Nằm trên đường Trần Phú, bên bờ hồ công viên Văn Lang – trung tâm của thành phố Việt Trì – Bảo tàng Hùng Vương được ví như một “cuốn sử bằng hiện vật” thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và khám phá các giá trị độc đáo, riêng có về lịch sử, văn hóa của vùng đất Tổ cội nguồn.
Bảo tàng Hùng Vương được đặt ở vị trí trung tâm của kinh đô Văn Lang xưa bởi thế nó mang trong mình cả một kho tàng lịch sử, văn hóa đồ sộ với hơn 12.000 hiện vật gốc. Trong số đó Bảo tàng lựa chọn 2000 hiện vật đẹp, độc đáo mang giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ cao để trưng bày trong không gian trưng bày của mình với 3 nội dung chính: trưng bày cố định; trưng bày chuyên đề và trưng bày ngoài trời. Trong đó quan trọng nhất là phần trưng bày cố định được thiết kế hiện đại kết hợp hài hòa giữa hệ thống hiện vật gốc với 49 cụm mỹ thuật trải dài theo 5 chủ đề (Thiên nhiên, con người Phú Thọ; Phú Thọ thời kỳ tiền sử và sơ sử; Phú Thọ trong thời kỳ Bắc thuộc và xây dựng quốc gia phong kiến tự chủ; Lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Phú Thọ; Phú Thọ trong công cuộc đổi mới) giúp người xem có được cái nhìn toàn diện nhất về lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh Phú Thọ từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến ngày nay và những nét đặc trưng về văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân vùng Đất Tổ.
Du khách tham quan Bảo tàng Hùng Vương (Ảnh: Sưu tầm)
Với vai trò là “sứ giả lịch sử” Bảo tàng Hùng Vương mang trong mình không chỉ sự phong phú và đồ sộ về số lượng hiện vật mà ẩn trong đó là giá trị lịch sử, văn hóa hết sức độc đáo mang đậm bản sắc nguồn cội của vùng đất cội nguồn. Bản sắc nguồn cội đó đã được Bảo tàng Hùng Vương chọn làm chủ đề tư tưởng chính cho toàn bộ không gian trưng bày của mình.
Đến với Bảo tàng Hùng Vương điều tạo sự khác biệt và gây ấn tượng đầu tiên với mỗi du khách đó là bức tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ được đúc bằng đồng thau, cao 5,2 m sừng sững, uy nghi đặt trang trọng giữa gian khánh tiết. Sở dĩ Bảo tàng Hùng Vương chọn hình tượng Cha Rồng – Mẹ Tiên là chủ đề tư tưởng xuyên suốt cả hệ thống trưng bày bởi đây là hình tượng mang dấu ấn nguồn cội thể hiện ước vọng ngàn đời về sự cố kết cộng đồng, hình thành biểu tượng về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời đây cũng là minh chứng rõ nét nhất khẳng định Phú Thọ là nơi đất gốc, là cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Điểm nhấn riêng có nữa mà du khách có thể thấy ở Bảo tàng Hùng Vương đó là không gian trưng bày các hiện vật khảo cổ học thời kỳ tiền – sơ sử. Với thế mạnh là vùng đất cổ, Phú Thọ có một hệ thống các di tích khảo cổ học xuyên suốt từ giai đoạn văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn với hàng vạn hiện vật được tìm thấy trong các di tích khảo cổ học. Trong kho tàng hiện vật khảo cổ đó nổi bật lên bộ sưu tập Nha Chương bằng đá ngọc – nó được ví như chiếc Quyền Trượng dùng để điều động quân đội hay lệnh bài biểu trưng cho quyền lực của vị thủ lĩnh, là báu vật của một bộ lạc tồn tại ở giai đoạn đầu của nền văn hóa Phùng Nguyên. Đây là một sưu tập hiện vật quý hiếm bởi tính đến thời điểm hiện nay Nha Chương mới chỉ được phát hiện ở tỉnh Phú Thọ tại 2 di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên và Xóm Rền. Số lượng Nha Chương được phát hiện tới nay chỉ có 08 chiếc trong đó Bảo tàng Hùng Vương hiện đang lưu giữ 04 chiếc. Sự có mặt của những chiếc Nha Chương ở vùng đất cội nguồn của dân tộc càng chứng minh cho chúng ta thấy từ buổi bình minh của đất nước xã hội người Việt cổ đã hình thành một số thủ lĩnh có quyền lực chi phối một cộng đồng người, nhen nhúm các tiền đề phân hóa xã hội để hình thành nên nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương trên vùng Đất Tổ.
Đến với Bảo tàng Hùng Vương du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo và độc đáo của bộ sưu tập Nha Chương này.
Sưu tập Nha Chương (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hùng Vương)
Một minh chứng xác thực nữa khẳng định sự tồn tại của con người trên vùng đất Văn Lang xưa là có thật đó chính là hai ngôi mộ cổ có niên đại cách ngày nay 4000 năm được phát hiện tại di chỉ khảo cổ học xóm Rền – xã Gia Thanh – huyện Phù Ninh. Hai ngôi mộ cổ này được Bảo tàng Hùng Vương đặt trong tổ hợp trưng bày “Bí mật ngôi mộ cổ” tái hiện lại địa tầng tự nhiên hết sức sống động giống như hiện trường khai quật giúp người xem như được trở về với không gian văn hoá cách đây 4000 năm, tìm hiểu những nét đặc sắc trong đời sống vật chất và tinh thần cư dân văn hóa Phùng Nguyên thông qua những thước phim sống động và tận mắt khám phá bí ẩn phía sau 2 ngôi mộ cổ. Đây là không gian trưng bày khơi dậy tính tò mò muốn được khám phá nhất mà du khách không thể bỏ qua khi đến với Bảo tàng Hùng Vương.
Cùng với những bằng chứng khảo cổ, sự tồn tại của các tộc người trên vùng đất Phú Thọ cũng là minh chứng rõ nét cho bản sắc nguồn cội được Bảo tàng Hùng Vương lựa chọn giới thiệu tới khách thăm quan trong không gian trưng bày về văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Du khách có thể dễ dàng nhận thấy điều này qua tổ hợp trưng bày về văn hóa dân tộc Kinh và văn hóa dân tộc Mường – đây là hai dân tộc có nguồn gốc bản địa hiện vẫn còn giữ được khá nhiều những phong tục tập quán và dấu ấn của người Việt cổ thể hiện qua gian thờ tổ tiên của người Kinh, gian bếp của người Mường hay trang phục, đồ dùng sinh hoạt của họ…
Tổ hợp trưng bày văn hóa dân tộc Mường tỉnh Phú Thọ
( Ảnh tư liệu Bảo tàng Hùng Vương)
Và còn nhiều nữa những hiện vật, những bộ sưu tập hiện vật độc đáo được Bảo tàng Hùng Vương lựa chọn trưng bày phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá về lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ của các nhà nghiên cứu, khách tham quan trong và ngoài nước. Tất cả được đặt trong một công trình kiến trúc hết sức ấn tượng được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn Bắc Bộ vừa mang nét hiện đại vừa mang dáng dấp truyền thống đặc trưng của văn hóa Đông Sơn với bộ mái hình thuyền dốc 4 phía dán ngói đỏ, xung quanh có hàng cột chống trụ tròn, cao thanh thoát và cầu thang lên đặt ở mặt trước nhà, các họa tiết hoa văn trang trí trong Bảo tàng cũng đều lấy cảm hứng từ các họa tiết cổ trên trống đồng Đông Sơn, trên đồ gốm hay trên trang phục của người Việt Cổ: hình mặt trời, chim hạc, hoa văn kỷ hà, sóng nước… tạo nên cho Bảo tàng Hùng Vương một diện mạo bề thế mà trang nhã nổi bật trong hệ thống kiến trúc đô thị của thành phố Việt Trì và được đánh giá là một trong những bảo tàng đẹp và hiện đại nhất khu vực các tỉnh phía Bắc.
Ấn tượng về kiến trúc – Phong phú về nội dung trưng bày – Độc đáo về hiện vật – Mang đậm bản sắc nguồn cội đó là những điểm tạo nên sự khác biệt giữa Bảo tàng Hùng Vương với các bảo tàng khác, trở thành một điểm đến không thể thiếu cho du khách mỗi khi có dịp về thăm miền quê di sản Phú Thọ./.
Nguyễn Mai Thoa – PGĐ. Bảo tàng Hùng Vương