Sang thu, tiết trời vùng cao chớm lạnh. Những mái nhà sàn xam xám của đồng bào Thái nhòe đi trong màu sương bàng bạc của núi rừng. Về trưa, nắng bắt đầu hồng dần trên những nương lúa, nương ngô, rồi đỏ ửng trên đôi má những cô gái xuống suối bắt rêu.
Muốn ăn rêu sạch, non phải chọn nơi nước suối chảy xiết, có nhiều tảng đá to (nơi rêu bám vào để phát triển). Rêu được “bắt” thành từng dây dài, tùy từng khúc suối sâu hay nông mà có màu xanh lục hay xanh non. Rêu được bỏ vào rổ, giặt qua nước suối nhằm loại bỏ cát hoặc chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, có mặt bằng phẳng rồi dùng một khúc gỗ to để đập. Sơ chế rêu cũng đòi hỏi phải có tính kiên nhẫn vì phải giặt và đập rêu tới vài lần mới sạch. Cả một rổ rêu đá lúc này chỉ còn đủ dùng trong một bữa. Màu rêu đá xanh đậm, sờ vào mềm và mát như lụa.
Rêu đã làm sạch được tẩm ướp gia vị. Đó là tỏi thái mỏng, muối, mì chính, cộng thêm hành và chút mỡ lợn rồi trộn đều, dùng lá dong gói thành nhiều lớp buộc chặt lại. Thông thường món ăn này được làm vào buổi tối vì đó là lúc có mặt đông đủ mọi thành viên trong gia đình. Bên bếp lửa bập bùng, họ vừa nấu cơm, vừa vùi rêu vào than hồng. Lớp lá dong bén lửa bốc lên mùi cay cay, thơm thơm.
Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen, họ mới bóc từng lớp lá ra. Mùi tỏi và hành quyện với mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng. Rêu giờ đây giống như món tảo biển có vị ngầy ngậy, mềm mềm, ngon mà không ngấy.
Đến với vùng núi cao Tân Sơn, nói tới ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc, người ta thường nghĩ tới món thịt chua làm từ lợn lửng hay món cơm nếp nương thơm khắp cả gian nhà, mà ít ai nghĩ rằng món rêu đá – món rau bình dị nhưng cũng thật lạ chính là nét độc đáo, ít nơi có được.