài đền Vân Luông (phường Vân Phú), Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa (phường Minh Nông), Lễ hội Bơi chải mở rộng, Lễ hội Bơi chải truyền thống trên Sông Lô, nghi thức rước nước tại ngã ba Hạc, tín ngưỡng thờ Mẫu đền Tam Giang (phường Bạch Hạc), Lễ hội rước kiệu làng Hùng Lô (xã Hùng Lô), Lễ hội Hát Xoan (Kim Đức, Phượng Lâu…)…

Nhằm khơi dậy niềm tự hào trong nhân dân về truyền thống con Lạc cháu Hồng; thể hiện lòng tôn kính, tri ân công đức tổ tiên, hằng năm, thành phố Việt Trì chú trọng và duy trì tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian đường phố, Hội thi trình diễn xe mô hình, hội thi Bơi Chải Việt Trì mở rộng, đêm hội rước đèn “Kinh đô Văn Lang, trăng rằm tỏa sáng”… với quy mô hoành tráng, tạo ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân và du khách thập phương.

Là vùng đất có nhiều di sản văn hóa, Việt Trì đã khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là những di sản để tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa. Một số di tích đang trở thành những sản phẩm du lịch – văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp vào phát triển du lịch và kinh tế – xã hội. Thành phố cũng tổ chức nhiều không gian văn hóa mở như: Xem và học biểu diễn Hát Xoan làng cổ; tìm hiểu về làng nghề truyền thống làm bánh Chưng – bánh Giầy. Sản phẩm du lịch “City tour Việt Trì” mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, mang tính chiều sâu về văn hóa, tín ngưỡng tâm linh thờ Hùng Vương, thưởng thức Hát Xoan và đời sống cư dân vùng đất cổ nhằm giúp đồng bào và du khách có thêm nhiều trải nghiệm về nét văn hoá của vùng đất Tổ cội nguồn.

Ông Nguyễn Tiến Đức – Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: Với tài nguyên văn hóa, lịch sử dồi dào, UBND xã Hùng Lô đã tập trung chỉ đạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, danh thắng phục vụ phát triển du lịch. Du khách đến Hùng Lô không chỉ được tham quan ngôi làng cổ, trải nghiệm và thực hành trình diễn hát Xoan trong không gian tại đình Hùng Lô mang cảm giác không gian văn hóa đặc trưng, mà còn được ghé thăm làng nghề làm mỳ và bánh đa được sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống.

Tại hội nghị tổng kết nhiệm vụ chính trị năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Việt Trì cần xây dựng thành phố trật tự, kỷ cương, đô thị văn minh, văn hóa; trong đó, lấy con người là trung tâm để xây dựng phong cách công dân thành phố Việt Trì thanh lịch, mến khách, thân thiện, giầu tính nhân văn trong giao tiếp, ứng xử, mang đậm tình người Đất Tổ. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà thành phố Việt Trì đã và đang hướng tới để góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Qua đó, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo thời kỳ Hùng Vương dựng nước, xứng đáng với vị thế Kinh đô Văn Lang – Kinh đô đầu tiên của nước Việt.

TRẢI NGHIỆM NGAY PHƯƠNG PHÁP MASSAGE TRỊ LIỆU GIÚP CHĂM SÓC SỨC KHỎE HIỆU QUẢ

Xây Dựng Việt Trì Trở Thành Thành Phố Lễ Hội Về Với Cội Nguồn Dân Tộc
Trải Nghiệm Ngay

Phương pháp trị liệu kết hợp tắm nước khoáng nóng với xoa bóp bấm huyệt theo y học cổ truyền Việt Nam được xem là một trong những phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Tắm nước khoáng nóng giúp mở rộng các giác quan, giảm căng thẳng và tăng cường sức đề kháng. Trong khi xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên cơ xương khớp, giúp giảm đau và tăng sức mạnh cho các khớp, từ đó giảm bớt các triệu chứng bệnh xương khớp. Hãy đến Tre Nguồn Resort để trải nghiệm phương pháp trị liệu này và cải thiện sức khỏe của mình!


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.