Thiên Cổ Miếu Thờ thầy giáo thời Hùng Vương

3Pxlx25H

             Việt Trì là kinh đô Văn Lang của thời Hùng Vương, thôn Hương Lan thuở xưa gần cung điện Lầu thượng, Lầu hạ của Vua Hùng, ngày nay thuộc xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

            Ở Hương Lan có ngôi miếu cổ, trước cửa miếu, hai bên là hai cây táo cổ thụ, to, cao ước đoán trên ngàn năm tuổi. Bên trong miếu, chính giữa là bức hoành phi vời dòng chữ đại tự: 88224Ba30165E13Bb874-2  – Thiên cổ miếu, nghĩa là miếu có từ ngàn xưa. Hai bên là đôi câu đối:

Hùng Lĩnh trung chi thắng tích

Nam thên chính khí linh từ

            Tạm dịch:     – Di tích ở Hùng Lĩnh (Đền Hùng) là trung tâm của cả nước không nơi nào sánh nổi

                                 – Chính miếu này là khí thiêng cả trời Nam (Nên hiểu trí tuệ là cái tinh tuý là linh khí tiêu biểu của cả nước Nam).

           Câu đối này đã nêu bật ý nghĩa, vị trí tầm vóc của ngôi miếu.

           Trên bệ cao là hai pho tượng, sơn son thếp vàng, đó là tượng nhà giáo Vũ Thê Lang và vợ của thầy là Nguyễn Thị Thục. Dưới là hai pho tượng nhỏ hơn: Ngọc Hoa công chúa, Tiên Dung công chúa, con gái Hùng Vương thứ mười tám, đầu đội mũ lông chim công. Căn cứ vào những nét điêu khắc hai pho tượng này được tạc vào thời Lý – Trần, cách ngày nay ngót ngàn năm. Đây là hai học trò yêu quý nhất của ông bà. Dưới là hai pho tượng nhỏ: Tiên đồng, Ngọc nữ theo hầu hai công chúa. Trong miếu có ba bát hương cổ bằng đất nung, hoa văn đẹp, giống hoa văn khắc trên trống đồng. Tất cả điều đó nói lên ngôi miếu này được dụng lên từ lâu đời. Nhân dân địa phương trải qua các thế hệ vẫn hương khói tu sửa. Ở đây còn giữ được bản Ngọc phả viết bằng chữ Hán trên giấy dó trắng dầy 13 trang do Đông các địa học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nhị niên mạnh xuân nguyệt Cốc nhật (Hồng Phúc năm thứ hai đời vua Lê Anh Tông năm 1573) do sĩ tử Nguyễn sao năm Tự Đức nguyên niên trọng thu (Tự Đức năm thứ nhất mùa thu năm 1848). Trong Ngọc phả nói rõ cha của Vũ Thê Lang là Vũ Công ở Mộ trạch Hải Dương, dòng dõi thi thư. Nguyên văn là: “thi thư sử thế hiếu đễ trì gia”. Nhưng vì không có gia sản, cảnh nhà xơ xác, hai ông bà lên cung thành Văn Lang trú ở ngoại thành, tìm chỗ dạy học làm kế sinh nhai.

           Nguyên văn là: “Cầu dĩ giáo đồng vi hồ khẩu chi kế”. Ông đến trang Hương Lan, làm nhà ở đấy. Hàng ngày ông lấy việc dạy học làm nghề nghiệp – Nguyên văn là: “Nhật dĩ giáo tiểu tập đồng vi nghiệp” ở đó được 3 năm thì dân làng Hương Lan cấp cho một số ruộng “học điền” vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn, cuộc sống no đủ. Hai ông bà sinh được người con trai đặt tên là Thê Lang – Khi trưởng thành Thê Lang tìm đến người quen cũ của cha ở Đông Ngàn Kinh Bắc lấy con gái thứ của ông Nguyễn Công tên là Thục làm vợ. Hai người đưa nhau về Hương Lan tiếp nối nghề của cha mẹ, chăm việc dạy học, cày ruộng, tầm tang và ra sức làm điều nhân nghĩa.

           Ngày 11 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (303 TCN) ông bà sinh được người con trai đặt tên là Rô – hai năm sau sinh một bọc hai con trai.

           Ba người con trai khi trưởng thành đều giỏi giang, văn võ song toàn, Hùng Duệ Vương tuyển dụng, phong làm Đô sỹ. luôn đi sát bảo vệ Vua.

           Ngày 2 tháng 2 năm Quí Dậu(288 TCN) ông bà không ốm mà mất. Ba con trai cùng các học trò và dân trong thôn trang làm lễ chôn cất. Hiện nay mộ phần của của hai ông bà được nhân dân giữ gìn và bảo vệ cẩn thận,

           Như vậy ngay ở thời Hùng Vương thứ 18 đã có gia đình hai đời dạy học, cha dạy học con cũng dạy học, lấy nghề dạy học làm nghề chính. Chúng ta thấy thầy giáo Vũ Thê Lang cra đời dạy học, dạy cho đến hơi thở cuối cùng. Ông chẳng những dạy con em thường dân mà còn dạy cả con Vua Hùng Huệ Vương. Còn vợ ông là bà Nguyễn Thị Thục, tại sao cũng được thờ ở Thiên Cổ Miếu? Có phải chồng được tạc tượng thờ thì vợ cũng được thờ? Bà Nguyễn Thị Thục vốn là con gái Kinh Bắc thạo nghề tầm tang cảnh cửi, về đất Hương Lan bà dạy hai công chúa con Vua Hùng và dân làng nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Nghề này đã lan toả khắp vùng và phát triển rực rỡ, tồn tại hàng ngàn năm, nuôi sống cả đời người. Không những thế trong Ngọc phả khẳng định: Hai vợ chồng cả đời ra sức làm điều nhân nghĩa. Nguyên văn là: “lực hành nhân nghĩa, gia tư phong hậu”. Rõ ràng vợ chồng nhà giáo Vũ Thê Lang đã nêu cao tấm gương sáng về đạo đức, là nhà giáo mẫu mực, là “khuôn vàng thước ngọc”. Cho nên nhân dân tôn vinh, dựng miếu thờ một người dạy chữ, một người dạy nghề cho dân, cả hai đều được quý trọng như nhau.

          Thiên Cổ Miếu là bức thông điệp nền văn hiến thời Hùng Vương; ông cha ta rất coi trọng thầy giáo, coi trọng giáo dục đào tạo những người hiến tài cho Đất nước, vì “hiền tài là nguyên khí của Quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp” và nêu cao đạo lý: tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn và tinh thần hiếu học của dân tộc ta đã có từ ngàn xưa.

          Thiên cổ miếu là một di tích lịch sử độc đáo thờ người thầy dạy học ở thời Hùng Vương ngay chốn kinh đô Văn Lang; đã trải qua hơn 2000 năm mà vẫn tồn tại đến ngày nay; đây là một bằng chứng về lịch sử văn hoá giáo dục và văn minh Lạc Việt, có một ý nghĩa và giá trị vô cùng lớn lao. Cho nên hàng năm cứ đến ngày 20 tháng 11, ngày nhà giáo Việt Nam các thầy giáo và học trò trong thành phố Việt Trì đền Thiên cổ miếu dâng hương tưởng niệm, báo cáo thành tích giảng dạy, và học tập của trường mình.

           Ngày nay ở Việt Trì có trường THPT đặt tên là Vũ Thê Lang do nhà giáo ưu tú Vũ Văn Viết làm Hiệu trưởng để kế thừa và phát huy truyền thống dạy và học khi xưa.

           Thiên cổ miếu được UBND tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận là di tích lịch sử văn hoá năm 2003. Mới đây Thiên cổ miếu được đầu tư, xây dựng khang trang, khoáng đạt hơn xưa nhiều. Bắt đầu từ năm 2007 gọi là Đền Thiên Cổ. Trong đền được trang trí và trưng bày lộng lẫy, uy nghi thể hiện ý nghĩa và giá trị nói trên

NNC VHDG Lương Nghị

            Điện thoại: Lương Nghị :    0364 890 537

                                                       (0210) 3 853 267

 

 

Nguồn Internet


Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ

Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.