Nhắc tới làng Đào Xá (nay là xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) chắc hẳn ai cũng nghĩ tới lễ hội rước voi truyền thống được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội phản ánh những giá trị lịch sử, những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng thờ thủy thần của cư dân vùng Đất Tổ. Đặc biệt, có một thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ dâng cúng Thành Hoàng đó là bánh Tẻ mật. Đây là món ăn cổ truyền, quen thuộc, gần gũi của người dân làng Đào Xá và cũng là thứ bánh đã để lại nhiều ấn tượng mới lạ, sâu sắc nhất cho nhiều du khách về dự hội.
Mộc mạc như chính cái tên gọi, bánh Tẻ mật được làm từ mật mía và bột gạo tẻ, thứ gạo ấy dân gian đã ví là “mẹ ruột” tạo nên một mùi vị thơm ngon rất đặc biệt. Để làm ra một chiếc bánh Tẻ mật chẳng khó vì loại bánh này không hề cầu kỳ chút nào, chỉ cần để tâm là có thể làm được.
Về công đoạn, quy trình làm bánh Tẻ mật gồm bốn bước: chuẩn bị nguyên liệu, khuấy bánh, gói bánh và hấp bánh. Theo kinh nghiệm của người dân làng Đào Xá, để làm nên một chiếc bánh Tẻ mật ngon phải chọn thứ gạo tẻ nguyên chất, không lẫn tạp chất, tốt nhất là gạo khang dân. Mật làm bánh là thứ mật mía đặc thơm, phải chọn loại đặc sánh có màu cánh gián. Lá gói bánh phải là lá chuối khô và dùng lạt giang hoặc các loại lá cây, dây chuối,… phù hợp để chằng bánh. Điều khác biệt với bánh Tẻ của các nơi khác đó là bánh Tẻ mật Đào Xá không gói nhân.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, gạo đem đãi sạch, ngâm khoảng một ngày trước khi đem xay. Trước đây, muốn làm bánh người dân làng Đào Xá phải tự xay bằng cối đá nên thường lâu và vất vả. Còn bây giờ, đã có máy xay nên chỉ một loáng là đã có bột bánh. Bột bánh Tẻ phải đặc, sền sệt nếu bột quá nhão bánh sẽ khó gói và khi ăn sẽ không có độ rắn cần thiết nên rất dễ ngán. Đem mật mía hòa thêm nước gừng tươi cho thơm trộn đều với bột bánh. Tùy theo sở thích ăn ngọt hay nhạt của mỗi người mà có thể cho lượng mật phù hợp với khẩu vị riêng.
Tiếp theo, bắc nồi bột lên bếp đun lửa vừa phải, lấy đũa cái to khuấy đều, nhanh tay và liên tục cho tới khi thấy bột bánh trong và quánh lại thì đậy vung kín ủ trên bếp lửa liu riu đến khi bột bánh chín trong thì đem ra gói. Đây chính là công đoạn quan trọng nhất khi làm bánh Tẻ mật, phải đảo lên, đánh xuống, xoay vòng đôi đũa cái đều đặn liên tục dưới bếp lửa liu riu, bởi nếu không khéo bột sẽ không chín đều, lại rất dễ bị bén vào đáy nồi làm khê bột.
Kế đến, khi bột còn nóng nhanh tay múc bột ra nặn thành những chiếc bánh vừa phải rồi cho vào lá chuối khô đã lau sạch cuốn tròn lại, buộc túm hai đầu giống như bánh chưng tày hoặc chằng lạt xung quanh như bánh Tẻ mặn. Động tác của người gói bánh Tẻ mật yêu cầu phải nhanh tay, nhẹ nhàng, khéo léo đảm bảo đến cái bánh cuối cùng bột vẫn còn nóng, vì nếu bột nguội, khi hấp bánh sẽ không chín đều, mịn màng và óng mượt. Gói xong cái nào lấy lạt chằng ngay cái đó. Sau đó xếp ngay vào chõ bắc lên bếp đồ, khi nào hơi trong chõ bốc lên đều, người ta sẽ thắp một nén hương theo dõi hương tàn là bánh chín. Theo kinh nghiệm của những người làm bánh Tẻ mật lâu năm, công đoạn hấp bánh sẽ giúp bánh chín kỹ hơn đồng thời làm bánh mịn và rắn hơn, bánh khi chín sẽ có màu nâu vàng của mật mía và lá chuối khô. Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất khi làm bánh.
Sau khi hấp xong, đợi bánh nguội rồi cắt bánh thành những khoanh nhỏ, bánh Tẻ mật có màu sắc vàng óng như mật ong, tỏa mùi thơm mát, dịu dàng. Khi ăn đưa lát bánh mới chạm vào đầu lưỡi đã có cảm giác vừa mát dịu vừa ngọt ngào thật thú vị. Bánh có độ dẻo mềm vừa phải, có vị bùi của bột gạo tẻ, thêm chút ngọt mát của mật mía và mùi thơm của gừng quyện vào nhau rất lạ miệng, tất cả hương vị đan xen với nhau, nhâm nhi thêm chút trà nóng lại càng khiến người dùng ăn hoài mà không hề thấy ngán.
Từ bao đời nay, bánh Tẻ mật Đào Xá được xem là món “khoái khẩu” của mọi người, mọi nhà – món quà quê mộc mạc, gần gũi của người dân làng Đào Xá, gói bánh Tẻ mật như một nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây. Một chiếc bánh bình dị, mộc mạc phô nét đảm đang của con người làng Đào Xá. Đặc biệt, trong ngày hội làng, ngoài xôi, chè, gà, hoa quả,… trêm mâm cỗ thờ bao giờ cũng có hai đĩa bánh Tẻ mật để dâng cúng Thành Hoàng cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bốn mùa ngô lúa tốt tươi, dân làng hòa thuận, đời sống ấm no hạnh phúc.
Giữa cuộc sống phồn hoa và náo nhiệt tất bật như hiện nay, ăn một miếng bánh Tẻ mật bỗng thấy cả một trời tuổi thơ ùa về, hương vị của thứ bánh ấy như mang theo hương đồng gió nội vậy.
Bánh Tẻ mật là một món ăn ngon, hấp dẫn, góp phần hình thành nét văn hóa ẩm thực phong phú của quê hương Thanh Thủy. Tuy thật dân dã, giản dị, đời thường nhưng thực sự đã khơi dậy và làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương tha thiết, niềm tự hào trong mỗi người dân làng Đào Xá về mảnh đất đã sinh ra và nuôi lớn biết bao thế hệ dân làng. Nếu có dịp về Phú Thọ, bạn đừng quên thưởng thức món bánh Tẻ mật truyền thống của làng Đào Xá, của mảnh Đất Tổ thấm đượm tình người này nhé!
Phương pháp trị liệu kết hợp tắm nước khoáng nóng với xoa bóp bấm huyệt theo y học cổ truyền Việt Nam được xem là một trong những phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Tắm nước khoáng nóng giúp mở rộng các giác quan, giảm căng thẳng và tăng cường sức đề kháng. Trong khi xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên cơ xương khớp, giúp giảm đau và tăng sức mạnh cho các khớp, từ đó giảm bớt các triệu chứng bệnh xương khớp. Hãy đến Tre Nguồn Resort để trải nghiệm phương pháp trị liệu này và cải thiện sức khỏe của mình!
Nguồn Internet
Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ
Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ
- Tre Nguồn Resort, Khu 1, Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ
- Văn phòng: Số 11F ngõ 107, P. Vĩnh Hưng, Q. Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam
- Email: trenguonresortandspa@gmail.com
- Hotline: +84 96 2249 338