Du lịch Phú Thọ – Khám phá miền di sản và lễ hội
Phú Thọ, mảnh đất cội nguồn dân tộc Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, mà còn thu hút du khách bởi những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo và lễ hội truyền thống đặc sắc. Tham gia tour du lịch Phú Thọ là cơ hội để bạn:
- Tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của dân tộc qua các di tích lịch sử, đền, đình, làng nghề truyền thống.
- Trải nghiệm những lễ hội sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
- Thưởng thức ẩm thực đặc trưng của vùng đất trung du.
- Tham gia các hoạt động du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên hoang sơ.
Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao
Lễ hội Trò Trám từ xa xưa được định kỳ tổ chức trong hai ngày 11 và 12 tháng Giêng ở miếu Trám, điếm Trám và khu vực xóm Trám, xã Tứ Xã, huyện lâm Thao. Lễ hội Trò Trám là một dịp để trải nghiệm tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước.
Tâm điểm của lễ hội Trò Trám là phần lễ Mật, còn gọi là lễ “Linh tinh, tình phộc” diễn ra vào lúc nửa đêm (giờ Tý) là một dạng của lễ cầu sinh thực khí để cầu mong sự sinh sôi nảy nở cho con người và vạn vật. Phần hội vui nhộn, độc đáo với nghi lễ rước Lúa thần, trình diễn trò “Tứ dẫn chi nghiệp” còn gọi là “bách nghệ khôi hài”.
Lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy
Lễ hội đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Giêng hằng năm; trong đó, ngày 28 là ngày chính hội với các hoạt động thực hành các nghi lễ thờ phụng vị thần Hùng Hải Công, các vị Tam Công là các nhân vật lịch sử huyền thoại có công dựng nước, dựng làng gắn liền với không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Trong lễ hội đình Đào Xá, hội rước voi được coi là tâm điểm nên người dân thường gọi là Lễ hội rước voi Đào Xá. Phần hội được tổ chức tưng bừng với các trò chơi dân gian như giã gạo, kéo lửa thổi cơm thi, kéo co, đánh đu…
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ (Xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) gắn với truyền thuyết mẹ Âu Cơ dẫn 49 người con đi khai sơn, phá thạch, mở lối, đắp nền cho muôn đời con cháu. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là biểu hiện sinh động của sự tri ân cong đức tổ tiên, tôn vinh nòi giống Tiên Rồng và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Nổi bật trong tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương là Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ; trong đó, nghi thức Tế nữ quan, một ghi thức đặc biệt thiêng liêng được tổ chức vào ngày mùng Bảy tháng Giêng (âm lịch).
Lễ hội đền Lăng Sương, xã Trung Nghĩa (nay là xã Đồng Trung), huyện Thanh Thủy
Đền Lăng Sương thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn, hai vị thần Cao Sơn, Quý Minh là song thân phụ mẫu, dưỡng mẫu của Ngài và công chúa Ngọc Hoa. Hằng năm, đền Lăng Sương có hai kỳ lễ chính: Rằm tháng Giêng, Nhân dân tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh Tản nhằm ghi nhớ công lao của ngài dạy dân trồng lúa, khai hoang bờ cõi. Ngoài dịp ra, vào ngày 25/10 âm lịch là lễ kỷ niệm ngày Thánh Mẫu (bà Đinh Thị Đen) hóa thân về trời và lễ tiễn mẹ nuôi của Đức Thánh Tản (bà Ma Thị Cao Sơn Thần) về núi Ba Vì.
Lễ hội đền Lăng Sương thể hiện sự gắn kết giữa lễ nghi, trò diễn, truyền thuyết và di tích hết sức mật thiết; vừa mang ý nghĩa của tín ngưỡng nông nghiệp như tục “rước nước” về đền.
Lễ cấp Sắc của người Dao Quần Chẹt, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập
Lễ cấp sắc của người Dao Quân Chẹt là một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, có sự đan xen giữa các loại hình tín ngưỡng dân gian truyền thống với các loại hình tín ngưỡng khác được du nhập từ bên ngoài vào, đó là Đạo giáo.
Thời gian tổ chức lễ cấp sắc thường diễn ra từ tháng 10 âm lịch đến tháng 2 âm lịch của năm sau. Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt gồm những nghi lễ chính sau: Lễ mời tổ tiên, lễ khai đàn, lễ nhập đồng, lễ đặt tên, lễ dâng đèn, lễ lên đồng hương hỏa, lễ thỉnh Ngọc Hoàng, lễ cúng trừ các loại sâu bệnh cho cây trồng, lễ khao quân.
Lễ cấp Sắc của người Dao Tiền, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn
Lễ cấp sắc của người Dao nói chung là nghi lễ trưởng thành, rất phổ biến với nhiều tên gọi khác nhau như: “Quả tăng”, “Lập tịch”, “Tẩu say”, người Dao Tiền gọi là “Cấp sắc” hay còn gọi là “Lập tĩnh” có nghĩa là đặt tên âm hay đặt tên cúng cơm dành cho đối tượng là nam giới, đánh dấu sự trưởng thành của họ về mặt sinh lý cũng như về mặt xã hội, họ được cộng đồng thừa nhận, được hưởng quyền lợi của mình trong xã hội.
Lễ cấp sắc của người Dao gồm những nghi lễ chính sau: Lễ giặm hẹn, lễ đón thầy, lễ khai đàn treo tranh, lễ mời tổ tiên chứng dám và lễ cúng sư phụ (tổ sư thầy cúng) để làm lễ đặt tên âm cho học trò, lễ đặt tên, lễ đưa ma đồi, lễ cúng bàn cổ, lễ cúng tạ lễ tổ tiên.
Lễ Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt, huyện Yên Lập
Lễ Tết nhảy của đồng bào Dao Quần Chẹt huyện Yên Lập còn được gọi là Nhiàng chậm đáo, là một nghi lễ kế tục của nghi lễ cúng Bàn Vương, luyện binh tướng để bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc và bản làng. Nhiàng chậm đáo được tổ chức vào tháng 12 âm lịch, bao gồm cúng Tết nguyên đán, cúng chuyển tiếp (từ Tết nguyên đán sang Tết nhảy), khai lễ, lễ chính và lễ tiễn đưa.
Nghi lễ Tết nhảy bao gồm: Cúng tất niên; cúng Tết dài; khai đàn lễ; xuất âm binh; nhảy múa mừng đón thần thánh về dự lễ; các thầy xuất âm binh; múa bắt ba ba; cúng báo cáo thiên binh thiên tướng trên trời cùng Ngọc Hoàng thượng đế việc tổ chức Nhiàng chậm đáo của gia đình; cúng cầu mùa, cầu hồn cây lúa; cúng thu âm binh sau khi được Ngọc Hoàng chứng giám nghi lễ; cúng rước hồn lúa vào nhà; cúng cảm tạ thần linh; báo cáo với vị thần cai quản vùng đất mà chủ nhà đang sinh sống việc gia đình, dòng họ đã làm Nhiàng chậm đáo.
Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì
Lễ hội Bạch Hạc có xuất xứ từ hội làng, gắn với tín ngưỡng thờ Thần hoàng làng Thổ Lệnh, anh hùng dân tộc Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và Thánh Mẫu Quách A Nương, là những người có nhiều công lao đóng góp cho dân tộc và Nhân dân vùng Bạch Hạc xưa.
Hằng năm, dân Bạch Hạc tổ chức 3 kỳ tiệc lễ: Kỳ tiệc thứ nhất được tổ chức vào dịp đầu xuân từ ngày 3 đến hết ngày 5 tháng Giêng; kỳ tiệc thứ hai tổ chức vào ngày 30 tháng Ba âm lịch (ngày thánh sinh) và kỳ thứ ba tổ chức vào ngày 25 tháng Chín âm lịch (ngày thánh hóa). Các nghi lễ chính bao gồm lễ rước nước và lễ tế thần chủ bản đền. Phần hội bao gồm các hoạt động: Hội thi bơi chải, chơi cờ người, nấu cơm thi.
Lễ hội đền Chu Hưng, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa
Lễ hội Đền Chu Hưng là lễ hội truyền thống gắn liền với quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của di tích đền đến Chu Hưng, là nơi thờ Côn Nhạc Đại Vương – người có công đánh giặc bảo vệ giang sơn bờ cõi Chu Hưng thuở xưa. Đền Chu Hưng diễn ra ba kỳ lễ: Ngày mồng 7 tháng Giêng gắn liền với lễ rước dâng lễ vật cúng Thánh, ngày mồng 8 tháng 2 là ngày Giỗ của Côn Nhạc Đại Vương và ngày 15 tháng 8 là ngày hội khao quân. Kỳ lễ quan trọng và lớn nhất là ngày lễ hội của đền vào ngày Mùng 7 tháng Giêng hằng năm.
Nghề làm nón lá Sai Nga, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê
Nghề làm nón làng Sai Nga, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê là nghề truyền thống lâu đời, phát triển mạnh mẽ từ khoảng những năm 1950. Theo các cụ cao niên trong làng, gốc tích của nghề làm nón là từ việc những người dân tản cư từ làng Chuông (nay thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội) mang đến, được bảo tồn và phát triển.
Để làm ra một chiếc nón phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu làm nón gồm: Lá, khuôn, vành, mo tre hoặc mo nứa, sợi cước, sợi len để luồn nhôi và một lưỡi cày để là phẳng lá. Khi có đủ nguyên liệu thì bắt tay vào làm từng công đoạn. Một chiếc nón được hoàn thành phải mất khoảng 3 giờ, muốn nón được trắng hơn khi làm xong hơ qua diêm sinh. Năm 2004, Sai Nga chính thức được công nhận là làng nghề.
Du khách tham gia tour du lịch Phú Thọ không chỉ được chìm đắm trong không gian lịch sử mà còn thưởng thức những trải nghiệm văn hóa độc đáo qua các lễ hội truyền thống và nghề truyền thống của địa phương. Đây sẽ là hành trình đáng nhớ cho những người muốn khám phá và hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa Việt Nam.
Phương pháp trị liệu kết hợp tắm nước khoáng nóng với xoa bóp bấm huyệt theo y học cổ truyền Việt Nam được xem là một trong những phương pháp trị liệu hiệu quả nhất. Tắm nước khoáng nóng giúp mở rộng các giác quan, giảm căng thẳng và tăng cường sức đề kháng. Trong khi xoa bóp bấm huyệt tác động trực tiếp lên cơ xương khớp, giúp giảm đau và tăng sức mạnh cho các khớp, từ đó giảm bớt các triệu chứng bệnh xương khớp. Hãy đến Tre Nguồn Resort để trải nghiệm phương pháp trị liệu này và cải thiện sức khỏe của mình!
Thăm quan du lịch Phú Thọ
Trải nghiệm tắm khoáng nóng Thanh Thuỷ
Tre Nguồn Resort – Khoáng nóng Thanh Thuỷ
- Tre Nguồn Resort, Khu 1, Bảo Yên, Thanh Thủy, Phú Thọ
- Văn phòng: Số 11F ngõ 107, P. Vĩnh Hưng, Q. Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam
- Email: trenguonresortandspa@gmail.com
- Hotline: +84 96 2249 338