Đến với Phú Thọ – mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, du khách không chỉ được tham quan, khám phá những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn có dịp thưởng thức ẩm thực đặc trưng với mùi vị hấp dẫn khó quên. Phú Thọ toát lên vẻ đẹp từ sự bình dị của thiên nhiên nơi rừng cọ đồi chè, từ vẻ đẹp của những người nông dân hiền lành, chất phác. Những món ăn của Phú Thọ luôn mang đặc trưng của ẩm thực trung du, miền núi mà du khách thập phương khó có thể tìm thấy ở bất cứ một nơi nào khác.
Huyện Phù Ninh là một huyện miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Phú Thọ. Đến với mảnh đất Phù Ninh, người dân không thể không nhắc tới món ăn đặc sắc như: cá thính Tử Đà, hồng không hạt Gia Thanh, chè Tiên Phú, bún bánh Phú Nham… Và đặc biệt không thể không kể đến một món ăn dân dã, đậm vị quê bởi nguyên liệu chính của món ăn là củ sắn, rất gần gũi với người nông dân. Sắn là loại củ có vị ngọt bùi, bổ, chứa nhiều tinh bột có thể dùng để chế biến món ăn. Thông thường, sắn thường luộc và ăn trực tiếp. Ngoài ra, còn có thể làm bánh, ngon nhất phải kể đến là món bánh sắn Phù Ninh. Đây là loại bánh dân dã đã để lại khá nhiều ấn tượng mới lạ, sâu sắc cho du khách thập phương mỗi khi ghé thăm quê hương Phú Thọ. Món ăn không chỉ thơm bùi của vị sắn nếp đặc sản nơi đây mà còn béo ngậy quyến rũ lòng người.
Găp gỡ và trò chuyện với bà Lê Thị Lương ở Thị trấn Phong Châu, đã gắn bó với nghề làm bánh sắn lâu năm- hơn 10 năm nay. Theo bà, để làm ra những chiếc bánh ngon, trước tiên phải chọn lựa tỉ mỉ, cẩn thận nguồn nguyên liệu tốt đó là loại sắn nếp củ to, trắng, thân mập có nhiều bột, ít mắt. Sắn được bóc vỏ cả lớp vỏ giấy, bỏ cùi, tách bỏ xơ.
Phú Thọ có nhiều nơi làm bánh sắn, nhưng không phải nơi đâu cách làm cũng giống nhau, mỗi nơi lại có một bí quyết riêng từ khâu nhào bột. Ví dụ ở một số huyện trên địa bàn tỉnh, người làm bánh sắn sẽ dùng bột sắn khô: nước sôi đun sẵn sẽ được dội từ từ vào chậu bột khô, vừa dội nước vừa dùng đũa đảo nhanh tay để bột hòa vào với nước. Sau khi nước và bột quyện lại với nhau, nhào thật kỹ đến khi bột thật dẻo. Còn với người dân huyện Phù Ninh, họ sử dụng nguyên liệu từ những củ sắn tươi: Sắn bóc vỏ, rửa sạch, lọc bỏ xơ dùng bàn mài sắn thành bột đánh nhuyễn. Vắt lấy bã còn nước để lắng gạn lấy tinh bột rồi nhào bã cùng tinh bột cho mịn nhuyễn, nắn thành từng chiếc bánh nhỏ xinh. Còn về nhân bánh, cũng theo bà Lương chia sẻ: trước đây, chỉ có món bánh sắn nhân đũa (kiểu làm bánh chay và để cho bánh chín nhanh, chín đều thì lấy chiếc đũa chọc một lỗ giữa bánh nên gọi là bánh sắn nhân đũa). Giờ thay vào đó nhân bánh gồm: thịt mỡ, hành tươi, đỗ xanh bỏ vỏ nấu chín. Phi hành mỡ thơm cùng đỗ xanh, thịt mỡ nêm gia vị cho vừa nên mùi vị thơm ngon, béo ngậy, ăn hấp dẫn hơn nhiều.
Đặc biệt, tinh tế và hấp dẫn người ăn hơn cả là bí quyết sử dụng một số loại lá tạo màu có sẵn ở vùng quê nơi bà Lương sinh sống, vừa an toàn vừa đẹp mắt, đó là lá dứa (màu xanh), lá nếp cẩm (màu hồng), hoa đậu biếc (màu tím), quả gấc (màu cam), bột nghệ (màu vàng)… Để nhuộm màu cho bột sắn, người làm sẽ đun các loại lá màu để lấy nước rồi nhào chung với bột, và luôn lưu ý việc nhào từng loại màu riêng để không bị lẫn màu với nhau. Bột sắn nặn thành những chiếc bánh xinh xinh hình tròn hoặc khum dẹt, dùng lá chuối bọc bên ngoài từng chiếc bánh để khi xôi bánh không bị dính vào nhau. Lần lượt xếp bánh vào nồi đồ xôi. Đun nồi xôi nhỏ vừa để bánh chín đều. Sau 25 phút bánh sẽ lên mùi thơm ngậy của sắn nếp và nhân đậu thịt. Khi bóc chiếc bánh, bên ngoài có màu xanh nhạt từ màu xanh của lá chuối, bên trong bánh có màu trắng hoặc các màu sắc bắt mắt và ở giữa là nhân. Ngoài làm bánh sắn, bà Lương còn sáng tạo sử dụng nguồn nguyên liệu bột sắn tươi để chế biến một số loại bánh khác như: bánh trôi, bánh rán… Từ kinh nghiệm quý báu, nhiệt huyết với nghề, bà Lương đang nỗ lực truyền lại cho thế hệ sau bí quyết làm ra những chiếc bánh thơm ngon để lưu giữ hương vị khó quên của món bánh này.
Vài năm gần đây, bánh sắn đã trở thành món ăn dân dã được ưa chuộng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho một số gia đình trên địa bàn thị trấn Phù Ninh, xã Phú Lộc. Sản phẩm bánh sắn Phù Ninh đã nhiều lần được tham gia trưng bày trong các dịp hội chợ và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Khi thưởng thức bánh ai nấy đều trầm trồ cho rằng đây là loại bánh vừa đẹp mắt vừa đẹp lòng bởi bánh sắn Phú Thọ sẽ mang đến những dư vị khó quên: có độ dẻo thơm, ngọt của bột sắn hòa vào vị bùi của đỗ, vị thơm của hành, vị béo của thịt, hương vị riêng của mỗi loại lá tạo màu. Tất cả đều gợi cảm giác ngon miệng mỗi khi thưởng thức, nhớ tới hương vị quê hương nơi miền trung du.
Bài và ảnh: Thùy Dung- Trung tâm TTXT Du lịch
Phương pháp trị liệu kết hợp tắm nước khoáng nóng với xoa bóp bấm huyệt theo y học cổ truyền Việt Nam được xem là một trong những phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Tắm nước khoáng nóng giúp mở rộng các giác quan, giảm căng thẳng và tăng cường sức đề kháng. Trong khi xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên cơ xương khớp, giúp giảm đau và tăng sức mạnh cho các khớp, từ đó giảm bớt các triệu chứng bệnh xương khớp. Hãy đến Tre Nguồn Resort để trải nghiệm phương pháp trị liệu này và cải thiện sức khỏe của mình!
Nguồn Internet
Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ
Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ
- Tre Nguồn Resort, Khu 1, Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ
- Văn phòng: Số 11F ngõ 107, P. Vĩnh Hưng, Q. Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam
- Email: trenguonresortandspa@gmail.com
- Hotline: +84 96 2249 338